Bảo hiểm Dầu khí Hà Nội: “Quỵt” tiền bảo hiểm?

Hiện trường vụ tai nạn của chiếc xe 30H-6365. Ảnh: T.L.(LĐ) – Khi bán bảo hiểm cho doanh nghiệp (DN), phía DN bảo hiểm đã cam kết rất rõ điều kiện thực hiện trách nhiệm của mình trong hợp đồng. Nhưng khi sự cố xảy ra, phía bảo hiểm đã tìm mọi cách để từ chối, thậm chí còn nại ra những lý do không hề có trong quy tắc bảo hiểm mà chính họ ban hành để trốn trách nhiệm.

Trường hợp xảy ra tại Cty bảo hiểm Dầu khí Hà Nội (PVI Hà Nội) là một điển hình.

Mua bảo hiểm không được bồi thường

Cty CP kinh doanh ximăng miền Bắc (CTCPKDXM miền Bắc) đã mua bảo hiểm của PVI Hà Nội cho chiếc ôtô BKS 30H-6365, theo đó giấy chứng nhận bảo hiểm số 0071344/08 do PVI phát hành có giá trị từ 15.5.2008 đến 15.5.2009 và ngoài phần bảo hiểm bắt buộc, phía CTCPKDXM miền Bắc còn mua bảo hiểm tự nguyện trách nhiệm dân sự đối với vật chất xe và bảo hiểm tai nạn lái phụ xe và người ngồi trên xe với giá trị bảo hiểm khai báo lên tới 250 triệu đồng.

Ngày 1.3.2009, xe 30H-6365 do mất phanh đã bị tai nạn tại Km 26, quốc lộ 70 (Đoan Hùng – Phú Thọ) với tổng thiệt hại tới gần 150 triệu đồng (cả tiền thuê xe cứu hộ). Do tổn thất vụ tai nạn không nằm trong những điểm loại trừ bảo hiểm được quy định trong bản quy tắc bảo hiểm do PVI quy định, nên CTCPKDXM miền Bắc làm thủ tục yêu cầu PVI Hà Nội bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

Ngày 7.4.2009, trong công văn số 475/HN-GĐBT, ông Lương Hoàng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách PVI Hà Nội đã từ chối bồi thường thiệt hại đối với chiếc ôtô 30H-6365 với lý do: Căn cứ vào Điều 15 điểm 1 khoản 3 quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới của PVI: PVI không chịu trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại vật chất của xe gây ra bởi nguyên nhân “hư hỏng do khuyết tật, ẩn tì mất giá trị, giảm dần chất lượng cho dù có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường”.
 
Đồng thời còn tuyên bố: “Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày phát hành văn bản này, nếu phía Cty CP kinh doanh ximăng miền Bắc không có ý kiến gì khác, PVI Hà Nội sẽ đóng hồ sơ vụ việc trên tại đây”. Điều này là không chấp nhận được, bởi theo quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm (Điều 30) thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp. Còn trong quy tắc bảo hiểm do PVI ban hành (Điều 39) thì thời hạn yêu cầu bồi thường phải là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn.

Cố tình né trách nhiệm?

Thay cho việc đàm phán với khách hàng để tìm hướng giải quyết, ngày 15.7.2009, trong công văn số 1199/HN- GĐBT, PVI Hà Nội đã đưa ra thêm lý do để từ chối bồi thường rằng: “PVI sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường các trường hợp tổn thất mà nguyên nhân là hư hỏng của thiết bị hay hao mòn, hư hỏng, giảm dần chất lượng phát sinh từ hoạt động bình thường của chiếc xe đó”.

Đây là điều khoản không hề có trong hợp đồng bảo hiểm, và cũng không được quy định tại bản quy tắc bảo hiểm do PVI quy định. Được biết, trong khoản 2, mục 1, Điều 15, có quy định các trường hợp PVI không chịu trách nhiệm bồi thường ghi nguyên văn là “Hao mòn, hư hỏng tự nhiên phát sinh từ việc hoạt động bình thường của chiếc xe gây ra”.

Nhưng phía PVI Hà Nội đã trích dẫn và “bóp méo” theo hướng có lợi cho mình để đưa vào công văn trả lời rằng: “Hư hỏng của thiết bị hay hao mòn, hư hỏng, giảm dần chất lượng phát sinh từ hoạt động bình thường của chiếc xe đó”. Theo giới am hiểu về lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, việc lãnh đạo PVI Hà Nội thêm bớt vài từ như vừa nêu ở trên là có mục đích, gây ra sự hiểu nhầm nội dung nhằm né tránh trách nhiệm trả tiền bảo hiểm mà PVI Hà Nội đã ký hợp đồng với khách hàng.

Được biết, quy tắc bảo hiểm là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Các Cty bảo hiểm muốn bán sản phẩm bảo hiểm nào thì các quy tắc bảo hiểm đi kèm sản phẩm đó đều phải được đăng ký tại Bộ Tài chính. Vậy mà PVI Hà Nội đã cố tình “lái” nội dung quy tắc bảo hiểm để chối bỏ trách nhiệm bảo hiểm.
Công Thắng

Nguồn báo lao động

Comments are closed.