Bảo hiểm dành cho người nghèo: Bước ngoặt mới

Lễ ký thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án cung cấp bảo hiểm cho người nghèo giữa PTI và Quỹ hỗ trợ Phụ nữ nghèo tỉnh Thanh Hóa. ICTnews – Việc ra mắt sản phẩm “Bảo hiểm sức khỏe toàn diện” và “Bảo hiểm đảm bảo khoản vay” tại Thanh Hóa ngày 17/5/2010 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trên thị trường dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, bởi đây là lần đầu tiên những người có thu nhập thấp sẽ được tiếp cận và cung cấp dịch vụ bảo hiểm.
Đây là kết quả của sự phối hợp giữa Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children).

Cơ chế linh hoạt

Lần đầu tiên tại Việt Nam, những người có thu nhập thấp sẽ được tiếp cận và cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Với hai sản phẩm “Bảo hiểm sức khỏe toàn diện” và “Bảo hiểm đảm bảo khoản vay”, người nghèo sẽ không còn phải lo lắng về gánh nặng chi phí khi ốm đau và được đảm bảo để thực hiện hoạt động vay vốn phát triển kinh tế thoát nghèo. Hai sản phẩm này có mức phí thấp hơn 30% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, khi tham gia bảo hiểm sức khỏe, người có thu nhập thấp không cần phải đứng trong tổ chức, đơn vị nào mà có thể tự mua theo tư cách cá nhân. Ngoài ra, PTI còn có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho nhiều cá nhân trong hộ nghèo cùng tham gia bảo hiểm sức khỏe với cơ chế đóng phí linh hoạt.

Chi phí cho việc khám, điều trị bệnh tật cũng như sự bảo lãnh cho người nghèo thực hiện việc vay vốn luôn là nhu cầu cấp thiết đối với người nghèo hiện nay. Thực tế cho thấy, những người nghèo với điều kiện kinh tế còn thấp, điều kiện chăm sóc sức khỏe hạn chế, kéo theo đó tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng cao. Do vậy, những chi phí cho việc điều trị bệnh luôn là lỗi lo, gánh nặng đối với người nghèo, thậm trí đây chính là áp lực kinh tế lớn nhất đối với họ. Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo thoát nghèo thông qua những chính sách hỗ trợ vay vốn, miễn giảm viện phí… Tuy nhiên, để người nghèo có được hướng thoát nghèo bền vững vẫn luôn cần sự quan tâm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, trong đó bảo hiểm là một dịch vụ có thể hỗ trợ người nghèo một cách thiết thực.

PTI là doanh nghiệp tiên phong xây dựng Dự án cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho người nghèo với sự ủng hộ của một tổ chức phi chính phủ – Save the Children. Theo đó, tổng kinh phí cho dự án này lên tới hơn 700 triệu đồng và sẽ được thực hiện thí điểm tại Thanh Hóa. Sau khi dự án thí điểm này kết thúc, PTI sẽ tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng trên toàn quốc.

Người nghèo được hưởng lợi

Đại diện Save the Children tại Việt Nam cho biết: “Những năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đạt tốc độ phát triển khá mạnh cả về số lượng nhà cung cấp dịch vụ cũng như quy mô vốn. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp bảo hiểm nào cung cấp các gói sản phẩm dành cho người nghèo tại các vùng nông thôn, bởi đây là nhóm khách hàng có tiềm năng thấp, độ rủi ro cao… Vì thế, sau thời gian xem xét, đánh giá các tiêu chí, kết quả về hoạt động xã hội của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, Save the Children đã quyết định lựa chọn PTI để phối hợp thực hiện Dự án này. Với chiến lược kinh doanh luôn gắn với hoạt động vì cộng đồng, chúng tôi tin tưởng rằng PTI sẽ thực hiện thành công Dự án này và tiếp tục nhân rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

“Là một trong 5 doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, quá trình phát triển của PTI luôn gắn với cam kết đem lại cho cộng đồng những sản phẩm bảo hiểm thiết thực nhất và gắn với mục tiêu “Công ty Bảo hiểm của cộng đồng”. Do vậy, dự án cung cấp bảo hiểm cho người có thu nhập thấp sẽ là bước khởi đầu cho hàng loạt các dự án, sản phẩm bảo hiểm tương tự của PTI trong những năm tới”, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc PTI nói.

Theo bà Mai Thị Xường, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ nghèo Thanh Hóa, hiện nhu cầu mua sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của người nghèo là rất lớn, nhưng để tiếp cận được với những sản phẩm bảo hiểm hiện có thì người tham gia cần có nhiều điều kiện. Do vậy, với gói sản phẩm thiết thực và hình thức cung cấp đơn giản, những hộ nghèo Thanh Hóa sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ sản phẩm bảo hiểm của PTI.

H.G

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 61 ra ngày 21/5/2010.
ICTnews

Comments are closed.