Bảo hiểm cho người nuôi tôm: Bỏ thì thương, vương… sợ lỗ?

altTheo kế hoạch năm 2013, Công ty Bảo Việt Sóc Trăng sẽ mở rộng địa bàn bán bảo hiểm cho người nuôi tôm với dự kiến doanh thu tăng 70% so với năm 2012. Tuy nhiên, thời điểm này đã là tháng cuối của mùa vụ thả tôm nuôi, người nuôi tôm chờ “mỏi cổ” vẫn chưa thấy Công ty triển khai bán bảo hiểm vì còn vướng “chưa được trên phê duyệt”. 

Thông thường, doanh nghiệp phải nỗ lực tìm cách khai thác nguồn thu, còn ở đây, người dân muốn mua bảo hiểm nhưng lại chưa được doanh nghiệp bán. Phải chăng những thất bại từ việc thí điểm của mùa vụ bảo hiểm đầu tiên năm 2012 với khoản lỗ lên tới 350% đã khiến doanh nghiệp “chùn bước”. Doanh nghiệp bảo hiểm có lẽ đang trong tình trạng “Bỏ thì thương, vương… sợ lỗ”? 

Doanh nghiệp bảo hiểm lỗ… 350% 

Theo ông Quách Pái, Phó giám đốc Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, thực hiện thí điểm bảo hiểm nuôi tôm mùa vụ năm 2012, Công ty Bảo việt Sóc Trăng đã bán bảo hiểm cho gần 3.500 lượt hộ (có trên 6.000 hồ sơ) cho 2.700 ha tôm nuôi. Tổng doanh thu đạt gần 70,5 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 45,3 tỷ đồng, nông dân tự đóng trên 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau thời gian thả nuôi, số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh có tới hơn 4.750 hồ sơ của hơn 2.500 hộ bị thiệt hại trên diện tích hơn 2.280 ha (thiệt hại tới 84% so với diện tích tham gia bảo hiểm). Đến giữa tháng 4/2013, Bảo Việt Sóc Trăng đã tiến hành chi trả, bồi thường cho người tham gia bảo hiểm bị thiệt hại trên 218,2 tỷ đồng. 

Trong số 471 hồ sơ chưa bồi thường, thì có 82 hồ sơ đã bị Bảo Việt từ chối bồi thường, tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng do người tham gia bảo hiểm không khai báo tổn thất đúng quy định, biên bản ghi ngày thả tôm không đầy đủ, biên bản lấy mẫu bệnh tôm khi bị thiệt hại không có người của Công ty bảo hiểm chứng kiến; hồ sơ nộp chậm, không đầy đủ, có dấu hiệu nghi vấn… Hiện còn lại 389 hồ sơ đang xem xét chờ giải quyết bồi thường, dự phòng số tiền bồi thường tiếp cho người tham gia bảo hiểm khoảng trên 18 tỷ đồng. 

Như vậy, tổng số tiền Bảo Việt phải chi trả cho người tham gia bảo hiểm tôm nuôi Sóc Trăng tổng cộng sẽ lên tới gần 240 tỷ đồng (trong khi nguồn thu phí chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng), gấp 3,5 lần số thu – một con số không tưởng của doanh nghiệp trước khi bắt tay thực hiện thí điểm bảo hiểm nuôi tôm. 

Gian lận hay quản lý không chặt? 

Việc triển khai thí điểm bảo hiểm cho người nuôi tôm là chính sách hợp lòng dân, nhất là đối với người dân nghèo được nhà nước hỗ trợ toàn bộ. Tuy nhiên, trên cơ sở thực tế triển khai thí điểm bảo hiểm, phía doanh nghiệp cho rằng: nguyên nhân phải bồi thường số tiền lớn như vậy chủ yếu là do địa bàn quá rộng, tình hình thiệt hại quá lớn, nhân lực thiếu, việc giám định, lấy mẫu bệnh tôm có khi lại giao cho cán bộ địa phương tham gia nên sẽ không tránh khỏi sai sót. Trên thực tế, đã phát hiện nhiều kẽ hở trong quy tắc, các văn bản hướng dẫn thực hiện, khung tỷ lệ bồi thường… dẫn đến dễ bị trục lợi, tạo ra nhiều dư luận không tốt. 

Đã có thông tin cho rằng, việc bảo hiểm thua lỗ nặng như vậy là do công tác quản lý, giám sát không chặt chẽ, dẫn đến nên tình trạng gian lận để được chi trả bảo hiểm. Trong khi tỷ lệ thiệt hại tôm nuôi chung của tỉnh (năm 2012) chỉ ở mức 50%, nhưng với những diện tích tham gia bảo hiểm thì tỷ lệ thiệt hại lên tới 84%. Đáng lẽ mức thiệt hại này phải thấp hơn mức thiệt hại chung của tỉnh vì khi tham gia bảo hiểm nuôi tôm, người tham gia phải tuân thủ đúng các quy tắc, quy trình nuôi của doanh nghiệp quy định như quy trình cải tạo ao nuôi, nhật ký nuôi, chăm sóc hàng ngày, nguồn giống, kích cỡ tăng trưởng… 

Trong chuyến làm việc tại Sóc Trăng vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đề nghị Bộ Tài chính sớm chỉ đạo, chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện bảo hiểm tôm nuôi cho người nông dân. Theo Phó thủ tướng, bảo hiểm cho nông dân là việc làm có tính chất nhân đạo, chia sẻ rủi ro với người nông dân, không vì những sai phạm nhỏ mà không triển khai thực hiện. Bộ Tài chính cần hướng dẫn ngay việc tiếp tục chi trả cho nông dân, đồng thời có chỉ đạo kịp thời đối với những trường hợp sai phạm. Phó thủ tướng khẳng định: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ sẽ tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm và địa phương để tiếp tục thực hiện thành công thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và chuẩn bị điều kiện triển khai rộng. 

Dù vậy, đến nay đã là thời điểm cuối trong mùa vụ thả nuôi tôm ở Sóc Trăng nhưng việc triển khai bán bảo hiểm cho người nuôi tôm vẫn chưa được thực hiện. Giải thích tình trang chậm trễ này, lãnh đạo Công ty Bảo Việt Sóc Trăng cho rằng: hiện Công ty đã hoàn thiện toàn bộ quy tắc, quy trình khai thác giám định, xây dựng kế hoạch kinh doanh để tránh gian lận. Công ty cũng đã tiến hành tập huấn, triển khai cho cán bộ và người dân nuôi tôm ở 9/9 xã phường thí điểm dự kiến năm 2013, nhưng đến thời điểm này Công ty vẫn chưa được cấp đơn bảo hiểm cho dân do chưa được Tổng công ty phê duyệt?! 

Việc chậm trễ này có nhiều lý do, nhưng có chăng ngành Bảo hiểm vẫn sợ những kẽ hở có thể bị lợi dụng để trục lợi, để rồi doanh nghiệp bảo hiểm lại bị lỗ nặng như mùa vụ nuôi tôm năm 2012. 

Trung Hiếu 

Comments are closed.