Bảo hiểm cháy nổ vẫn bị coi nhẹ

Thiệt hại do các vụ cháy nổ xảy ra lên đến hàng nghìn tỷ đồng(ANTĐ) – Trong những năm qua, các vụ hỏa hoạn ngày càng gia tăng về cả số lượng và mức độ, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai loại hình bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt vẫn gặp nhiều khó khăn do sự tham gia hạn chế của các đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Thực tế không như mong muốn

Ông Phùng Đắc Lộc-Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho biết: “Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cháy nổ từ năm 2007 giảm rõ rệt do phải tách riêng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ra khỏi bảo hiểm cháy nổ tự nguyện. Khi thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm đều kỳ vọng sẽ có tăng trưởng đột biến về doanh thu đối với hầu hết các đối tượng kể cả đối tượng sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên thực tế đã diễn ra không như mong muốn”.

Gần đây, khi nhiều vụ cháy lớn xảy ra liên tiếp, qua thống kê mới phát hiện được việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn rất hạn chế, chỉ có khoảng 20% đối tượng thuộc diện phải mua tham gia theo quy định.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt năm 2005 đạt 5.678 tỷ đồng và tăng lên 13.641 tỷ đồng vào năm 2009. Tuy nhiên, bắt đầu có dấu hiệu, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm không có lãi trong kinh doanh nghiệp vụ này.

Năm 2008 có 16 doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ này thì có tới 5 doanh nghiệp lỗ là AAA, Bảo Tín, Groupama, Liberty và ACE. Năm 2009, mặc dù nhiều doanh nghiệp tăng đầu tư vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm song vẫn còn 4/16 doanh nghiệp bị lỗ là Liberty, Groupama, Fubon và MSIG.

Việc đẩy mạnh tăng trưởng đối với loại hình bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc khách hàng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm đưa ra nhiều lý do như không thuộc diện tham gia, không có văn bản yêu cầu của cơ quan chức năng… để trốn tránh việc mua bảo hiểm. Cũng có doanh nghiệp tỏ ra mong muốn tham gia nhưng điều kiện chưa cho phép…

Cần phải quy trách nhiệm

Trên thực tế, đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy. Mà tiêu chuẩn này là một trong những điều kiện tiên quyết để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Mặt khác, họ là đối tượng có rủi ro cao nên nếu bảo hiểm bắt buộc thì phải chấp nhận mức phí cao. Do đó, việc đối tượng thuộc diện bắt buộc tìm cách trốn tránh là chuyện khó tránh khỏi.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh giành giật khách hàng, dịch vụ khá gay gắt. Biện pháp chủ yếu để giành ưu thế với đối thủ cạnh tranh là hạ phí bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu bán bảo hiểm cháy nổ bắt buộc doanh nghiệp không thể hạ phí để cạnh tranh được.

Để cải thiện tình hình, vấn đề cốt lõi là phải “trói buộc” người được giao quyển quản lý, khai thác, sử dụng tài sản mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Các đơn vị hành chính sự nghiệp cần được cấp kinh phí để mua bảo hiểm và quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đứng đầu nếu không mua bảo hiểm.

Ông Lộc cho biết: “Bản chất nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của Việt Nam khá giống với các nghiệp vụ tương tự tại các nước như Pháp, Singapore… Tại các nước trên, tuy không bắt buộc nhưng gần như bắt buộc vì việc mua bảo hiểm cháy nổ được quy định tại các điều lệ của doanh nghiệp, buộc giám đốc doanh nghiệp phải mua bảo hiểm. Đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội cũng tương tự như vậy”.

Hùng Anh
Báo An ninh Thủ đô

Comments are closed.