Bảo hiểm cháy nổ, cần nhìn nhận đúng

altHiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn tập PCCC cho cán bộ, nhân viên.

Vụ nổ kinh hoàng tại hẻm số 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM rạng sáng 24-2 vừa qua khiến 12 người chết và nhiều người bị thương, thiệt hại về tài sản rất lớn. Từ những đau thương mất mát ấy, người ta đặt câu hỏi làm sao để những vụ việc như trên không còn xảy ra nữa?

Xem nhẹ công tác phòng, chống cháy nổ

Chị Bảo Khanh (quận Bình Tân) chia sẻ: “Nghĩ lại mà tôi vẫn thấy bàng hoàng, dù chỉ theo dõi trên báo chí nhưng tôi rất đau lòng, mà cũng cảm thấy lo sợ nữa. Nhìn lại nhà mình thì cái gì cũng gây cháy được, hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Nhìn lại một thập niên qua, chúng ta có thể thấy tình hình an toàn cháy nổ đang ở mức báo động. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm trở lại đây, cả nước đã xảy ra hơn 16.700 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân; hơn 6.100 vụ cháy rừng, làm chết 688 người. Về tài sản, ước tính mức thiệt hại lên đến hơn 4.100 tỉ đồng và 42.332 ha rừng có giá trị kinh tế. Như vậy, trung bình mỗi năm những vụ cháy gây ra cái chết cho khoảng 60 người. Ấy là chưa kể đến nỗi đau thương tột cùng mà gia đình phải chịu đựng khi người thân không may qua đời.

Mặc dù chúng ta đã có các quy định trong lĩnh vực này cùng với những biện pháp tuyên truyền tích cực của các cơ quan chức năng nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Số vụ tổn thất tập trung vào các ngành có xác suất cháy nổ cao như chế biến xuất khẩu gỗ, hóa chất, dệt may… Công tác phòng, chống cháy nổ vẫn bị các doanh nghiệp xem nhẹ. Một số nhà xưởng lại không được xây dựng theo đúng quy cách, sử dụng các vật liệu dễ gây cháy, không có cửa thoát hiểm. Hệ thống thiết bị báo cháy và chữa cháy không được kiểm tra thường xuyên, có khi không còn hoạt động. Hiện nay, chỉ một số ít doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các chương trình diễn tập PCCC cho cán bộ, nhân viên.

Bảo hiểm – mua cho có

Khi sự cố xảy ra, thiệt hại về người không gì có thể bù đắp nhưng tài sản thì có thể khôi phục lại nếu chúng ta có các biện pháp quản trị rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, thông tin từ các công ty bảo hiểm, đa phần doanh nghiệp mua bảo hiểm chủ yếu để đối phó với các cơ quan chức năng theo kiểu “mua cho có”. Họ vẫn chưa xem đây là một phần của công tác quản trị doanh nghiệp. Còn đối với các cá nhân, sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân cũng là một khái niệm xa lạ mặc dù loại hình này đã có mặt trên thị trường khá lâu. Nhiều người vẫn mang tâm lý may rủi, cho rằng cháy chẳng qua là do xui rủi, trúng ai thì người đó chịu và chưa quan tâm đến các biện pháp bảo vệ chính mình.

Theo thông tin từ đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, trên thực tế phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo Thông tư 220/2010 TT-BTC chỉ dao động khoảng 0,06%-0,7% trên giá trị tham gia bảo hiểm. Tỉ lệ phí phụ thuộc vào đặc điểm của từng đối tượng tham gia bảo hiểm và các rủi ro có liên quan. Còn với sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân, tùy vào giá trị tham gia bảo hiểm, giá trị căn nhà mà mức phí bảo hiểm sẽ khác nhau. Ví dụ, với căn hộ có diện tích xây dựng khoảng 100 m2, phí bảo hiểm sẽ vào 1 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 80.000 đồng/tháng. Như vậy, tính ra chi phí chúng ta bỏ ra hoàn toàn chấp nhận được cho việc an tâm có được một căn nhà khác thay thế nếu chẳng may gặp sự cố. Ngoài ra, bên bảo hiểm cũng sẽ bồi thường trong trường hợp thiệt hại hỏa hoạn do chập điện, cháy nổ do xì khí gas. Đây là những mối nguy cơ lớn nhất trong khu vực dân cư.

Thiết nghĩ ngoài việc tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền của các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp và người dân nên chủ động trong việc tự giác nâng cao ý thức an toàn. Có như thế, chúng ta mới phòng ngừa rủi ro, bảo vệ cho chính mình, cho cộng đồng và xã hội.

Nguồn phapluatttp.vn

{fcomment}

Comments are closed.