Bảo hiểm châu Á: Triển vọng khả quan cho các thị trường mới nổi giai đoạn 2015-2016

(Webbaohiem) – Theo báo cáo mới đây của Swiss Re có tựa đề “Nhìn lại thị trường bảo hiểm toàn cầu năm 2014 và triển vọng 2015-2016”, cả hai ngành bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tại các thị trường mới nổi chủ chốt sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu phí tốt hơn trong giai đoạn 2015-2016, vì vậy khu vực này sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các hãng bảo hiểm toàn cầu.

Trong đó, các thị trường mới nổi tại châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, khoảng 13% cho cả hai lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ. Tuy nhiên, một số khu vực khác chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng khá thấp như Trung và Đông Âu do đà phục hồi kinh tế chậm và ngành BHNTcác nước gần sa mạc Sahara (trừ Nam Phi) do quy mô thị trường nhỏ.

Khối bảo hiểm phi nhân thọ tại thị trường mới nổi dự kiến sẽ phục hồi trong các năm 2015-2016, đặc biệt khu vực châu Á sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt – một phần nhờ sự ủng hộ tích cực của chính phủ Trung Quốc đối với ngành bảo hiểm tại quốc gia này. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tại Malaysia sẽ khởi sắc nhờ việc công bố luật thuế doanh thu mới từ tháng 4/2015. Còn tại Thái Lan, thị trường cũng hứa hẹn nhiều triển vọng nhờ sự ổn định của môi trường chính trị.

Về bảo hiểm nhân thọ, đà tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tốt tại các thị trường mới nổi châu Á – vốn chiếm tới 67% tổng doanh thu phí bảo hiểm các thị trường mới nổi toàn cầu năm 2014 (tăng so với mức 64% năm 2013). Tại Ấn Độ, sự mở rộng các ưu đãi về thuế doanh thu sẽ là động lực tốt trong việc kích cầu. Nhìn tổng thể, ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 2 năm tới tại khu vực này.

Bên cạnh đó, một số khu vực khác cũng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định về BHNT như Mỹ La tinh, Trung Đông và Đông Phi. Khu vực tăng trưởng chậm gồm các nước Trung và Đông Âu và các nước gần sa mạc Sahara (trừ Nam Phi).

Vào ngày 1/1/2016, Luật Đảm bảo khả năng thanh toán II (Solvency II) chính thức có hiệu lực. Sự kiện này dự kiến sẽ làm chuyển dịch trọng tâm của các hãng bảo hiểm sang các sản phẩm mang tính bảo vệ và sản phẩm bổ trợ, khiến cho doanh thu giảm so với các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.

Quy định pháp lý về bảo hiểm tại các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế tốt nhất. Gần đây, Trung Quốc đã công bố nội dung chi tiết quy định đảm bảo khả năng thanh toán thế hệ mới có tên gọi “Hệ thống Đảm bảo khả năng thanh toán định hướng rủi ro (C-ROSS)”, nhằm đưa hệ thống chuẩn mực giám sát bảo hiểm của nước này lại gần hơn quy định của các nước phát triển. Bên cạnh đó, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào tháng 12/2015 sẽ là điều kiện tốt để nâng cao chất lượng và tính đồng nhất trong các chuẩn mực về vốn và khả năng thanh toán tại các nước thành viên.

Tại châu Mỹ Latinh, Brazin, Mexico và Chi lê đang trong giai đoạn đầu triển khai cơ chế giám sát vốn dựa trên rủi ro. Điều này sẽ nâng cao nhận thức về biến động vốn và các nguy cơ rủi ro. Nhiều hãng bảo hiểm sẽ phải cân nhắc việc thay đổi thiết kế và định phí sản phẩm cũng như điều chỉnh lại hệ thống dữ liệu nhằm thích ứng với thay đổi về quy định pháp lý kể trên.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế các quốc gia mới nổi châu Á dự kiến duy trì mức tốt và ổn định trong các năm 2015, 2016, mặc dù kinh tế Trung Quốc đang giảm dần nhịp độ tăng trưởng và hướng tới mức tăng trưởng bền vững. Thực trạng ngành kinh doanh bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong điều kiện giá nhà giảm sẽ tiếp tục là rủi ro chủ yếu đối với nước này trong ngắn hạn – đặc biệt là khối kinh doanh bất động sản dựa trên vốn vay từ nguồn “tín dụng đen”. Tại Ấn Độ, giới doanh nhân và người tiêu dùng đang rất kỳ vọng vào chủ trương đẩy mạnh cải cách và tự do hóa nền kinh tế do Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng. Tại Đông Nam Á, các hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra sôi động, trong đó dự kiến Philippines, Malaysia và Việt Nam là các quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Trên toàn cầu, bức tranh kinh tế dự kiến cũng có những điểm sáng. Trong số các nước lớn, Hoa Kỳ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất với tỷ lệ tăng trưởng 2015 dự kiến đạt 3,3% so với mức 2,3% năm nay.

Về bảo hiểm, ngành bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,8% vào năm 2015 nhờ vào các hoạt động kinh tế sôi động tại các thị trường mới nổi. Đáng chú  ý là ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ khởi sắc hơn rất nhiều ở cả thị trường mới nổi và các nước phát triển. Phí bảo hiểm nhân thọ toàn cầu dự kiến tăng 4,8% năm nay và khoảng 4% trong các năm 2015, 2016. Việc duy trì nền lãi suất thấp tiếp tục là thách thức đối với lợi nhuận ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.

Trần Lâm (Theo Asiainsurancereview).

{fcomment}

Comments are closed.