Bảo hiểm bỏ rơi “thượng đế”: Phải bình đẳng thương lượng hợp đồng!

Nhân viên BH đang tư vấn hợp đồng BH cho khách hàng - ảnh: Minh Nam Xung quanh những bức xúc của người mua bảo hiểm (BH) bắt buộc đối với xe như quy định “ép” người mua BH, không cho thỏa thuận lại các điều khoản trong hợp đồng… nhiều ý kiến cho rằng đó hoàn toàn do chủ quan của công ty BH. Luật sư Phạm Đình Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM, nói: “Về nguyên tắc, hợp đồng BH là một giao dịch dân sự. Do đó, các bên trong hợp đồng đều có quyền thương lượng tất cả các điều khoản trước khi ký kết. Đối với hợp đồng BH, đòi hỏi người tham gia thương lượng phải có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực BH mới có thể tiến hành thương lượng đạt kết quả tốt nhất. Riêng hợp đồng BH nhân thọ, về nguyên tắc, phải đăng ký với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trong hợp đồng có những điều khoản bắt buộc và những điều khoản tùy nghi. Người mua BH hoàn toàn có thể thỏa thuận lại những điều khoản tùy nghi cũng như quy định những ràng buộc về trách nhiệm của doanh nghiệp bán BH”.

Cũng theo luật sư Sơn, người mua BH có thể thỏa thuận cả những chế tài để buộc doanh nghiệp bán BH có trách nhiệm hơn, ví dụ như nhận được thông báo nhưng đến xác nhận tai nạn chậm, thời hạn sửa chữa xe kéo dài… “Nếu không thể thỏa thuận lại hợp đồng thì người mua BH có thể chọn một doanh nghiệp khác vì thị trường hiện có rất nhiều nhà cung cấp BH. Còn khi hợp đồng đã ký rồi thì khó có thể làm khác được”, luật sư Sơn khuyến cáo.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Công ty luật hợp danh Liên Đoàn) phân tích thêm, nếu công ty BH có hành vi quảng cáo sai sự thật, bồi thường cho khách hàng chậm… thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 41/2009/NĐ-CP ngày 5.5.2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BH. Cụ thể, phạt 30 triệu đồng nếu doanh nghiệp BH giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm so với thời hạn quy định của pháp luật. Phạt tiền 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp BH có hành vi thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động, điều kiện BH…

Như vậy, “thượng đế bị bỏ rơi” có quyền khiếu nại, tố cáo đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh thanh tra chuyên ngành BH thuộc Cục Quản lý giám sát BH hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.

Ai phải đi xác nhận tai nạn?

“Nếu không thể thỏa thuận lại hợp đồng thì người mua BH có thể chọn một doanh nghiệp khác vì thị trường hiện rất nhiều nhà cung cấp BH. Còn khi hợp đồng đã ký rồi thì khó có thể làm khác được”.

Luật sư Phạm Đình Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một công ty BH giải thích do luật quy định trong hồ sơ bồi thường bắt buộc phải có bản sao của các cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn, nên các công ty BH đòi người mua BH bổ sung giấy xác nhận của công an hoặc của giám đốc công ty. “Chúng tôi hoàn toàn không cần xác nhận gì của bên thứ ba cả nếu luật trao cho chúng tôi quyền tự quyết định. Do luật quy định nên nếu BH không làm đúng thì sẽ phải chịu trách nhiệm về những khoản bồi thường BH bị xuất toán”, vị này nói.

Trong khi đó, một cán bộ công an phường ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, phàn nàn: “Rất nhiều người đến nhờ chúng tôi xác nhận về vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nhẹ về vật chất, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác, để bổ sung vào hồ sơ nhận tiền bồi thường BH. Điều đáng nói, đa số vụ việc người dân nhờ xác nhận đều xảy ra từ trước và họ không báo cho công an vì một số lý do như kẹt xe, người va quệt bỏ chạy… hoặc tự thương lượng giải quyết được. Những trường hợp này công an có quyền từ chối xác nhận và không có trách nhiệm đi xác minh lại vụ việc, nhưng như thế người dân không thể hoàn tất hồ sơ bồi thường”, vị này nói. Và ông bức xúc: “Rõ ràng, BH đã đẩy công việc trên cho công an phường. Nhiều năm nay, tôi không thấy nhân viên BH nào đến nhờ công an phường xác nhận mà toàn là khách hàng mua BH tự mày mò làm”.

Ông Nguyễn Hữu Huấn, Giám đốc tiếp thị của Công ty BH Liberty, nói: “Theo Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16.9.2008, bất cứ tai nạn nào liên quan đến trách nhiệm dân sự với bên thứ 3 đều phải có biên bản của công an. Tuy nhiên, công ty BH có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với khách hàng đi làm thủ tục hồ sơ để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Thậm chí trong quá trình làm hồ sơ (ví dụ như công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất) nếu có phát sinh chi phí thì công ty BH cũng phải chịu”.

Ông Huấn cho biết thêm, nếu xe va quệt vào nhà, ga-ra thì không cần xác nhận của công an mà chỉ cần báo nhân viên BH đến ghi nhận là xong. “Nguyên tắc là phải tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên tùy vào mỗi doanh nghiệp kinh doanh có một cách thức điều hành riêng để chăm sóc khách hàng. Ví dụ, chúng tôi thiết lập đường dây nóng 24/24 giờ  để tiếp nhận thông báo tai nạn và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước tiếp theo khi không thể báo công an và căn cứ vào thông tin này, công ty sẽ đối chiếu bồi thường. Bên cạnh đó, công ty cũng có đội ngũ nhân viên tham gia từ đầu và sẽ tự đi thương lượng với gia đình nạn nhân để cùng chia sẻ mất mát, tìm cách giải quyết, bồi thường”, ông Huấn nói.

Lê Nga – Đàm Huy
Báo Thanh Niên

Comments are closed.