Bao giờ mới hết “mua dễ, trả khó”?

altTheo số liệu thống kê của ngành bảo hiểm, hiện nay cả nước chỉ có khoảng 10% số phương tiện có tham gia bảo hiểm trên tổng số hơn 6,5 triệu chiếc mô tô, xe gắn máy đang lưu hành.

Nỗi niềm người mua bảo hiểm

Mặc dù vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra hơn một năm nhưng đến giờ, ông Vũ Văn Long, 62 tuổi, ở xóm 7, xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định) vẫn chưa được công ty bảo hiểm chi trả tiền bồi thường (người và xe), mặc dù hồ sơ, giấy tờ cần thiết đã được ông Long hoàn tất ngay sau khi bị tai nạn. Tâm trạng không vui, ông Long cho biết: “Hơn một năm qua, tôi đã phải đi lại từ nhà lên tỉnh (cách hơn 40km) không biết bao nhiêu lần để bổ sung các loại giấy tờ mà vẫn chưa được nhận tiền đền bù…”. Ông đưa cho chúng tôi xem tập hồ sơ với đầy đủ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe gắn máy, giấy chứng nhận bảo hiểm xe gắn máy; biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận điều tra và giải quyết vụ việc của CSGT huyện Tiền Hải (Thái Bình).

bao hiem, bảo hiểm, tin bao hiem, tin bảo hiểm, tin tuc bao hiem, tin tức bảo hiểm

Hiện trường vụ tai nạn xảy ra với ông Vũ Văn Long, ở xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định). Sau hơn một năm, ông vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm.

Trước đó, ông Long bị TNGT ở huyện Tiền Hải, nhưng giấy chứng nhận bảo hiểm xe gắn máy của ông lại được cấp bởi một công ty bảo hiểm ở Nam Định. Do đó, sau khi giải quyết xong vụ việc, CSGT huyện Tiền Hải đã cung cấp cho ông Long đầy đủ các loại giấy tờ liên quan, làm căn cứ cho đơn vị bảo hiểm xem xét và giải quyết đền bù thiệt hại về phương tiện và người cho ông. “Thế nhưng, khi tôi mang hồ sơ về công ty bảo hiểm ở Nam Định nộp thì nhân viên bảo hiểm tại đây lại nói biên bản mà CSGT huyện Tiền Hải cấp cho tôi là không đúng mẫu, lại còn yêu cầu tôi trả chi phí để họ đi làm lại hồ sơ…” – ông Long bức xúc cho biết.

Anh Phạm Văn Hưng ở xã Liên Hồng (Gia Lộc, Hải Dương) thì không chỉ mất thời gian đi lại để hoàn thiện hồ sơ, mà còn bị ám ảnh bởi cách hành xử của nhân viên bảo hiểm. “Không may bị tai nạn, thiệt hại, chúng tôi đã khổ lắm rồi, vậy mà nhân viên bảo hiểm không chia sẻ với khách hàng, còn hạch sách đủ điều, như thể chúng tôi muốn bị rủi ro để nhận tiền bảo hiểm!” – anh Hưng chia sẻ. Từ khi xảy ra TNGT đến nay đã hơn hai năm, nhưng anh Hưng vẫn chưa nhận được đồng tiền bồi thường nào từ công ty bảo hiểm.

Nhiều người dân ở các địa phương (đặc biệt là vùng nông thôn và miền núi) đều phàn nàn về những bất cập trong việc thanh toán bảo hiểm đối với mô tô, xe gắn máy. “Đây là loại hình bảo hiểm mua dễ, trả khó” – ông Trần Văn Minh ở xã Hải Thanh, (Hải Hậu, Nam Định) nhận xét như vậy. Việc các doanh nghiệp bảo hiểm đều yêu cầu người bị nạn phải giữ nguyên hiện trường và phải thông báo với nhân viên bảo hiểm ngay lúc xảy ra tai nạn chẳng khác nào làm khó người dân, bởi trong lúc tai nạn xảy ra, nạn nhân hoang mang, đau đớn, bất tỉnh thì làm sao có thể thông báo kịp thời với đơn vị bảo hiểm. Thêm nữa, do địa bàn địa phương rộng, mạng lưới nhân viên của các doanh nghiệp bảo hiểm còn thưa, nên người dân khó lòng thông báo kịp thời… Nhiều người đã không còn tin vào “sứ mệnh” của bảo hiểm là bảo vệ, chia sẻ rủi ro với người tham gia giao thông nữa, mà cho biết, nếu không vì sợ bị CSGT “tuýt còi” khi điều khiển xe gắn máy, thì không ai muốn tự nguyện mua bảo hiểm.

Tháo gỡ tồn tại, bất cập

Thượng tá Nguyễn Văn Minh, phụ trách Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Bộ Công an) cho biết: “Trong các vụ TNGT, nếu người bị tai nạn có đủ 3 loại giấy tờ bắt buộc, không vi phạm Luật Giao thông, thì lực lượng CSGT sẽ hướng dẫn và sẵn sàng cung cấp những giấy tờ liên quan để người bị nạn hoàn chỉnh hồ sơ yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán chi phí thiệt hại. Tất cả các loại biên bản, xác nhận làm việc của CSGT tại hiện trường vụ TNGT đều có giá trị pháp lý, là cơ sở để công ty bảo hiểm chi trả đền bù thiệt hại cho nạn nhân”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Pjico cho biết: Các doanh nghiệp bảo hiểm cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và nắm rõ những quy định, lợi ích và quy trình của việc chi trả bảo hiểm mô tô, xe gắn máy. Hiện nay cả nước có rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng hoạt động, do đó không loại trừ trường hợp một số nhân viên bảo hiểm có hành vi làm khó khách hàng khi giải quyết chi trả đền bù, nhằm mục đích trục lợi. Bên cạnh đó cũng còn một bộ phận lớn người dân không nắm rõ nguyên tắc và quy trình, thủ tục bồi thường (theo Thông tư 126 của Bộ Tài chính). Thậm chí, không ít trường hợp khách hàng đợi khi xảy ra tai nạn mới mua bảo hiểm, kê khai khống tài sản thiệt hại hoặc “đội” chi phí điều trị… để trục lợi bảo hiểm. Điều này buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện biện pháp: Khách hàng phải thông báo với cơ quan bảo hiểm ngay khi xảy ra tai nạn để được xác nhận và kiểm tra mức độ thiệt hại.

Đối với người điều khiển phương tiện, lực lượng CSGT giám sát việc chấp hành mua bảo hiểm, khi tai nạn xảy ra lực lượng này cũng chỉ hỗ trợ bước đầu bằng cách cung cấp các loại giấy tờ liên quan cho người bị nạn để đơn vị bảo hiểm xem xét chi trả. Còn việc người bị nạn có được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả thiệt hại hay không là việc riêng của khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện tại chưa có lực lượng chức năng nào giám sát việc này. Đây cũng chính là kẽ hở để một số đơn vị bảo hiểm “chậm”, hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ đối khách hàng.

Nguồn: qdnd.vn

{fcomment}

Comments are closed.