Báo động tình trạng trục lợi bảo hiểm

Cách đây hơn 6 tháng, Báo Quân đội nhân dân đã có bài điều tra về việc Công ty TNHH Vận tải biển Thanh Phong (Công ty Thanh Phong) có hành vi gian dối làm giả hồ sơ nhằm trục lợi bảo hiểm của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC). Sau khi Báo phát hành, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã vào cuộc. Tiếp đó, Tòa phúc thẩm-Tòa án nhân dân tối cao đã bác yêu cầu đòi bồi thường của Công ty Thanh Phong và chỉ ra những hành vi trục lợi bảo hiểm của doanh nghiệp này. Đây chỉ là một trong hàng nghìn vụ trục lợi bảo hiểm được phát hiện trong năm qua. Thực tế trong thị trường bảo hiểm hiện nay, tình trạng trục lợi bảo hiểm đã đến mức báo động.

bao hiem, bảo hiểm, tin bao hiem, tin bảo hiểm, tin tuc bao hiem, tin tức bảo hiểm

Cứu trợ thủy thủ của Công ty Thanh Phong.

Mỗi năm gần 9 nghìn vụ trục lợi bảo hiểm

Trục lợi bảo hiểm là hành vi cố ý gian dối, lừa đảo có thể có chủ ý ngay từ khi tham gia bảo hiểm hoặc phát sinh sau khi đã xảy ra rủi ro nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm mà đáng lý ra họ không được hưởng. Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn từ 2007 đến 2011, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm tại thị trường Việt Nam bị phát hiện là 44.704 vụ, bình quân mỗi năm gần 9 nghìn vụ. Tổng số tiền bị trục lợi trong thời gian nói trên là hơn 410 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là 3.973 vụ, với tổng số tiền là 149,95 tỷ đồng và bảo hiểm nhân thọ là 40.731 vụ, với tổng số tiền là 261,812 tỷ đồng. Còn trong năm 2012, tuy chưa có số liệu tổng hợp, nhưng theo nhiều chuyên gia, số vụ trục lợi bảo hiểm chắc chắn không giảm so với bình quân của 5 năm trước. 

Mới đây, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã có Văn bản số 1003/2012/MIC-TGĐ gửi Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) đề nghị xác minh vụ việc có dấu hiệu gian dối, làm giả hồ sơ của chủ siêu thị Hoàn Mỹ (Yên Bái). Theo MIC, chỉ 10 ngày sau khi mua bảo hiểm, siêu thị Hoàn Mỹ đã bị cháy. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy siêu thị, MIC đã cử cán bộ có mặt tại hiện trường và tích cực phối hợp cùng người được bảo hiểm và Công ty giám định RCO (được hai bên thống nhất thuê) để giám định hiện trường và xác định mức độ tổn thất. Trong quá trình giải quyết hồ sơ để bồi thường cho siêu thị, chủ siêu thị đã nhiều lần xin gia hạn cung cấp hóa đơn chứng từ và cũng đã cung cấp rất nhiều hóa đơn, chứng từ chứng minh lượng hàng hóa mua vào. Tuy nhiên, MIC nhận thấy có một số hóa đơn, chứng từ có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, không đúng sự thật. Một số nhà cung cấp có dấu hiệu không xuất hóa đơn theo đúng quy định của Bộ Tài chính cho siêu thị Hoàn Mỹ. 

Cần xử lý nghiêm hành vi trục lợi bảo hiểm

Tại cuộc Hội thảo mới đây mang chủ đề “Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng, chống trục lợi trong bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người”, Cục Trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Trịnh Thanh Hoan khẳng định: Tình hình gian lận trong bảo hiểm ngày càng tăng về số lượng với những hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người tham gia bảo hiểm chân chính. 

Ông Hoan cho biết, bảo hiểm xe cơ giới và con người là 2 lĩnh vực có số vụ trục lợi bảo hiểm nhiều nhất và phức tạp nhất. Nguyên nhân là do có số đông người tham gia bảo hiểm và có nhiều hồ sơ yêu cầu bồi thường nhất khiến các công ty bảo hiểm khó tổ chức giám định chính xác nguyên nhân và mức độ thiệt hại của các hồ sơ yêu cầu bồi thường hoặc chi trả. Ngoài ra, một lý do khác khiến cho hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra nhiều là do quy định về thời gian thanh toán tiền bảo hiểm, do đó các công ty bảo hiểm không đủ thời gian để giám định, kiểm tra tính xác thực của những hồ sơ yêu cầu bồi thường hoặc chi trả.

Cũng tại cuộc Hội thảo này, nhiều đại biểu đã đề nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước cần nghiên cứu và đưa ra các chế tài và mức xử phạt thích đáng hành vi trục lợi bảo hiểm. Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần phải tăng cường công tác đào tạo, giám sát cán bộ làm nhiệm vụ giám định bồi thường; tăng cường kiểm soát nội bộ trong việc khai thác, xử lý quy định bồi thường; kiểm tra cán bộ và các bộ phận, thường xuyên luân chuyển cán bộ ở vị trí nhạy cảm; xử lý nghiêm cán bộ nhân viên và đại lý trục lợi bảo hiểm và thông báo cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để phổ biến cho các doanh nghiệp bảo hiểm. 

Tại cuộc Hội thảo “Đánh giá thực trạng và giải pháp phòng, chống trục lợi trong bảo hiểm xã hội”, Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, các mối quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo hiểm đã và đang “sống” dưới dạng “ký sinh”. Chính vì vậy, nếu không có các quy định pháp luật rõ ràng, hay có những chế tài đủ mạnh, hành vi trục lợi bảo hiểm sẽ luôn tồn tại.

Nguồn: qdnd.vn

Comments are closed.