Ba hãng bảo hiểm phi nhân thọ khổng lồ của Nhật Bản dẫn đầu về ESG và phát triển bền vững

(Webbaohiem) – Báo cáo mới đây của The Toa Reinsurance có tiêu đề “Thị trường Bảo hiểm Nhật Bản 2022” cho biết, các công ty bảo hiểm lớn đang đi tiên phong trong việc thúc đẩy áp dụng các tiêu chí Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

ba hãng bảo hiểm phi nhân thọ nhật bản

Bên cạnh đó, nhiều công ty bảo hiểm khác đang tiến hành thực hiện một loạt nghiên cứu và sáng kiến trong các lĩnh vực bao gồm quản lý tài sản, hệ thống nhân sự, quản trị công ty, tuân thủ và đóng góp xã hội, song hành với việc cải thiện các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm.

Theo báo cáo, ba tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất (theo thứ tự bảng chữ cái là MS&AD Insurance Group Holdings, Sompo Holdings và Tokio Marine Holdings) đã xác định rõ mục đích của mình và thành lập các ủy ban phát triển bền vững. Họ cũng đã chính thức kết hợp khung ESG vào quá trình ra quyết định đối với hoạt động bảo hiểm và đầu tư. Ba tập đoàn này thường xuyên xuất bản các báo cáo phát triển bền vững.

Ngoài ra, để ứng phó với tần suất và cường độ lớn hơn của thiên tai do biến đổi khí hậu, ba hãng bảo hiểm đã hợp tác chặt chẽ hơn với các ngành khác, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan trong các sáng kiến giảm nhẹ thiên tai, từ phòng chống thiên tai đến giảm chi phí sửa chữa.

Ba tập đoàn cũng đang tăng cường các sản phẩm bảo hiểm tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo. Một số công ty đã thông báo sẽ không cung cấp năng lực bảo hiểm mới hoặc đầu tư liên quan đến sản xuất nhiệt điện than.

Quy định

Về phía cơ quan quản lý, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) tuyên bố rằng điều quan trọng đối với các công ty bảo hiểm là tạo ra các mô hình kinh doanh bền vững và phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng để phù hợp với những thay đổi trong môi trường kinh doanh, chẳng hạn như thiên tai gia tăng, tiến bộ trong kỹ thuật số hóa và các chiến lược hậu COVID-19.

FSA cũng đang thúc đẩy quản trị phức tạp hơn và cải tiến hệ thống quản lý thông qua đối thoại với các công ty bảo hiểm. Đồng thời, FSA sẽ giải quyết những thay đổi trong môi trường tài chính bằng cách kiên trì tiến tới với các sáng kiến thích hợp để bảo vệ các chủ hợp đồng và cũng sẽ đưa ra các quy định về khả năng thanh toán dựa trên giá trị kinh tế.

Mặt khác, FSA đang kiểm tra các phương pháp đánh giá và giám sát dựa trên giá trị kinh tế song song với việc giới thiệu Tiêu chuẩn vốn bảo hiểm (ICS) của Hiệp hội Giám sát Bảo hiểm Quốc tế (IAIS). Trọng tâm của khuôn khổ này là đánh giá khả năng thanh toán dựa trên giá trị kinh tế và có thể sẽ có hiệu lực theo lộ trình áp dụng ICS. Chương trình sẽ được áp dụng chính thức vào năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2025 sau khi đã chạy thử 5 năm.

FSA lưu ý rằng việc áp dụng tỷ lệ khả năng thanh toán dựa trên giá trị kinh tế vào cơ chế quản lý có thể mang lại những hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như hành vi quá ngại rủi ro giữa các công ty bảo hiểm. Do đó, FSA đang đánh giá các hậu quả không mong muốn và các xu hướng quốc tế trong khi tiếp tục kiểm tra với trọng tâm là đối thoại với các bên liên quan.

Thảo Phương (chuyển ngữ).