Áp lực lợi nhuận ngân hàng quý IV/2010(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Kết quả kinh doanh quý III vừa được các ngân hàng niêm yết công bố cho thấy, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, dù chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2010 ở mức khiêm tốn, 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng chỉ mới thực hiện được hơn một nửa, nên áp lực để hoàn thành trong thời gian còn lại của năm là không nhỏ.

Nguồn thu từ dịch vụ sụt giảm

Trong các năm qua và kể cả hiện tại, chiến lược phát triển của các ngân hàng đưa ra là đẩy mạnh phát triển mảng hoạt động dịch vụ, nhằm gia tăng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận, thay vì chỉ "chăm bẵm" hoạt động tín dụng. Cách đây khoảng 2 năm, hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng… đã đóng góp nguồn thu đáng kể cho một số ngân hàng như ACB, Techcombank, Sacombank…

Tuy nhiên, 3 quý đầu năm nay không mấy thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ của ngân hàng khiến nguồn thu từ mảng này giảm dần, nhất là sau khi hoạt động sàn giao dịch vàng đóng cửa vào cuối tháng 3/2010 và ngân hàng phải đóng tài khoản kinh doanh vàng nước ngoài từ cuối tháng 7/2010. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ cũng giảm do NHNN tăng cường giám sát nhằm bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Thực tế, lợi nhuận thu về của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chủ yếu được đóng góp từ lãi cho vay. Chẳng hạn, tại ACB, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3 quý đạt hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng phần lớn do lãi cho vay, lợi nhuận từ các hoạt động khác đều giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lãi thuần từ dịch vụ chỉ đạt 389 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kỳ 2009. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng của ACB lãi 44,66 tỷ đồng trong quý III/2010, lũy kế 9 tháng lãi 320 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ 2009.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank (VCB) nhận định, thị trường không mấy thuận lợi tạo áp lực không nhỏ đối với ban điều hành và lãnh đạo Ngân hàng trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. VCB là ngân hàng duy nhất trong 4 ngân hàng lớn đã niêm yết vừa công bố lợi nhuận (VCB, STB, ACB, EIB) có thu nhập lãi thuần trong quý III/2010 thấp hơn so với quý III/2009. Còn lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý III/2010 của VCB đạt 186,3 tỷ đồng, giảm 15% so với quý III/2009; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 3 quý của Ngân hàng giảm 31% so với cùng kỳ năm 2009.

Eximbank cũng vừa công bố BCTC quý III/2010 của ngân hàng mẹ. Theo đó, so với quý III/2009, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 56,6%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Ngân hàng mẹ Eximbank đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2009. Số 600 tỷ đồng còn thiếu so với kế hoạch cả năm được lãnh đạo Ngân hàng này cho là không quá khó nhưng sẽ gia tăng áp lực lên chỉ tiêu lợi nhuận trong năm tới vì vốn điều lệ của Eximbank vừa được nâng từ mức hơn 8.800 tỷ đồng lên trên 10.560 tỷ đồng.

 

Kỳ vọng vào tăng trưởng tín dụng

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng lớn sụt giảm mạnh trong 9 tháng qua thì đối với ngân hàng nhỏ, khó có thể kỳ vọng vào mảng hoạt động này. Do đó, hầu hết các ngân hàng đang trông chờ vào hoạt động cho vay, với kỳ vọng quý còn lại của năm dư nợ sẽ tăng trưởng tốt hơn, nhằm hoàn thành mục tiêu tín dụng và chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cả năm. Diễn biến thị trường 9 tháng qua, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng chủ yếu từ tín dụng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm 2010 là 20 – 22%, theo lãnh đạo của Vietcombank, Ngân hàng có thể đạt được chỉ tiêu. Tính đến nay, VCB đã thực hiện được hơn 2/3 mục tiêu tăng trưởng tín dụng và quý IV/2010 được xem là thời điểm tốt để tăng trưởng dư nợ, vì đây là mùa kinh doanh cao điểm trong năm.

Các ngân hàng kỳ vọng, dư nợ tín dụng sẽ tăng trưởng tốt trong quý IV/2010 mới có thể hoàn tất được mục tiêu tăng trưởng tín dụng và sớm hoàn trưởng tín dụng và sớm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Đơn cử tại ACB, 9 tháng qua mới đạt được hơn 55% kế hoạch lợi nhuận đưa ra của cả năm 2010, do đó ngân hàng này kỳ vọng hoạt động cho vay sẽ được đẩy mạnh trong 2 tháng còn lại của năm 2010. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cao hơn khoảng 50 – 55% so với năm trước, ACB cho biết, kỳ vọng nguồn thu từ mảng này tăng khoảng 20 – 23%. Hiện ACB đang từng bước đẩy mạnh vốn ra thị trường với các chương trình ưu đãi về lãi suất.

Thế nhưng, diễn biến của thị trường trong quý IV/2010 không được như cùng kỳ năm trước và nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là với các doanh nghiệp không tăng đột biến như kỳ vọng của nhiều nhà băng. Một phần, do cùng kỳ năm trước, chính sách hỗ trợ 4%/năm lãi suất vẫn còn, trong khi, quý IV năm nay, mặt bằng lãi suất còn cao, mức bình quân được các ngân hàng áp dụng lúc này vẫn vào khoảng 14 – 15,5%/năm. Thêm vào đó, trước áp lực giá cả tăng và lạm phát đe dọa, mãi lực hàng hóa giảm. Đầu ra sản phẩm chưa được cải thiện, nhất là với thị trường xuất khẩu, khiến doanh nghiệp e ngại sử dụng vốn vay ngân hàng để mở rộng kinh doanh trong dịp cuối năm. Do đó, nguồn vốn lưu động doanh nghiệp cần để bổ sung trong hoạt động không tăng như năm trước.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng trên địa bàn TP. HCM, so với mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng Ngân hàng đưa ra cho năm 2010 thì tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng ông đã thực hiện được gần 2/3. Tuy nhiên, do tình hình thị trường 10 tháng qua không mấy thuận lợi nên nguồn thu từ tín dụng cũng sụt giảm.

Khi các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/10, theo đó, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng được nâng lên 9%, các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn đụng trần cho phép rất khó đẩy mạnh hoạt động cho vay. Đơn cử, VCB vẫn là ngân hàng đang phải tăng tốc hoàn tất việc tăng thêm 33% vốn điều lệ để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn mới.

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.