(Webbaohiem) – Ngạn ngữ có nói, một bức ảnh đáng giá hàng nghìn từ. Đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, giá trị này thậm chí còn cao hơn thế.
Đó chính là mục tiêu của Lapetus – một khởi nghiệp InsurTech mới xuất hiện gần đây tại thành phố Wilmington, bang North Carolina, Hoa Kỳ. Công ty này phát triển phần mềm phân tích khuôn mặt, với việc sử dụng các tấm ảnh tự sướng (selfie) để phân tích chỉ số cơ thể BMI (xác định tiêu chuẩn cân nặng), giới tính và thậm chí cả tuổi sinh lý học của người chụp. Từ đó nhằm xác định rủi ro bảo hiểm.
Xem thêm: Bảo hiểm thai sản, Các gói bảo hiểm Bảo Việt
Nền tảng kể trên có tên là Chronos, sử dụng các thuật toán máy học để trích xuất khuôn mặt người từ các tấm ảnh. Sau đó, bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tìm kiếm và cung cấp các thông tin quan trọng cho nhà bảo hiểm, phục vụ việc đánh giá rủi ro và cấp đơn bảo hiểm.
Chẳng hạn, Lapetus đưa ra chỉ số BMI dựa trên độ tròn của quai hàm và gò má. Việc xác định giới tính dựa trên kích thước củahốc mắt hoặc miệng. Theo ông Karl Ricanek, Giám đốc khoa học dữ liệu kiêm đồng sáng lập của Công ty, danh sách trên vẫn tiếp tục kéo dài. Nền tảng Chronos còn có thể xác định được thói quen hút thuốc lá, sử dụng ma túy và các dấu hiệu trầm cảm.
Ông Ricanek bình luận: “Một bức ảnh chỉ là tập hợp của các số 1 và số 0. Khi bạn đi khám bệnh, bác sỹ cũng làm tương tự như vậy. Họ biết rằng khuôn mặt chính là cửa sổ quan sát sức khỏe của bạn”.
Lapetus đang tiếp tục bổ sung vào phần mềm AI của mình các tính năng phát hiện bệnh do rối loạn gen, đái tháo đường và bệnh tim. Theo Lapetus, hiện có một số doanh nghiệp bảo hiểm đang thử nghiệm công nghệ của Công ty, tuy nhiên không tiết lộ danh tính do đã có các thỏa thuận bảo mật thông tin.
Ông Ricanek cho biết: “Chúng tôi đã rút ngắn thời gian xử lý kéo dài nhiều tháng trước đây xuống chỉ còn trong vài phút. Giờ đây, doanh nghiệp bảo hiểm có thể đánh giá rủi ro khách hàng dựa trên rủi ro của từng cá nhân mà không cần nhờ đến số lớn rủi ro như trước”.
Lapetus đã tuyển dụng 16 nhân sự, chủ yếu là kỹ thuật viên dữ liệu.
Ảnh tự chụp của khách hàng gửi cho công ty bảo hiểmsẽ được chuyển tới Lapetus để kiểm tra bằng công cụ web API*. Trên cơ sở đó, phần mềm AI trích xuất ra các dữ liệu cần thiết theo yêu cầu của công ty bảo hiểm. Ngoài ra, Lapetus hoặc công ty bảo hiểm sẽ đề nghị cung cấp thêm các thông tin khác nhằm có được danh mục rủi ro chính xác.
Ông Chris Reeves, Giám đốc Công nghệ của Lapetus, cho biết: “Chúng tôi có hai tập hợp công cụ. Một là các công cụ nhân khẩu học (sử dụng để xác định tuổi thọ dự kiến dựa trên một loạt các câu hỏi về gia đình và tiền sử bệnh tật). Công cụ thứ hai là phân tích khuôn mặt”.
“Các nhà bảo hiểm phải xác định cả nơi lưu trữ dữ liệu về khách hàng và loại hình thông tin cần cung cấp, xuất phát từ nhu cầu đánh giá rủi ro của đơn vị”.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu của Lapetus có trên 1,5 triệu ảnh selfies. Phần lớn trong số đó có được trong giai đoạn Công ty còn hoạt động dưới tên gọi Công ty Phần mềm Lapetus trước tháng 4/2015. Số còn lại có nguồn gốc từ bộ sưu tập trong suốt 15 năm nghiên cứu của Ricanek và chương trình kiểm tra sức khỏe SMILe của Công ty.
Nhằm giúp khách hàng cảm thấy thoải mái với việc phân tích ảnh “tự sướng” của mình, Lapetus cũng đã tiến hành 2 khảo sát thị trường với sự tham gia của gần 500 người. Kết quả khảo sát cho thấy, khách hàng không cảm thấy có vấn đề gì khi gửi ảnh của mình cho mục đích đánh giá rủi ro BHNT.
Ông Reeves khẳng định: “Chắc chắn rằng thế hệ Y** rất thoải mái với cách làm này. Sau khi đạt được thỏa thuận giữa hai bên, họ có toàn quyền quyết định việc tham gia hay không”.
Huyền My (Theo DIC).
Chú thích:
(*): Web API là công nghệ mới nhất của Microsoft để xây dựng các dịch vụ thành phần phân tán.
(**): Thế hệ Y (hay còn gọi Millenials) là nhóm những người sinh năm từ 1980 đến 2000 đang chiếm phần lớn nhất trong lực lượng lao động hiện nay.