Ảnh hưởng của COVID-19 tới ngành bảo hiểm

(Webbaohiem) – Sự bùng phát dịch COVID-19 khiến các công ty bảo hiểm đang phải đối mặt với tình trạng phát sinh yêu cầu bồi thường cao hơn ở một số nghiệp vụ và phí bảo hiểm thấp hơn đối với những nghiệp vụ khác. Cả hai trường hợp này đều ảnh hưởng bất lợi đến người mua bảo hiểm, chẳng hạn phải đóng phí bảo hiểm nhiều hơn hoặc bổ sung rủi ro loại trừ.

Các nghiệp vụ bảo hiểm bị ảnh hưởng nhiều nhất từ coronavirus:

• Hàng không sẽ giảm phí bảo hiểm đáng kể vì các hãng hàng không phải dừng bay phần lớn đội tàu và các chuyên gia dự đoán nhiều hãng hàng không sẽ ngừng hoạt động hoặc cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Các công ty bảo hiểm đã cố gắng tăng phí bảo hiểm để cải thiện lợi nhuận và điều này còn có thể tiếp diễn khi lĩnh vực hàng không phục hồi sau khủng hoảng.

• Bảo hiểm rủi ro bất thường (Contingency insurance) đang phải đối mặt với làn sóng hủy bỏ sự kiện trên toàn thế giới. Mặc dù ngành bảo hiểm đã tránh được điều tồi tệ nhất là Thế vận hội 2020 ở Nhật Bản không bị hủy bỏ hoàn toàn mà chỉ bị hoãn sang năm 2021, song người mua bảo hiểm nói chung sẽ gặp bất lợi từ việc tăng phí đáng kể hoặc bổ sung rủi ro loại trừ COVID-19 trong các hợp đồng mới hoặc hợp đồng tái tục.

• Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu luật pháp Hoa Kỳ buộc các công ty bảo hiểm phải chi trả cho các khiếu nại liên quan đến COVID-19 mặc dù các hợp đồng bảo hiểm có điều khoản loại trừ rõ ràng các tổn thất liên quan đến virus. Quy định pháp luật kể trên hiện đang được tiến hành ở bang New Jersey, theo đó các công ty bảo hiểm gián đoạn kinh doanh phải cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro gián đoạn kinh doanh do COVID-19 gây ra, và sau đó chia sẻ gánh nặng tài chính này thông qua cơ chế phân chia rủi ro đặc biệt với các nhà bảo hiểm phi-gián đoạn kinh doanh (đang bảo hiểm cho rủi ro tại New Jersey). Mặc dù quy định này đem lại lợi ích ngắn hạn cho người mua bảo hiểm, song có khả năng gây ra những thay đổi trên thị trường do các công ty bảo hiểm sẽ tìm cách thu hồi lại chi phí bồi thường đã trả cho những rủi ro mà người được bảo hiểm không phải nộp phí.

• Bảo hiểm trách nhiệm Giám đốc và Người điều hành (D&O): các tòa án ở Mỹ đang bắt đầu thụ lý các vụ kiện bảo hiểm D&Ovà điều này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc. Các vụ kiện chứng khoán ở Mỹ có thể cáo buộc các công ty không thông báo đầy đủ cho nhà đầu tư về các rủi ro từ đại dịch toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc các tác động phụ khác. Bên ngoài Hoa Kỳ, các khiếu nại của D&O có khả năng tập trung vào giao dịch sai hoặc gian lận liên quan đến các doanh nghiệp.

• Bảo hiểm trách nhiệm của chủ lao động dự kiến sẽ chỉ đối mặt với tác động hạn chế từ các khiếu nại COVID-19.

• Bảo hiểm hàng hải dễ bị ảnh hưởng của gián đoạn kinh doanh trên diện rộng, chậm giao hàng và hàng hóa bị hư hỏng/ô nhiễm, điều này có thể kéo theo hệ quả là làm tăng phí bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm P&I sẽ phát huy tác dụng nếu COVID-19 bùng phát trên tàu, còn các hợp đồng bảo hiểm hàng hóa có khả năng bảo vệ cho sự chậm trễ và gián đoạn trên hành trình vượt quá tầm kiểm soát của người được bảo hiểm.

• Bảo hiểm chi phí y tế có khả năng phải chi trả cho chi phí xét nghiệm và điều trị COVID-19.

• Bảo hiểm tai nạn cá nhân (PA) và Bảo hiểm du lịch đang bồi thường cho chi phí hồi hương của các cá nhân bị mắc kẹt, các chuyến đi bị hủy hoặc người được bảo hiểm bị ốm trong khi đi du lịch.

• Bảo hiểm y tế vĩnh viễn (PHI) hoặc các hợp đồng bảo hiểm thu nhập sẽ trang trải chi phí cho các cá nhân nhập viện và mất khả năng làm việc do nhiễm virus.

• Bảo hiểm tín dụng thương mại cung cấp bảo vệ trong trường hợp khách hàng không trả được tiền mua hàng. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm có khả năng điều chỉnh bảo hiểm đối với các hợp đồng mới hoặc tái tục tại các quốc gia/khu vực đang chịu tác động nghiêm trọng nhất của virus. Yêu cầu bồi thường từ mất khả năng thanh toán trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt tỷ lệ của giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008. Thị trường sản phẩm bảo lãnh có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng tương tự. Thị trường tái bảo hiểm đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua, nhưng lần này sẽ phụ thuộc phần lớn vào tiềm năng sắp xếp lại/khôi phục lại khả năng bồi thường.

Bảo hiểm bồi thường cho người lao động: yêu cầu bồi thường sẽ phụ thuộc vào luật pháp địa phương và các quyết định của tòa án nhưng có thể chi trả cho các trường hợp mà bảo hiểm bồi thường cho người lao động không đủ để bù đắp chi phí y tế hoặc tiền lương bị mất, cũng như các trường hợp lỗi do người sử dụng lao động bất cẩn.

Trong ngắn hạn, các công ty bảo hiểm sẽ điều chỉnh quyền lợi bảo hiểm trong từng loại bảo hiểm theo quy mô yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, COVID-19 còn có thể gây hậu quả đối với người mua bảo hiểm trong trung hạn vì các công ty bảo hiểm điều chỉnh danh mục sản phẩm của mình để phản ánh tác động của dịch bệnh trên thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Các công ty bảo hiểm có thể phải dần đối mặt với các điều kiện khó khăn ở tương lai gần, không chỉ trong việc thích nghi với các điều kiện thị trường đầy thách thức mà còn trong việc duy trì hoạt động, đồng thời thực hiện các bước để bảo vệ nhân viên và khách hàng.

Sự suy giảm trong hoạt động kinh tế thường khiến cho doanh thu phí bảo suy giảm và do đó làm chậm tăng trưởng và lợi nhuận đối với cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm và danh mục đầu tư. Lãi suất giảm kết hợp với sự sụt giảm của thị trường vốn do sự bùng phát COVID-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ ngành bảo hiểm. Đặc biệt, các công ty bảo hiểm tài sản & thiệt hại có xu hướng dễ bị tổn thương bởi biến động của thị trường chứng khoán do họ nắm giữ nhiều tài sản dễ thanh khoản hơn để phòng trường hợp xảy ra tổn thất thảm họa.

Tác động tiềm tàng của COVID-19 đối với doanh nghiệp bảo hiểm:

Hiệu ứng ngắn hạn đối với bảng cân đối kế toán:

o Thị trường tài chính sụp đổ làm giảm tài sản, đặc biệt trong đầu tư vốn cổ phần;

o Lợi suất trái phiếu giảm làm giảm thu nhập đầu tư;

o Có thể xảy ra các vấn đề về khả năng thanh toán do bảng cân đối kế toán bị thu hẹp;

o Khách hàng trì hoãn nộp phí bảo hiểm hoặc mất khả năng thanh toán có thể gây thêm áp lực.

Tác động trung hạn tới thị trường bảo hiểm:

o Tiếp tục thúc đẩy tăng tỷ lệ phí bảo hiểm vì các công ty bảo hiểm phải cố gắng bù đắp cho các tài sản và nợ phải trả bị ảnh hưởng;

o Giảm cơ sở khách hàng;

o Gia tăng hoạt động M&A giữa các công ty bảo hiểm;

o Một số nghiệp vụ bảo hiểm bị giảm năng lực bảo hiểm.

Ảnh hưởng đến các công ty tái bảo hiểm:

Sự gián đoạn thị trường tài chính xuất phát từ sự lây lan của virus Corona cũng đang tác động đến lĩnh vực tái bảo hiểm. Căng thẳng kéo dài trên thị trường vốn và thị trường tín dụng kết hợp với việc giảm lãi suất có khả năng làm suy yếu thu nhập và làm xói mòn vốn đầu tư của các công ty tái bảo hiểm.

Hủy bỏ sự kiện do virus Corona có thể được bảo hiểm một phần và các công ty tái bảo hiểm có thể phải đối mặt với tổn thất đáng kể. Sự kiện lớn nhất sắp diễn ra là Thế vận hội Tokyo, dự kiến bắt đầu vào tháng 7/2020, nhưng đã bị hoãn đến năm 2021. Theo các chuyên gia trong ngành, chi phí bồi thường bảo hiểm cho sự kiện này có thể lên đến 2 tỷ USD. Rủi ro được chia sẻ giữa doanh nghiệp bảo hiểm gốc và tái bảo hiểm nhưng một số công ty tái bảo hiểm phải gánh hàng trăm triệu USD bồi thường, chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng thu nhập hàng năm.

Sau cuộc khủng hoảng COVID-19, các công ty tái bảo hiểm cũng sẽ tìm cách cải thiện bảng cân đối kế toán và lợi nhuận của họ thông qua tăng phí, kéo theo việc các doanh nghiệp bảo hiểm gốc cũng tăng phí cho khách hàng của mình.

My Trần (theo Lockton)