
Với mục tiêu phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện sự chia sẻ trong cộng đồng, chính sách bảo hiểm y tế đã đạt được một số kết quả nhất định. Số người được bảo hiểm y tế bao phủ ngày càng tăng (43% dân số) với các hình thức khác nhau: bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện học sinh, sinh viên, nhân dân và bảo hiểm y tế cho người cận nghèo với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Cùng với việc thúc đẩy tính công bằng, hiệu quả, nguồn kinh phí từ bảo hiểm y tế đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ngân sách hoạt động của các bệnh viện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế. Việc mở trộng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã đã góp phần củng cố và phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh thông thường tại tuyến y tế cơ sở, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người có thẻ bảo hiểm y tế. Chính sách bảo hiểm y tế cũng góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khoẻ của bản thân.
Cùng với loại hình bảo hiểm y tế bắt buộc, chính sách bảo hiểm y tế tự nguyện đã góp phần mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế: năm 2005 có trên 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, gấp 5 lần so với năm 2004 và đến năm 2006 đã có 11,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, số thu từ bảo hiểm y tế tự nguyện tăng hàng năm… Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề trong xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Cụ thể là, còn nhiều khó khăn trong việc mở rộng đối tượng tham gia, nhất là với những người khoẻ mạnh. Trong số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đã có hiện tượng lựa chọn bất lợi, tính ổn định, bền vững của chính sách chưa cao, chỉ người có nguy cơ bệnh tật, có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế mới tham gia, ảnh hưởng đến sự an toàn của Quỹ Bảo hiểm y tế. Mức đóng thấp, mất cân đối Quỹ ngày càng nghiêm trọng, từ cục bộ đến toàn bộ. Quá trình mở rộng đối tượng, mở rộng phạm vi quyền lợi và xác định mức đóng bảo hiểm y tế chưa hợp lý, không kể đến yếu tố tăng giá dịch vụ, yếu tố khách quan khác như dịch bệnh; không điều chỉnh được mức đóng kịp thời so với mức độ gia tăng chi phí dịch vụ y tế. Sự hiểu biết, tính tự nguyện và khả năng đóng góp của nhân dân với bảo hiểm y tế chưa được nghiên cứu đầy đủ để phục vụ cho việc xây dựng chính sách cũng như tổ chức thực hiện. Chưa có sự hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế của ngân sách, mặc dù đã có quy định về nguyên tắc trong văn bản nhưng hầu hết các địa phương vẫn chưa thực hiện được. Một số có cam kết hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế nhưng chưa vận động được người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế, nên cũng không thực hiện được đối với hộ gia đình cận nghèo.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hơn 1 năm kể từ ngày 10/12/2007 TTLT/BYT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 06/2007/TTLT/BYT-BTC ngày 30/3/2007 về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện, chúng ta tổ chức hội nghị nhằm đánh giá cụ thể những kết quả đã đạt được, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện. Những kinh nghiệm này cũng sẽ là bài học tốt trong việc tổ chức triển khai Thông tư 10/2008/TTLT-BYT-BTC ngày 24/9/2008 về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Ngày 14/11/2008, Kỳ họp thứ 4 khoá XII Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế và ngày 28/11/2008 Chủ tịch nước đã chính thức công bố Luật Bảo hiểm y tế và có hiệu lực từ ngày 01/7/2009. Việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật về bảo hiểm y tế ở Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế ở Việt Nam. Theo Luật này, một số nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; thân nhân của người lao động; xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… được xác định sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức tự nguyện trước khi tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo lộ trình quy định. Vì vậy, Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là tập trung vào việc tổng kết đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động, trong tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung xây dựng và hoàn chỉnh Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai thi hành Luật Bảo hiểm Y tế, bà Xuyên nói.
Cũng tại hội thảo, 10 báo cáo tham luận đã được trình bày, bao gồm: Đánh giá tình hình thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện; Về thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên tại Thành phố Hà Nội; Những vấn đề đặt ra trong thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh; Về nội dung, phương pháp vận động, tuyên truyền và tổ chức mạng lưới đại lý thu trong thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện nhân dân tỉnh Đồng Tháp; Những vấn đề khắc phục trong tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện nhân dân tại tỉnh Quảng Nam…
Theo Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam
Comments are closed.