Ai được hưởng lợi từ cuộc đua lãi suất?(webbaohiem)

(ĐTCK-online) Cuộc đua lãi suất tiền đồng khó dừng trước tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 tại TP. HCM là 1,73%, còn tại Hà Nội là 1,93%, cả nước 1,86%. Như vậy, CPI 11 tháng đã lên đến 9,4% và dự tính cả năm CPI sẽ ở mức hai con số.

Vì vậy, lãi suất huy động tiền đồng khó giữ mức đồng thuận 12%/năm, song người hưởng lợi chưa hẳn là khách hàng gửi tiết kiệm. Đồng thời, diễn biến lãi suất hiện nay sẽ khiến dòng vốn tiếp tục xoay vòng giữa các ngân hàng.

 

Ngân hàng “thủ”, lãi suất càng tăng

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm xuống dưới 10%/năm vào cuối tuần trước và có xu hướng dịu lại so với sức nóng ở những ngày đầu tuần thứ 2 của tháng 11/2010. Thế nhưng, mặt bằng lãi suất huy động vốn bằng hình thức thỏa thuận “ngầm” vẫn tồn tại trên thị trường. Mức lãi suất thực được ngân hàng trả cho người gửi tiền bình quân hiện khoảng 12 – 14%/năm. Thậm chí, một số nhà băng còn trả mức lãi suất cao hơn, nếu số tiền gửi của khách hàng có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, vì thế, tâm lý mặc cả của khách hàng ngày càng gia tăng theo diễn biến của lãi suất.

Đáng chú ý, ở các ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ, dù thanh khoản vẫn được đảm bảo, song biến động của lãi suất trong những ngày giữa tháng 11/2010 đã tác động đến tâm lý người gửi tiền khiến nhà băng lo ngại, dòng tiền chuyển hướng sang ngân hàng có lãi suất cao hơn. Do vậy, khi khách hàng có ý định dịch chuyển, ngân hàng lại “níu kéo” bằng cách trả thêm lãi suất, nhưng cũng chính điều đó tạo ra sự “mặc cả” lãi suất của khách hàng.  

Lý do các ngân hàng quy mô nhỏ tăng mạnh lãi suất đầu vào trong thời gian gần đây được một cán bộ trong ngành ngân hàng lý giải rằng, quy định của Thông tư 19/2010/TT-NHNN chỉ cho phép các nhà băng sử dụng 80% vốn huy động về để cấp tín dụng nên nhà băng phải tăng cường huy động nguồn, mới có cơ hội cho vay trong mùa cao điểm cuối năm. Dẫn đến, cuộc đua lãi suất tiết kiệm ngày một nóng.

Còn theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM, lãi suất tiền gửi “bung” ra ngoài mức đồng thuận 12%/năm và đặc biệt hơn là lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm kỳ hạn 2 tuần lên trên 15 – 16%/năm, là do các nhà băng nhỏ trước đó có sự đảm bảo bởi nguồn tiền vay được từ liên ngân hàng đã mạnh tay cho vay ra. Đến khi người gửi tiền rút tiền thì không có sẵn. Vả lại, vào thời điểm cuối tháng, các ngân hàng thường phải tính toán số dự trữ đảm bảo theo quy định của NHNN, nếu không sẽ bị phạt theo quy định.

Vì thế, một số ngân hàng cần vốn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản tạm thời nên tăng cường tìm vốn liên ngân hàng, lượng cầu đột biến khiến lãi suất qua đêm hoặc kỳ hạn ngắn được đẩy lên khá cao. Đầu tháng 11, có thời điểm lãi suất liên ngân hàng lên đến 25%/năm.

Hiện thị trường liên ngân hàng đã ổn định trở lại và lãi suất qua đêm dần hạ nhiệt xuống còn 8,88%/năm vào ngày hôm qua (23/11), song nguồn vốn tiết kiệm huy động ngoài thị trường lúc này vẫn chưa thực sự ổn định mà tiếp tục theo vòng xoáy của lãi suất huy động, dù thanh khoản ngân hàng vẫn ổn định.

Theo một cán bộ Khối khách hàng cá nhân của Sacombank, hiện nguồn vốn huy động của Ngân hàng vẫn khá tốt. Chỉ tính riêng chương trình khuyến mãi “lướt SH cùng Sacombank” được Ngân hàng triển khai kể từ giữa tháng 8/2010 đến nay, huy động được trên 13.000 tỷ đồng, đó là chưa kể nguồn vốn huy động của toàn hệ thống Ngân hàng này tăng. Thế nhưng, trước làn sóng lãi suất hiện nay và áp lực của lạm phát trong những tháng cuối năm 2010, Sacombank cũng phải nỗ lực cạnh tranh mới có thể thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Lãi suất tiết kiệm tiền đồng được Sacombank áp dụng 12%/năm cho nhiều kỳ hạn và cộng thêm khuyến mãi.

Nếu tính tổng cộng thì chi phí huy động vốn cao nhất của Sacombank đã lên đến khoảng 13%/năm. Tương tự, ở ACB, dù bảng lãi suất niêm yết chính thức là 12%/năm cho kỳ hạn từ 1 – 12 tháng, song một lãnh đạo ngân hàng này thừa nhận, với mức lãi suất thực ở không ít ngân hàng nhỏ đã lên đến 14 – 14,5%/năm thì ACB cũng phải trả giá cao hơn mức đồng thuận mới giữ được khách hàng gửi tiết kiệm.

Hiện hầu hết ngân hàng (kể cả quy mô lớn và nhỏ) đều trong tư thế “thủ” nguồn cung tiền, dù thanh khoản được nhà băng cho biết, luôn đảm bảo ở mức tốt. Vì thế, lãi suất cao trong huy động vốn vẫn tồn tại khiến ngân hàng khó hạch toán chi phí vào thời điểm cuối năm. Đồng thời, lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng tiếp tục tăng lên theo chiều hướng của lãi suất tiền gửi. Từ đó, áp lực lạm phát gia tăng, bởi giá cả hàng hóa DN bán ra sẽ cao hơn khi sử dụng vốn vay lãi suất cao.

 

Khách hàng chưa hẳn có lợi?

Tuy nhiên, trong cơn sốt lãi suất vừa qua, không hẳn người gửi tiền đã được hưởng lợi theo chiều hướng tăng của lãi suất tiền gửi. Ngược lại, trước biến động lãi suất, nhiều người gửi tiết kiệm chưa đến kỳ đáo hạn đã rút ra để tái tục, với kỳ vọng hưởng lãi suất cao hơn. Nhưng thực tế là người gửi tiền đang bị thiệt vì rút vốn trước hạn và hưởng lãi suất không kỳ hạn. Còn với ngân hàng, chi phí đầu vào sẽ đội lên.

Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, người hưởng lợi trong cuộc đua lãi suất gần đây chính là những ngân hàng quy mô có nguồn vốn khả dụng dồi dào và dư thừa đã tranh thủ được cơ hội cho vay trên thị trường liên ngân hàng, với lãi suất cao. Cho dù lãi suất qua đêm liên ngân hàng chỉ nóng lên trong 1 – 2 ngày vào đầu tuần thứ 2 của tháng 11, song theo vị chuyên gia trên, các ngân hàng nhỏ phải trả giá cao để có thể vay được vốn nhằm bù đắp nguồn cung tạm thời.

Để ổn định lãi suất trong bối cảnh hiện nay theo ông Hạnh, quan trọng hơn cả là ở thị trường mở. Còn nếu không giải quyết được ở thị trường này, các ngân hàng sẽ giành giật nhau và đi vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, từ đó đẩy lãi suất qua đêm lên cao. Ông Hạnh cho rằng, trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại thiếu nguồn cung tạm thời đã không “gõ cửa” NHNN, mà vẫn tiếp tục tìm đến liên ngân hàng. Chính vì các ngân hàng thiếu hụt tìm đến liên ngân hàng nên nhà băng lớn đã biết được ai thiếu nguồn và cần vốn nên chào với giá cao. Như vậy, chỉ cần cho vay khoảng 5 đơn vị trên thị trường liên ngân hàng được vài nghìn tỷ đồng ở thời điểm lãi suất qua đêm nóng là các ngân hàng quy mô lớn đã có thể “ung dung” thu lãi lớn.

Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang dịu lại, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay của các nhà băng vẫn đứng ở mức khá cao, vì lãi suất huy động vốn ở thị trường một chưa thực sự ổn định. Theo TS. Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TP. HCM, tốc độ lạm phát của khu vực TP. HCM và Hà Nội trong tháng 11 sẽ tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động vốn tháng cuối năm, dù với mặt bằng hiện nay, lãi suất đã được xem là tăng ở mức khá cao và thực dương đến 2 – 3%.

Chi phí huy động vốn tăng, dẫn đến dư nợ tín dụng khó được kích thích, dù đây được xem là mùa kinh doanh cao điểm nhất trong năm của DN. Do đó, trong ngày 23/11, Eximbank đã khơi mào cho việc giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối tượng khách hàng DN, nhằm kỳ vọng thu hút được khách hàng vay vốn. Ngoài ra, Eximbank còn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn biểu lãi suất công bố đến 1,5%/năm đối với một số DN có giao dịch thường xuyên tại Ngân hàng, cũng như các DN có nguồn xuất khẩu thu ngoại tệ, DN vừa và nhỏ có phương án sản xuất – kinh doanh tốt, hiệu quả. 

Đây được xem là động thái mới của đợt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thời gian tới của các ngân hàng khi dư nợ tín dụng khó tăng trưởng. Bởi theo nhận định của ông Dương, với mức lãi suất cho vay bình quân 17 – 19%/năm hiện nay, DN khó có thể tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất – kinh doanh dịp cuối năm. 

Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguon: tinnhanhchungkhoan.vn)

Comments are closed.