Khi thị trường thế giới trầm lắng không có khách hàng mua gạo, khi khách hàng chần chừ không mua gạo nhằm mục đích ép giá gạo, việc ngừng xuất khẩu gạo để giữ giá gạo xuất khẩu là điều cần phải làm.
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của nông dân, việc tạm trữ lúa gạo có hai vấn đề cần phải làm rõ là doanh nghiệp hay nông dân tạm trữ lúa gạo? và giá lúa tạm trữ là bao nhiêu?
Nông dân có thể trữ lúa tại nhà để chờ giá
Việc tạm trữ lúa gạo hiện nay được xem là do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đảm nhận và giá lúa bảo hiểm mà VFA đưa ra 4.000 đồng/kg tại kho của VFA. Tuy nhiên, không phải chỉ duy nhất cách VFA mua lúa với giá bảo hiểm để tạm trữ, mà còn một cách đảm bảo lợi ích của nông dân hơn, đó là nông dân tự bảo quản lúa tại nhà để chờ giá.
Khi xác định giá gạo xuất khẩu mà khách hàng đưa ra hiện nay là giá quá thấp và giá gạo thế giới trong thời gian tới sẽ tăng, đề nghị Chính phủ giúp nông dân trữ lúa tại nhà để chờ giá.
Vị trí đặt quảng cáo
Với chất lượng tốt của lúa gạo vụ đông xuân, cộng với thời tiết nắng gắt dể phơi lúa, nông dân chúng tôi có thể trữ lúa tại nhà từ 1 đến 7 tháng mà không ảnh hưởng đến chất lượng lúa khi xay thành gạo (nếu bảo quản trong bọc mũ như lúa giống có thể thời gian trữ còn lâu hơn).
Nông dân chúng tôi vụ nào cũng phải bán tống bán tháo sau khi thu hoạch chỉ vì giá lúa năm nào cũng giảm từ đầu vụ đến cuối vụ. Để nông dân an tâm trữ lúa tại nhà, Chính phủ cần xác định giá lúa tối thiểu mà Chính phủ sẽ mua cho nông dân. Khi trữ lúa tại nhà, nông dân chúng tôi cần được trợ giúp để đóng băng vốn vay và lãi suất ngân hàng, đồng thời được dùng lúa để bảo đảm tiền vay tiếp nhằm chi phí cho sản xuất lúa vụ tới.
Nếu có sự can thiệp và giúp đỡ của Chính phủ, nông dân chúng tôi sẽ trữ lúa và chấp nhận sự may rủi của việc giá cả lúa gạo trên thị trường gạo thế giới lên xuống. Nếu giá gạo thế giới lên trong tương lai thì nông dân sẽ hưởng lợi từ việc tăng giá này. Việc nông dân trữ lúa tại nhà cũng sẽ làm giảm áp lực cho việc thiếu kho chứa lúa hiện nay.
Còn nhớ, vào vụ hè thu năm 2009, VFA cho biết không có thị trường tiêu thụ gạo nên giá gạo xuất khẩu giảm, Chính phủ cho VFA vay không lãi để mua 900.000 tấn lúa tạm trữ với giá 3.800 đồng/kg tương ứng với giá sàn xuất khẩu gạo 400 đô la Mỹ/tấn. Sau khi mua hết lúa của nông dân với giá tạm trữ vào cuối tháng 9/2009, đến tháng 11/2009, VFA cho biết giá gạo thế giới tăng đột biến, và rồi đầu tháng 1/2010 VFA đã ký hợp đồng bán 2,38 triệu tấn gạo với giá từ 480 đến 664 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, toàn bộ số gạo tạm trữ mà VFA đã mua của nông dân vào năm 2009 đã được VFA xuất khẩu với giá lời (tăng thêm do giá gạo thế giới tăng) tối thiểu là 80 đô la Mỹ/tấn và tối đa là 224 đô la Mỹ/tấn.
Đang ký hợp đồng bán gạo với giá cao ngất ngưỡng 664 đô la Mỹ/tấn, thế nhưng khi nông dân chúng tôi bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân 2010, VFA lại cho biết vì không có khách hàng, không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo nên giảm giá thu mua lúa của nông dân từng ngày, từ 5.900 đồng/kg lúa xuống còn 4.500 đồng/kg lúa. Cuối cùng, VFA quyết định mua lúa của nông dân với giá bảo hiểm tối thiểu 4.000 đồng/kg tại kho để tạm trữ.
Vì vậy, nông dân chúng tôi có cơ sở để lo rằng, sau khi VFA mua hết lúa đông xuân năm 2010 của chúng tôi với giá bảo hiểm 4.000 đồng/kg, giá gạo trên thị trường thế giới có thể bỗng nhiên đột biến tăng vọt như năm 2009, và VFA lại hưởng lợi từ giá gạo thế giới tăng cao, còn nông dân chúng tôi thì lại ngậm ngùi như năm 2009 vì đã bán hết lúa với giá bảo hiểm cho VFA.
Cho nên vấn đề nông dân trữ lúa chờ giá cần được xem xét để đưa ra thực hiện vì quyền lợi của nông dân, chứ không phải chỉ có cách doanh nghiệp mua tạm trữ.
Mua lúa bảo hiểm với giá nào?
Giá mua lúa bảo hiểm phải căn cứ vào giá bình quân quy ra lúa của 2,38 triệu tấn gạo đã ký xuất khẩu, hoặc là giá bán gạo mà Chính phủ dự kiến bán trong tương lai, thế nhưng hiện nay VFA lại ấn định giá thu mua lúa bảo hiểm quá thấp, gây thiệt hại cho nông dân chúng tôi. Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho biết: “vụ đông xuân này ít dịch hại, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít nên doanh nghiệp ước chừng chi phí sản xuất lúa trung bình chỉ khoảng 2.200 đồng/kg. Căn cứ vào giá thành sản xuất lúa như vậy, VFA ấn định giá bảo hiểm là 4.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lãi từ 40% trở lên chứ không phải 30% như chủ trương chung của Chính phủ đề ra”.
Giá thành sản xuất lúa VFA tính khoảng 2.200 đồng/kg, lời 30% trên giá thành là 660 đồng/kg, tôi xin hỏi làm sao nông dân chúng tôi sống nổi? Năng suất vụ đông xuân khoảng 6.000 kg lúa/héc ta, vậy mỗi héc ta nông dân lời có 3.960.000 đồng, một hộ nông dân 4 người có 2 héc ta vậy lời được 7.920.000 đồng liệu có sống nổi không?
Nếu biết vụ đông xuân là vụ chính cho thu nhập cao nhất của nông dân. Định giá lúa là để tạo thu nhập cho nông dân sống được ( thu nhập = năng suất * diện tích * lợi nhuận) thế nên nói về thu nhập mà chỉ căn cứ đơn thuần vào lợi nhuận là một cách nói phiến diện và vô nghĩa.
Lúa gạo dùng để xuất khẩu thì giá thu mua lúa trong nước phải căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu. Việc ấn định cho nông dân lời 30% so với giá thành, đã tách giá thu mua lúa trong nước ra khỏi giá gạo xuất khẩu, và do quy định lời 30% này rất thấp so với giá gạo thế giới quy ra giá lúa, nên sẽ tạo điều kiện cho VFA mua rẻ lúa của nông dân.
Ai bảo vệ quyền lợi nông dân?
VFA tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo, VFA ký hợp đồng xuất khẩu gạo, VFA ấn định giá bán gạo xuất khẩu, VFA ấn định giá thu mua lúa trong nước. Tóm lại, VFA được toàn quyền trong xuất khẩu gạo.
Khi nông dân có lúa năm 2009 VFA nói không có thị trường, thế là VFA hạ giá thu mua lúa. Khi nông dân vừa hết lúa VFA nói có thị trường và giá gạo thế giới lên cao, thế là VFA bán gạo xuất khẩu giá cao. Rồi khi nông dân thu hoạch lúa năm 2010 VFA nói không có thị trường, lại giảm giá lúa để mua dự trữ.
Vụ hè thu năm 2009 VFA mua lúa tại kho 3.800 đồng/kg, giá lúa tại ruộng khoảng 3.300 đồng/kg và theo tính toán giá thành vụ này của các chuyên gia khoảng 2.900 đồng/kg, tính ra nông dân chỉ lời 400 đồng/kg lúa.
Vụ đông xuân này VFA hào phóng mua cho nông dân giá lúa 4.000 đồng/kg tại kho, giá lúa tại ruộng khoảng 3.500 đồng/kg trong khi giá thành VFA tính khoảng 2.200 đồng/kg, tính ra nông dân lời 1.300 đồng/kg (còn nếu thực hiện đúng chủ trương mà VFA cho rằng họ được Chính phủ cho phép, nông dân được lời 660 đồng/kg).
Làm một năm cả hai vụ lúa mà lời chỉ có từ 400 đồng/kg lúa (vụ hè thu) và 1.300 đồng/kg (vụ đông xuân), liệu nông dân có sống nổi không? Mong tác giả của quy định nông dân lời 30% giải thích. Nếu xác định nông dân chúng tôi không sống nổi với quy định lời 30%. Vậy xin hỏi: ai sẽ bảo vệ quyền lợi của nông dân chúng tôi đây?
Hoàng Kim (Đồng Tháp)
www.thesaigontimes.vn
Comments are closed.