ADB, OECD kêu gọi chính phủ và ngành bảo hiểm xử lý rủi ro thảm họa

(Webbaohiem) – Trong các ngày 17-18/9 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã phối hợp tổ chức Hội thảo toàn cầu về “Huy động vốn cho rủi ro thảm họa” tại Kuala Lumpur, Malaysia.

 

 

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sâu về việc xây dựng cách thức tiếp cận hiệu quả nhằm quản lý tài chính của rủi ro thảm họa.

Các chủ đề chính trong cuộc hội thảo bao gồm: sự cần thiết xây dựng chiến lược huy động vốn cho rủi ro thảm họa và tài trợ tài chính cho việc phục hồi sau thảm họa, vai trò của bảo hiểm trong việc hỗ trợ tài chính giảm nhẹ thiệt hại và sự xây dựng, phát triển văn hóa bảo hiểm.

Ông Michael J. McCord, Chủ tịch Mạng lưới Bảo hiểm vi mô – tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Luxembourg – nói: “Khi vai trò của chính phủ chưa rõ ràng thì việc gia nhập thị trường này thông qua bảo hiểm hoặc các kênh khác sẽ gặp khó khăn, bởi lẽ người dân cho rằng chính phủ sẽ bảo vệ họ nên không cần tới bảo hiểm”. Vì vậy, chính phủ cần đưa ra các chuẩn mực về điều khoản giảm nhẹ rủi ro thảm họa.

Ông Ivo Menzinger, Quản trị khách hàng của Swiss Re, nhấn mạnh: “những cản trở trong việc cung cấp các dịch vụ tái bảo hiểm phù hợp không phải từ phía nhà cung cấp hay do công nghệ mà phụ thuộc chính vào yếu tố chính trị”. Ông cũng cho biết, trên thị trường hiện đang có dư năng lực bảo vệ cho các rủi ro thảm họa, tuy nhiên do sự miễn cưỡng và thiếu kế hoạch dài hạn của các chính phủ nên các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm không thể xâm nhập thị trường. Chỉ khi chính phủ xây dựng các tiêu chuẩn và kế hoạch rõ ràng thì ngành bảo hiểm mới có thể triển khai được”.

Ông McCord nhận định: “Rõ ràng rằng bảo hiểm vi mô đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị rủi ro thảm họa, nhằm giúp người dân thu nhập thấp ngay sau khi xảy ra thảm họa cũng như khôi phục lại sản xuất và đời sống. Cùng với chính phủ và các tổ chức hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại, ngành bảo hiểm là một trụ cột quan trọng trong hoạt động quản trị rủi ro thảm họa”.

Nhận xét về kết quả cuộc hội thảo, Mạng lưới Bảo hiểm vi mô viết: “Sự tham gia của các thành viên trong hội thảo đã thúc đẩy và tăng cường đối thoại về sự cần thiết ban hành các tiêu chuẩn rõ ràng trong quản trị rủi ro thảm họa của chính phủ các nước. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các kế hoạch không chỉ mang tính trước mắt (khắc phục hậu quả tổn thất) mà còn trong dài hạn nhằm khôi phục sản xuất và đời sống.

Hy vọng những bài học từ hội thảo sẽ đồng hành với ADB và OECD trong quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện trong tương lai, từ đó tạo cơ hội mới cho các thành viên của Mạng lưới Bảo hiểm vi mô gia nhập vào thị trường trong thời gian tới”.

Thảo Phương (Theo Microinsurance Network).

Comments are closed.