SGTT – Ngày 24.9 vừa qua, văn phòng Chính phủ gửi công văn tới bộ Lao động – thương binh và xã hội, bộ Tài chính, Tổng liên đoàn lao động và hội đồng Quản lý quỹ bảo hiểm xã hội về việc cho vay vốn từ quỹ Bảo hiểm xã hội. Theo công văn này, việc cho vay vốn sẽ được thực hiện theo điều 96, 97 và điều 108 của luật Bảo hiểm xã hội. Điều đó có nghĩa là, hoạt động cho vay, đầu tư từ quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ vẫn được thực hiện như thông lệ mà sẽ không có bất kỳ sự đột phá nào.
Cụ thể, theo các điều 96, 97 và 108 của luật Bảo hiểm xã hội, quỹ Bảo hiểm xã hội phải được đầu tư theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và đảm bảo thu hồi được khi cần thiết. Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2007, số tiền nhàn rỗi của quỹ này là 68.000 tỉ đồng, sau một năm lợi nhuận thu được là 4.536 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán từ cơ quan Kiểm toán Nhà nước vào tháng 7 vừa qua cho thấy, số tiền tạm thời nhàn rỗi của quỹ này lên tới 70.000 tỉ đồng. Ở thời điểm kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa xây dựng phương án đầu tư cho số tiền nhàn rỗi này. Trong thực tế, kể cả khi xây dựng phương án đầu tư thì hầu hết số tiền này đang được gửi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn, thuộc loại lãi suất thấp nhất. Báo cáo từ cơ quan kiểm toán cũng kết luận, việc điều hành các khoản tiền gửi này còn phân tán, lãng phí, các hợp đồng cho vay được ký kết với nhiều điều khoản bất lợi, không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư theo nguyên tắc thị trường. Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định báo cáo tài chính của Bảo hiểm xã hội Việt Nam phản ánh chưa đầy đủ, chính xác toàn bộ tài sản, nguồn vốn thuộc quỹ này. Thậm chí còn nhiều khoản lãi từ hoạt động gửi tiết kiệm chưa được hạch toán như khoản 1.205 tỉ đồng lãi phải thu, 37 tỉ đồng lãi đã thu được tại các tỉnh, thành phố chưa chuyển về Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Từ năm 2005, trong dự án nghiên cứu hỗ trợ xây dựng luật Bảo hiểm xã hội phần dự báo tài chính quỹ Bảo hiểm xã hội, các chuyên gia đã phân tích rất kỹ về hoạt động đầu tư của quỹ và đề xuất về việc tăng lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như quỹ chỉ cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất không kỳ hạn, sau đó, những ngân hàng này cho vay lại để ăn lãi suất chênh lệch. “Thặng dư quỹ khá cao nhưng chưa được sử dụng tối đa cho các mục đích sinh lợi là bất cập về sử dụng nguồn vốn”, bà Tuệ Anh thuộc viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tư vấn dự án cho biết.
Theo bà Tuệ Anh, một số nước đã tạo chủ động cho quỹ Bảo hiểm xã hội đầu tư vào những nơi có tỷ suất lợi nhuận cao. Chính phủ có thể quyết định cho phép quỹ này đầu tư vào các dự án kinh doanh, liên doanh góp vốn với các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, vừa đảm bảo độ an toàn, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhàn rỗi của quỹ… Về cơ bản, các cơ chế, chính sách đối với hoạt động đầu tư quỹ của bảo hiểm xã hội cần được bổ sung và có sự điều chỉnh thích hợp hơn nhằm tăng cường lợi nhuận.
Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn hầu như không được cải thiện. Người lao động hàng tháng, hàng năm miệt mài đóng phần tiền lương ít ỏi của mình vào quỹ nhưng không biết nó đang được sử dụng như thế nào. Người lao động không thể yên tâm với tương lai của mình khi mức độ bội chi tăng nhanh và cứ đà này quỹ Bảo hiểm xã hội được các chuyên gia dự báo là sẽ mất cân đối, thậm chí sẽ bị vỡ vào năm 2032.
Tây Giang
Sài gòn tiếp thị
Comments are closed.