6 tháng, bảo hiểm ước bán được 8.300 tỷ đồng qua ngân hàng

Tại buổi chia sẻ, trao đổi thông tin với báo chí chiều 17/8 tại Hạ Long, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

bancassurance

Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 6 tháng ước đạt 48.134 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm cá nhân ước đạt 47.747 tỷ đồng (tăng 27%) và sản phẩm bảo hiểm nhóm ước đạt 387 tỷ đồng (tăng 85%).

Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (49,44%), sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (31,58%).

Tổng doanh thu phí khai thác qua kênh ngân hàng và các tổ chức tín dụng (bancassurance) ước đạt 8.300 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 17,2 % tống doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.

Số lượng đại lý bảo hiểm mới tuyển dụng trong 6 tháng là 124.502 đại lý, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 779.614 đại lý, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo IAV cũng đã chia sẻ, trả lời báo chí các vấn đề liên quan đến tranh chấp bảo hiểm trong kê khai trung thực thông tin của người tham gia bảo hiểm, xu hướng phát triển sản phẩm, triển vọng thị trường, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài …

Liên quan đến đại lý, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết, câu chuyện đáng quan tâm của thị trường hiện nay là làm thế nào để quản lý đại lý cho tốt, phương thức xử lý đại lý vi phạm… 

Trong đó, có công ty hoạt động trong lĩnh vực đại lý tổ chức đạt doanh thu tương đương 1 công ty bảo hiểm nhưng gần như chưa có 1 quy định cụ thể nào của pháp luật dành cho đại lý tổ chức này. 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến IAV chưa chấp thuận sự tham gia của các đại lý tổ chức như TCA, BRICS, Best Life… trong vai trò hội viên không liên kết (trong đó TCA xin gia nhập vài năm nay nhưng mãi chưa được).

Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng được ông Dũng đưa ra, đó là bởi thực tiễn hoạt động của các đại lý trên còn có một số vấn đề nên chưa thể kết nạp được. “Thời điểm này kết nạp là chưa phù hợp”, ông Dũng kết luận.

Trước câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về quan điểm của IAV đối với đề xuất thành lập nghiệp đoàn đại lý bảo hiểm, hiệp hội phụ trợ bảo hiểm, đều hoạt động độc lập với IAV, ông Dũng cho biết, IAV không bình luận gì về đề xuất này bởi đây là ý kiến cá nhân của những người đang hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm.

Theo IAV, hiện có 64 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 14 môi giới bảo hiểm. Cùng với đó cũng có 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
6 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả ước đạt 10.318 tỷ đồng, tăng 30% với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trá cho hợp đồng năm thứ 1 ước đạt 1.034 tỷ đồng, chiếm 10% tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm; cho hợp đồng năm thứ 2 ước đạt 835 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8%; còn cho hợp đồng năm thứ 3+ ước đạt 8.450 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82%. 

Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm 6 tháng ước đạt 423.423 tỷ đồng (tăng 19,01% so với cùng kỳ năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 342.869 tỷ đồng (tăng 26,17%); tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 263.996 tỷ đồng (tăng 16,08%).

Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 71.147 tỷ đồng (tăng 24,35%); tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 91.456 tỷ đồng (tăng 28,8%); chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.653 tỷ đồng (tăng 19,61%); phí thu xếp qua môi giới ước đạt 4.215 tỷ đồng; hoa hồng môi giới ước đạt 383 tỷ đồng, tăng 4,2%. Số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đạt 1.222.000 hợp đồng tăng 27%. 

Theo Kim Lan (ĐTCK)