4 phương pháp tăng cường bảo vệ và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất

(Webbaohiem) – Ngày nay, cho dù các doanh nghiệp sản xuất nỗ lực bảo vệ dữ liệu khách hàng, đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu từ các nhà cung ứng, hay tiến hành các khóa đào tạo nhằm giảm thiểu tai nạn nơi làm việc, thì họ vẫn phải thường xuyên đối mặt với những thách thức rất lớn.

 

 

Ngay cả trong trường hợp được trang bị các chương trình quản trị rủi ro tân tiến nhất, doanh nghiệp vẫn không thể loại bỏ được tất cả các rủi ro hoạt động. Tuy nhiên, với các giải pháp bảo hiểm hiệu quả và có phạm vi rộng, nhà sản xuất và các công ty phân phối có thể giảm thiểu được khả năng phải chi trả các khiếu nại lớn trong tương lai.

Bốn giải pháp bảo hiểm dưới đây – nếu được thiết kế hợp lý – sẽ có tác dụng bảo vệ tài chính hữu hiệu đối với nhà sản xuất và các công ty phân phối:

1. Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh

Vụ nổ tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc, hồi tháng 8 là một ví dụ điển hình lý giải tại sao bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đã trở thành giải pháp quản trị rủi ro có hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào nhà cung ứng hoặc cảng nước ngoài.

Theo các báo cáo có liên quan, thảm họa tại cảng biển lớn thứ 10 thế giới này đã san phẳng các nhà kho chứa xe ô tô nhập khẩu, xuất khẩu và sắt thép phục vụ cho sản xuất, đồng thời gây gián đoạn nghiêm trọng các chuyến hàng chở quặng sắt, than và dầu thô. Rất nhiều tàu chở hàng không được xuất bến vì quá trình dọn dẹp kéo dài, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất bị chậm tiến độ thêm nhiều ngày nữa.

Các công ty bị ảnh hưởng chính từ thảm họa này gồm có Samsung, Nestle, Honeywell, Coca-Cola, Bridgestone, Lafarge, Novo Nordisk và Motorola. Đối với một doanh nghiệp có thu nhập 1 triệu USD/tháng thì 3 tháng chậm giao hàng nguyên liệu thô sẽ dẫn tới thiệt hại thu nhập 3 triệu USD. Nếu doanh nghiệp tham gia bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, rủi ro kể trên sẽ được bồi thường toàn bộ.

 

2. Rà soát lại việc điều chỉnh phí bảo hiểm theo kinh nghiệm 

Điều chỉnh phí bảo hiểm theo kinh nghiệm (experience modification) là thuật ngữ được sử dụng trong ngành bảo hiểm Hoa Kỳ, nhất là đối với nghiệp vụ Bảo hiểm bồi thường cho người lao động (Workers’ Compensation). Đây là việc điều chỉnh phí bảo hiểm hàng năm dựa trên kinh nghiệm tổn thất trong quá khứ. 

Đối với bảo hiểm bồi thường cho người lao động, dữ liệu quá khứ thường lấy trong 3 năm liên tục ngay trước năm gần nhất, nhưng không lấy của năm gần nhất. Chẳng hạn, nếu hợp đồng đáo hạn vào ngày 1/1/2016 thì dữ liệu sử dụng để điều chỉnh phí được lấy từ 1/1/2012 đến 1/1/2015.

Tỷ lệ điều chỉnh phí bảo hiểm theo kinh nghiệm (EMR) của Bảo hiểm bồi thường cho người lao động được tính bằng các công thức khá phức tạp, tuy nhiên hiểu được cách tính tỷ lệ này sẽ hữu ích cho doanh nghiệp trong việc rà soát lại phí bảo hiểm của đơn vị mình.

Thông qua việc đánh giá các yếu tố điều chỉnh phí bảo hiểm theo kinh nghiệm (tương tự cách làm của cơ quan quản lý nhà nước), nhà môi giới bảo hiểm có thể xác định tỷ lệ điều chỉnh chính xác và dự đoán được các tác động tài chính lên phí bảo hiểm.

Tỷ lệ EMR không chính xác thường là kết quả của những sai sót trong số liệu tiền lương, phân loại công việc, dự phòng bồi thường và những vụ khiếu nại lẽ ra đã phải chấm dứt giải quyết bồi thường.

Ví dụ: Một công ty cung cấp dịch vụ lớn của Hoa Kỳ gặp phải khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của dự án mới do chỉ số EMR Bảo hiểm bồi thường cho người lao động ở mức 1,16. Khi tiến hành tính toán lại chỉ số EMR, công ty nhận thấy rất nhiều khiếu nại vượt quá mức bồi thường và cần phải đàm phán giảm với nhà bảo hiểm. Nhờ vậy đã giảm được tỷ lệ EMR xấp xỉ 20%.

Sau đó, công ty tiến hành báo cáo số liệu dự phòng mới lên Hội đồng Bồi thường bảo hiểm quốc gia. Kết quả là EMR của công ty đã giảm xuống 0,94, cho phép công ty đấu thầu và thắng thầu các hợp đồng lớn với tổng trị giá trên 15 triệu USD. Đồng thời, công ty cũng tiết kiệm được 264.000 USD trong vòng 3 năm.

3. Bảo hiểm rủi ro mạng máy tính

Việc tìm kiếm giải pháp bảo hiểm mạng linh hoạt, có khả năng mở rộng và đáp ứng được đa dạng các nhu cầu bảo hiểm là rất cần thiết. 

 

Gần đây, vụ mất cắp máy tính xách tay của cán bộ lãnh đạo tại một công ty cho vay thế chấp bất động sản phía bờ Tây nước Mỹ khiến công ty này đối mặt với khả năng bị đánh cắp dữ liệu khách hàng. Vì vậy, công ty phải ngay lập tức thông báo cho khoảng 18.000 khách hàng ở 22 tiểu bang, đồng thời tiến hành theo dõi chặt chẽ tài khoản của họ trong vòng 1 năm.

Do sản phẩm bảo hiểm mà công ty tham gia đã được thiết kế và thử nghiệm trên thị trường, đồng thời đủ linh hoạt để theo kịp sự thay đổi của rủi ro mạng, nên trong vụ việc kể trên, công ty không bị ảnh hưởng đến thu nhập. Toàn bộ 255.000 USD chi phí thông báo và giám sát tài khoản khách hàng đều được nhà bảo hiểm bồi thường.

4. Đặt ra các giới hạn chính xác dựa trên mô hình thảm họa 

Các hình thái thời tiết khắc nghiệt gây ra nhiều tổn thất mang tính thảm họa.

Theo một báo cáo mới đây của Công ty bảo hiểm doanh nghiệp và chuyên biệt Allianz toàn cầu (AGCS), Hoa Kỳ là nơi có tổn thất đứng đầu thế giới, chiếm tới 49% trong tổng số 11.000 tổn thất bảo hiểm có giá trị lớn hơn 100.000 Euro trong giai đoạn 2009-2013. Mức độ tăng trưởng rủi ro thảm họa – trong đó có rủi ro động đất tại Bờ Tây hay lũ lụt miền Đông Nam – vượt quá tốc độ tăng của bảo hiểm. Hệ quả là khoảng trống bảo vệ ngày một lớn. 

 

Hiện nay, ngày càng có nhiều hãng sản xuất công nghiệp và công ty bảo hiểm dựa vào các mô hình thảm họa để gia tăng bảo hiểm, lấp đầy khoảng trống bảo vệ. Tuy nhiên, việc sử dụng mô hình thảm họa có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào dữ liệu đầu vào và việc ra quyết định dựa trên các thông tin đầu ra. Việc xây dựng các giới hạn chính xác trên cơ sở của mô hình thảm họa đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa phân tích kỹ thuật, thu thập thông tin và đàm phán. Thông qua quá trình làm việc chi tiết và có mục tiêu cụ thể, công ty có thể giảm được phí bảo hiểm và thiết lập được các giới hạn phù hợp.

Ví dụ: Một mô hình thảm họa sử dụng phần mềm hàng đầu trong ngành được áp dụng để tính toán giá trị rủi ro lũ lụt và gió lốc đối với tài sản của một doanh nghiệp trong tình huống xấu nhất. Sau đó, doanh nghiệp đã xây dựng được cấu trúc rủi ro hiệu quả, phù hợp với tình hình thị trường và đáp ứng được điều kiện kinh doanh và tài chính của mình. Nhờ vậy, doanh nghiệp giờ đây chỉ cần 1 đơn bảo hiểm đã có thể bảo vệ được cho toàn bộ tài sản với giới hạn bảo hiểm hợp lý, đồng thời tiết kiệm được 70.000 USD phí bảo hiểm.

Trên đây là 4 giải pháp dành cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong việc triển khai các chương trình bảo hiểm. Nếu được cấu trúc hợp lý, những giải pháp này sẽ có tác dụng hữu hiệu nhằm giúp doanh nghiệp bảo vệ an toàn tài chính trước rủi ro.

Trần Lâm (Theo Propertycasualty360).

Comments are closed.