(Webbaohiem) – Châu Á sẽ trở thành trụ cột chính trong cuộc cách mạng bảo hiểm sắp tới và nhiều khả năng sẽ là thị trường nóng bỏng nhất về công nghệ bảo hiểm (InsurTech) toàn cầu.
Đó không phải là giấc mơ hão huyền bởi hiện nay, InsurTech tại khu vực này đang hội tụ được tất cả các yếu tố thuận lợi. Cụ thể, châu Á có quy mô dân số lớn và sự gia tăng nhanh tầng lớp trung lưu nhạy bén về công nghệ, trong khi đó kênh phân phối bảo hiểm truyền thống chỉ đem lại hiệu quả thấp. Thực tế đó kết hợp với làn sóng chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy, khiến cho châu Á vượt qua các khu vực phát triển trên thế giới để trở thành đầu tàu về InsurTech.
Vậy điều gì, có thể có, thực sự gâyảnh hưởng bất lợi đến InsurTech châu Á? Thực tế là mặc dù châu Á đã sẵn sàng cho InsurTech song số lượng và chất lượng các startup (khởi nghiệp) tại đây chưa thể so sánh được với các nơi khác trên thế giới.
Tỷ lệ tham gia đầu tư vào các startup về bảo hiểm có thể coi là một dấu hiệu đại diện cho mức độ hoạt động chung của InsurTech trên thế giới. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ này tại Mỹ lên tới 63%, trong khi ở Đức là 6%, Anh 5%, Pháp 3%, Trung Quốc 4% (không tính tới khoản đầu tư “khủng” của Zhong An năm 2015) và Ấn Độ 5% (nguồn: CB Insights).
Đến đây, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao không có nhiều hơn startup tại châu Á, trong khi nơi đây hội đủ các cơ hội và nguồn vốn đầu tư tốt? Có phải vì thiếu các doanh nhân giàu kinh nghiệm, sự khó khăn trong khởi nghiệp kinh doanh, khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư hay là một nguyên nhân nào khác?
Câu trả lời là sự kết hợp của một số yếu tố, trong đó có nguyên nhân từ hệ sinh thái khởi nghiệp đang ở giai đoạn sơ khai và còn yếu, không thể hỗ trợ hiệu quả cho các startup. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ khía cạnh văn hóa là khả năng chịu đựng thất bại thấp.
Tuy vậy, cả hai nguyên nhân này đều đang thay đổi nhanh và các chủ doanh nghiệp tại châu Á đang bắt đầu nhận biết và thử nghiệm những giải pháp sáng tạo của InsurTech. Có thể kể tới một số ví dụ tiêu biểu về InsurTech đáng chú ý đã đến vòng gọi vốn Series A (tập trung tài trợ vốn cho hoạt động bán hàng và sản xuất), như: Zhong An (khởi nghiệp InsurTech trị giá 8 tỷ USD của Trung Quốc), Connexions Asia (nền tảng Quyền lợi Người lao động linh hoạt của Singapore trị giá 100 triệu USD), và hai website lớn về so sánh bảo hiểm của Ấn Độ là Policybazaar và Cover Fox.
Ảnh: Giao diện khởi nghiệp bảo hiểm Cliendesk
Khả năng và “Sự sống sót của người phù hợp nhất”
Việc thiếu vắng startup trong khu vực cho thấy sự thiếu hệ thống sàng lọc và tác động mạng lưới của hệ sinh thái khởi nghiệp như ở tại Hoa Kỳ, châu Âu và, trong chừng mực nhất định, ở Trung Quốc.
Các startup “sống sót” tại Mỹ và châu Âu phải đương đầu với sức ép cạnh tranh rất lớn để đạt được quy mô kinh doanh cần thiết. Do đó, nếu các startup yếu hơn ở châu Á có thể nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng thì điều đó đơn giản là vì không có nhiều sự lựa chọn đầu tư tương tự như vậy. Tại châu Âu và Mỹ, quá trình chọn lọc tự nhiên nhanh chóng loại bỏ những mô hình yếu hơn để dồn sự ủng hộ cho các mô hình hiệu quả. Vì vậy, các khởi nghiệp mạnh hơn sẽ thu hút được những nhân tài tốt nhất từ hệ sinh thái khởi nghiệp, từ đó nâng cao khả năng thành công.
Ảnh: Hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh đem lại thành công cao hơn cho các startup tại Mỹ và châu Âu (Nguồn: Shutterstock)
Lợi thế sân nhà
Thành công tại các thị trường “sân nhà” lớn như Anh, Đức hay một số bang của Mỹ sẽ đem lại cho các startup những khởi đầu rất thuận lợi nhờ có được sự tín nhiệm và dòng tiền cho phép mở rộng mạnh hoạt động kinh doanh sang các khu vực khác. Điều này còn đem lại cho startup sự linh hoạt trong việc xây dựng các cơ chế điều chỉnh cần thiết đối với mô hình kinh doanh của mình để áp dụng vào thị trường châu Á.
Mỹ và châu Âu có lợi thế về mức độ chuyên sâu cao trong ngành bảo hiểm, với hầu hết các hãng bảo hiểm toàn cầu lớn đóng trụ sở tại đây. Điều đó cho phép startup tại các thị trường này tiếp cận được với các chuyên gia tư vấn cao cấp ngay tại địa bàn của mình.
Cuối cùng, một lợi thế nữa của các startup Mỹ và châu Âu trong việc mở rộng thị trường là hầu hết trong số họ đều sử dụng cách tiếp cận hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời có mối quan hệ gần gũi với ban lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm ngay tại trụ sở chính. Tôi từng biết có những trường hợp, mối quan hệ giữa startup và công ty bảo hiểm ban đầu được xây dựng tại châu Âu, sau đó đã phát triển thành quan hệ đối tác tại thị trường châu Á.
Sự phức tạp về pháp lý
Châu Á bao gồm nhiều nước và mỗi nước đều có cơ quan quản lý bảo hiểm riêng với những quan điểm khác nhau trong hoạt động quản lý. Do đó, lại có thêm những rào cản cho tiềm năng phát triển của startup bảo hiểm trong khu vực.
Chẳng hạn, một khởi nghiệp xuất phát từ Singapore muốn xâm nhập thị trường châu Á sẽ cần phải chỉ ra cách thức để hiểu rõ hành lang pháp lý của các nước láng giềng ngay từ giai đoạn đầu của chu kỳ tăng trưởng. Các thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đều có những yêu cầu pháp lý phức tạp cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Điều này khiến cho khởi nghiệp đến từ Singapore ở thế bất lợi so với các startup trưởng thành hơn đến từ EU/Mỹ – họ không chỉ có kinh nghiệm làm việc với cơ quan quản lý tại bản quốc mà còn có lịch sử hoạt động tốt và nguồn lực lớn hơn để có thể vượt qua mọi vấn đề về pháp lý.
Những đầu tàu tương lai của InsurTech châu Á
Dưới đây là 35 khởi nghiệp bảo hiểm đến từ Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc – những người sẽ vẽ nên bức tranh khởi nghiệp bảo hiểm tại châu Á trong thời gian tới. Hẳn rằng không phải tất cả trong số họ đều có thể áp dụng mô hình của mình thành công tại châu Á, song một số nhất định sẽ tồn tại và thành công trong việc thống lĩnh thị trường InsurTech tại châu lục này trong tương lai không xa.
Ảnh: 35 khởi nghiệp sẽ chiếm lĩnh thị trường InsurTech châu Á (Nguồn: George Kesselman)
Tương lai ngành bảo hiểm châu Á đang đến nhanh và sẽ rất sôi động!
Dưới đây là đường link và mô tả tóm tắt về từng startup trong số 35 khởi nghiệp nêu trên:
Anh
• Guevara – Bảo hiểm ô tô “từ người đến người”
• Bought by Many – Bảo hiểm cho cộng đồng
• Cuvva – Bảo hiểm ô tô theo nhu cầu hàng giờ
• SPIXII–Đại lý bảo hiểm ô tô
• Gaggel – Sự lựa chọn tốt hơn cho bảo hiểm điện thoại di động
• ClientDesk – Số hóa ngành bảo hiểm
• Insly – Phần mềm môi giới bảo hiểm
Đức
• SimpleSurance – Nhà phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh thương mại điện tử hàng đầu thế giới
• Friendsurance – Tương lai của ngành bảo hiểm (P2P – từ người đến người)
• Getsafe – Giải pháp số một chạm cho tất cả các vấn đề bảo hiểm của bạn
• Finanz-chef24 –Bảo hiểm số lớn nhất nước Đức cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể
• Money-Meets – Tiết kiệm tiền và tăng cường năng lực tài chính
• Clark – Bảo hiểm chưa bao giờ dễ như thế này
• MassUP – Nền tảng “nhãn trắng” về bán bảo hiểm trực tuyến
• FinanceFox – Anh hùng bảo hiểm của bạn
Hoa Kỳ
• Metromile – Bảo hiểm trả theo từng dặm hành trình (bảo hiểm ô tô)
• Oscar – bảo hiểm sức khỏe thông minh và đơn giản
• Zenefits – Phần mềm nhân sự/trả lương/thưởng trực tuyến – Tất cả-trong-một (EB phân phối)
• Policy Genius – Tư vấn, chào phí và mua bảo hiểm dễ dàng
• Embroker – Kinh doanh bảo hiểm trong kỷ nguyên số
• Slice – Bảo hiểm theo nhu cầu cho nền kinh tế theo nhu cầu
• Trov – Bảo hiểm theo nhu cầu cho tất cả tài sản của bạn
• Cover Hound –Chào phí bảo hiểm ô tô từ những hãng bảo hiểm đứng đầu
• Insureon – Bảo hiểm doanh nghiệp quy mô nhỏ
• Bunker – Thị trường cho bảo hiểm liên quan đến hợp đồng
• Lemonade – Bảo hiểm người thuê nhà và chủ nhà
• Cyence – Nền tảng toàn diện cho việc mô hình hóa kinh tế các rủi ro mạng máy tính
China
• Zhong An – Nhà bảo hiểm trực tuyến toàn diện đầu tiên Trung Quốc
• Cheche Chexian – Nền tảng bảo hiểm ô tô trực tuyến
• Tongjubao – Nền tảng chia sẻ rủi ro cộng đồng “từ người đến người”
• Huize Insurance – Nền tảng đại lý bảo hiểm trực tuyến dẫn đầu tại Trung Quốc
• Xishan Information Technology – Bảo hiểm trực tuyến giảm giá
George Kesselman.
Về tác giả:
Từng làm việc ở rất nhiều phòng ban khác nhau tại các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ toàn cầu, với ít nhất hai vị trí là Giám đốc Hoạt động của AIG Indonesia và Phó Tổng Giám đốc khu vực về Bồi thường của AIG, ông George Kesselman là một chuyên gia bảo hiểm toàn cầu giàu kinh nghiệm với bề dày thành tích trong hoạt động quản trị và lãnh đạo tại châu Á. Với niềm đam mê và sự theo đuổi không mệt mỏi đối với lĩnh vực chuyển đổi bảo hiểm, ông đã đồng thành lập hệ sinh thái khởi nghiệp cho toàn ngành bảo hiểm tại Singapore. Thông qua InsurTechAsia, ông đặt mục tiêu thu hút, khai thác hiệu quả và nhanh chóng mở rộng quy mô các ý tưởng sáng tạo về bảo hiểm nhằm đóng góp vào sự phát triển của làn sóng tiếp theo trong cuộc cách mạng bảo hiểm toàn cầu./.