Năm 2007, cả nước xảy ra 14.624 vụ TNGT, làm chết 13.150 người, bị thương 10.546 người. So với năm 2006, giảm 77 vụ TNGT (0,52%), giảm 740 người (bằng 6,56%), nhưng số người chết vì TNGT lại tăng 411 (tăng 3,23%).
TNGT giảm, người chết vẫn tăng
Theo số liệu được công bố tại Hội nghị ATGT toàn quốc 2008 (Hà Nội, 24/1), năm 2007 TNGT đường bộ xảy ra nhiều nhất (13.989 vụ); đường sắt có 397 vụ, và đường thủy là 260 vụ. Riêng số người chết vì TNGT đường bộ đã là 12.800 người, chiếm hơn 96% số người chết vì TNGT.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương để xảy ra nhiều TNGT nhất với 1.381 vụ và 1.092 người chết. Tiếp đến là Hà Nội với 832 vụ và 491 người chết. Tỉnh Đồng Nai tuy có số vụ TNGT ít hơn Hà Nội (676 vụ), nhưng số người chết vì TNGT lại cao (658 người), đứng thứ 2, sau TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, một trong những nguyên nhân chủ quan khiến ùn tắc và TNGT xảy ra nhiều trong năm 2007 là do các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo thiếu kiên quyết. Điển hình là dịp Tết Đinh Hợi, do triển khai chỉ đạo của một số địa phương không đến nơi, đến chốn, đã xảy ra nhiều vụ TNGT.
Riêng tháng 2/2007 (tháng Tết Đinh Hợi), đã xảy ra 1.500 vụ TNGT, làm chết 1.381 người, bị thương 1.301 người. Đây cũng là tháng có số người bị chết vì TNGT nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. 6 ngày Tết Đinh Hợi TNGT đã xảy ra đột biến (570 vụ), làm chết 387 người, bị thương 643 người…
Năm 2007, có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giảm số người bị chết và 29 địa phương tăng số người chết vì TNGT so với năm 2006. Những địa phương có số người chết vì TNGT vượt trên 300 người là: TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Đắc Lắc, Hà Tây, Bình Dương, Bình Định, Gia Lai, Bình Thuận.
Cũng trong năm 2007, lực lượng CSGT và cảnh sát trật tự đã kiểm tra xử lý gần 5 triệu trường hợp vi phạm luật giao thông; tước hơn 28 nghìn giấy phép lái xe; tạm giữ 29.442 xe ô tô, 888.498 mô tô xe máy, 15.312 phương tiện khác. Kho bạc Nhà nước thu 783 tỷ 53 triệu đồng (tăng 151,1 tỷ đồng so với năm 2006).
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, ngay từ Tết Nguyên đán Mậu Tý, các địa phương phải huy động lực lượng để kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm ATGT, giảm tối đa TNGT ở từng địa phương trong dịp Tết và không để xảy ra pháo nổ trên địa bàn mình quản lý…
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia kiêm Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nêu 7 nguyên nhân khiến TNGT gia tăng:
– Sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự ATGT từ Trung ương tới địa phương chưa kiên quyết;
– Ý thức chấp hành pháp luật của người dân chuyển biến chậm;
– Phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh (năm 2007 có số ô tô, mô tô tăng cao nhất từ trước tới nay);– Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển của phương tiện;
– Công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT (đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, kiểm định phương tiện…) vẫn còn có mặt hạn chế;
– Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu;
– Một số văn bản pháp luật về trật tự ATGT còn chậm sửa đổi
Xe cộ tăng, ùn tắc “nóng rẫy”
Nhận định chung tại Hội nghị ATGT 2007 là: Xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông liên miên ở đô thị lớn là do hạ tầng giao thông chậm được cải thiện, quy hoạch phát triển đô thị không hợp lý…
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn do sự gia tăng quá nhanh của phương tiện giao thông cá nhân. Theo thống kê, năm 2007 cả nước đã đăng ký mới 133.505 ôtô và 3.105.322 mô tô, so với năm 2006 tăng 13,7% ôtô và 16,6% mô tô.
Đây cũng là năm có số lượng đăng ký xe ôtô, mô tô cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số phương tiện cơ giới đường bộ hiện nay là 1.106.617 ôtô và 21.721.282 mô tô.
Để tiếp tục giải quyết tình trạng ùn tắc và kiềm chế TNGT trong năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: xử phạt nghiêm, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm ATGT, coi đây chính là một biện pháp giáo dục có hiệu quả; tập trung khắc phục những “điểm đen” về ATGT. Thủ tướng cũng yêu cầu chỉnh sửa ngay văn bản, nghị định liên quan các vấn đề giao thông chưa phù hợp thực tiễn.
Theo VietNamNet và Tiền phong online
Comments are closed.