2 năm tái cấu trúc ngành bảo hiểm, lo ngại vẫn còn nhiều

Có thể nói, tới nay, ngành bảo hiểm, đặc biệt là khối bảo hiểm phi nhân thọ đã có những bước tiến khá dài trên lộ trình tái cấu trúc theo Quyết định 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 về tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các DN bảo hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề tồn tại, đe dọa sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường.

Phần lớn đại lý bảo hiểm vẫn làm việc bán thời gian 

Thêm nhiều DN bớt lỗ và có lãi

Theo Cục quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, sau gần 2 năm thực hiện tái cấu trúc, các DN bảo hiểm đã từng bước cải thiện chất lượng công tác quản trị DN, quản lý rủi ro. Hầu hết các DN trong ngành đã xây dựng được các quy trình nghiệp vụ cơ bản, bố trí các chức danh quản trị điều hành đáp ứng tiêu chuẩn, thực hiện việc công bố công khai thông tin theo quy định của pháp luật.

Năng lực tài chính cũng có những thay đổi với tổng tài sản toàn thị trường năm 2013 ước đạt 132.217 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2012; trong đó, các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.237 tỷ đồng, tăng 7,6%; các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 94.980 tỷ đồng, tăng 20,6%. Tổng dự phòng nghiệp vụ của các DN bảo hiểm năm 2013 ước đạt 79.964 tỷ đồng, tăng gần 12,03% so với năm 2012, trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 15.650 tỷ đồng, tăng 11,90%; các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 64.314 tỷ đồng, tăng 12,06%. 44/45 DN bảo hiểm đảm bảo biên khả năng thanh toán và quy mô vốn chủ sở hữu; 8/11 DN môi giới bảo hiểm đang hoạt động đáp ứng quy mô vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. 

Năm 2013, có 4 DN bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm đã được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M Best xếp hạng về năng lực tài chính, trong đó, 2 DN (Samsung Vina và Vinare) được xếp hạng B++; 2 DN (PVI và PVI Re) được xếp hạng B+. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động cũng được cải thiện. Cụ thể, trong lĩnh vực phi nhân thọ, có 14/29 DN có lãi, 15/29 DN lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong lĩnh vực nhân thọ, 10/16 DN có lãi, 6/16 DN lỗ. Trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm, có 9/11 DN có lãi (năm 2012 có 6/11 DN), 2/11 DN lỗ.

Cuộc cạnh tranh về phí và hoa hồng vẫn diễn ra gay gắt

Trong số những DN bảo hiểm (chủ yếu trong lĩnh vực phi nhân thọ) đã có sự thay đổi rõ nét sau một thời gian tự tái cơ cấu, có thể kể đến trường hợp như Bảo hiểm Viễn Đông. DN này đã từng gặp phải những vấn đề về thanh khoản, nhưng khoảng 2 năm trước đã thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, thay đổi cách thức quản lý, đóng cửa các chi nhánh kém hiệu quả và giảm bớt nhân viên.

Vì thế, dù còn những vấn đề tồn tại, nhưng trong thời gian gần đây, DN này chỉ tập trung vào khai thác những khách hàng có nguy cơ rủi ro thấp, nên khả năng bồi thường đã cải thiện được một phần. Bảo hiểm AAA trước khi bán cho IAG cũng gặp nhiều khó khăn, bộ máy cồng kềnh và hiệu quả hoạt động kém. Công ty này hiện đã cải thiện được khả năng thanh toán và đang mạnh tay thực hiện những thay đổi lớn về cấu trúc và nhân sự.

Bảo hiểm Liberty, sau 6 năm phát triển mạnh mẽ với những kế hoạch đầy tham vọng đã phải chịu lỗ tới hàng trăm tỷ đồng. Kể từ tháng 9/2012, Liberty bắt đầu áp dụng chính sách miễn thường đối với tất cả khách hàng, nhằm nâng cao ý thức của khách hàng về việc giữ gìn xe và giảm thiểu các yêu cầu bồi thường nhỏ (dưới 1-2 triệu đồng). Vì thế, tỷ lệ tổn thất của Liberty đã được cải thiện đáng kể. Cả năm 2013, Liberty chỉ còn lỗ khoảng 1,7 tỷ đồng và từ đầu năm 2014 đến nay, Công ty đã bắt đầu có lãi.

Nhưng vẫn còn nhiều lo ngại

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện các ban nghiệp vụ bán chuyên trách đã bắt tay vào xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu (đảm bảo an toàn tài chính sau 13 năm liên tục thua lỗ) và bảo hiểm sức khỏe (Health Care) (sau 7 năm liền thua lỗ); mức phí đảm bảo an toàn tài chính cho bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt nhóm 1, nhóm 2 (nhiều năm qua khiến không ít DN bảo hiểm thua lỗ, điêu đứng).

Điều này đang chứng tỏ các DN bảo hiểm đã thấy được hậu quả của thua lỗ nghiệp vụ bảo hiểm kéo dài; quyết tâm từ bỏ cạnh tranh phi kỹ thuật, hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm không đi kèm với điều kiện để thực hiện nghĩa vụ bồi thường, phí bảo hiểm thu được không đủ để chi trả. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, con đường cạnh tranh bằng năng lực, uy tín, thương hiệu, chăm sóc khách hàng, bồi thường nhanh, đầy đủ, chính xác, tất yếu phải thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mảng sáng đó thì bức tranh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn nhiều mảng xám. Cụ thể là, sau một thời gian dài phát triển, nhưng mảng đại lý bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa phát triển. Việc đào tạo thường xuyên cho đội ngũ đại lý bảo hiểm cũng là một thách thức lớn cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, vì phần lớn các đại lý bảo hiểm đều làm việc bán thời gian, trong khi DN lại thiếu nhân sự và giáo trình đào tạo đại lý chuyên nghiệp. Vì vậy, sẽ khó tránh khỏi tình trạng đại lý trình bày thiếu hay trình bày sai về hợp đồng bảo hiểm, dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh về phí và hoa hồng vẫn tiếp diễn, đặc biệt đối với mảng bán lẻ-phân khúc đang được nhiều DN tập trung khai khác và coi như mũi nhọn tấn công thị trường. Đối với mảng bán lẻ, không chỉ có các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước đẩy mạnh khai thác, mà thời gian gần đây cũng có thêm một số DN bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phân khúc này. Với tiềm lực vốn mạnh, các công ty này đang tỏ ra khá tham vọng với chiến lược phí và hoa hồng, nên đây có thể lại là những nhân tố tạo thêm sự rối ren cho thị trường trong phân khúc bán lẻ, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới.

Ngoài ra, dù việc tái cơ cấu đã mang lại một số kết quả ban đầu, nhưng nhìn vào kết quả phân loại DN bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm năm 2013, vẫn còn không ít lo ngại. Kết quả phân loại trong nước cho nhóm DN bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm năm 2013 cho thấy, chỉ có 12 DN bảo hiểm phi nhân thọ và 1 DN tái bảo hiểm (Vinare) đúng chuẩn với lãi hoạt động kinh doanh bảo hiểm 2 năm liên tục, đảm bảo biên khả năng thanh toán. 16 DN bảo hiểm phi nhân thọ và 1 DN tái bảo hiểm hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi trong 2 năm liên tục, nhưng đảm bảo biên khả năng thanh toán; 1 DN bảo hiểm phi nhân thọ có nguy cơ không đảm bảo khả năng thanh toán.

Đối với việc xếp hạng tín nhiệm, dù ngày càng nhiều có nhiều doanh hướng đến “sân chơi” này, nhưng theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, số lượng DN bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm tại thị trường Việt Nam được xếp hạng quốc tế như hiện nay vẫn còn rất ít (mới chỉ có 4/31 DN bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm được A.M Best xếp hạng). Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, tính minh bạch và việc nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài của các DN bảo hiểm. 

Theo (ĐTCK)

{fcomment}

Comments are closed.