10 yếu tố ảnh hưởng tới ngành bảo hiểm ô tô và bảo hiểm P&C

(Webbaohiem) – Bảo hiểm là một ngành kinh doanh sôi động và đầy thách thức, trong đó rủi ro và lợi ích liên tục thay đổi. Tại Hội thảo về Khiếu nại bảo hiểm năng lượng do J.D. Power tổ chức gần đây tại Chicago, Hoa Kỳ, các phân tích đã chỉ ra 10 nhân tố chính có ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm ô tô và bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) trong vòng 3 đến 5 năm tới.

10 nhân tố ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm ô tô và bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) cụ thể như sau:

1.  Công nghệ

Công nghệ là nhân tố chính đem đến sự hài lòng của khách hàng, từ việc điện thoại di động của khách hàng có thể đồng bộ hóa với hệ thống của ô tô tới sự tiện dụng của chủ hợp đồng trong quá trình liên lạc online với nhà bảo hiểm, hay việc sử dụng thiết bị di động để lấy bản chào phí, điền phiếu yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm và quản lý hợp đồng. Một nghiên cứu trước đây của J.D. Power chỉ ra rằng mức độ đồng bộ hóa giữa công nghệ lái xe và bản thân chiếc xe là nhân tố chính quyết định việc khách hàng sẽ tiếp tục mua lại chiếc xe đó ở lần mua tiếp theo.

 

Việc sử dụng điện thoại di động tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các vụ tai nạn ô tô – chiếm tới 26% trong tổng số nguyên nhân tai nạn năm 2014, trong đó 5% do nhắn tin và 21% liên quan đến việc nói chuyện điện thoại khi đang điều khiển xe. Chỉ trong vòng 5 giây trên đường cao tốc, khi người lái xe rời mắt khỏi đường giao thông để nhắn tin, chiếc xe có thể đi được 403 feet (123m) với tốc độ 55 dặm/h (88,5km/h) – dài hơn chiều dài của một sân bóng đá. Dẫu rằng hầu hết lái xe không nhắn tin khi đang lái xe với tốc độ như vậy, thì thậm chí ở vận tốc 20 dặm/h (32km/h), chiếc xe vẫn có thể đi được tới 100 yard (91m).

Tại Hoa Kỳ, mặc dù luật pháp tại nhiều bang cấm gọi điện và nhắn tin khi đang điều khiển xe, song lái xe vẫn tiếp tục vi phạm. Và đó chính là vấn đề đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Công nghệ tiếp tục là thách thức với ngành bảo hiểm vì công nghệ liên tục thay đổi và nó cho phép con người thao tác nhiều hơn với các thiết bị di động.

2. Ô tô sản xuất từ nhôm và nhựa tổng hợp 

Để đáp ứng yêu cầu về tiết kiệm nhiên liệu, các hãng xe ngày càng phải sử dụng nhôm nhiều hơn trong quá trình sản xuất. Đến năm 2025, trung bình một chiếc ô tô sẽ có thành phần nhôm chiếm từ 343 pound đến 550 pound. Hiện nay, nhôm chủ yếu được sử dụng để sản xuất bánh xe và động cơ, song trong thời gian tới sẽ được dùng phổ biến hơn để chế tạo cốp xe, mui xe, cửa và trong một số trường hợp là toàn bộ thân xe.

Hồi đầu năm nay, hãng Ford đã giới thiệu ra thị trường mẫu xe bán tải F-150 làm từ nhôm. Bên cạnh đó, Audi, BMW và Mercedes cũng đã giới thiệu các mẫu xe khác làm từ nhôm. Việc tăng cường sử dụng nhôm nguyên liệu trong sản xuất xe hơi sẽ tiềm tàng các cơ hội mới cho ngành bảo hiểm liên quan đến mức độ nghiêm trọng của các khiếu nại bồi thường và chi phí sửa chữa.

Ảnh: Xe Ford F-150 đời 2015

Viện Nghiên cứu Tổn thất giao thông đường bộ (HDLI) của Hoa Kỳ tiến hành 3 phân tích độc lập về dữ liệu tai nạn xe ô tô nhằm đánh giá ảnh hưởng của thành phần nhôm tới chi phí sửa chữa và bồi thường bảo hiểm. Trên cơ sở dữ liệu tổn thất của các xe siêu sang từ  BMW, Mercedes và Audi giai đoạn 1997 đến 2013, HDLI đã đánh giá về sự khác biệt giữa ô tô làm từ nhôm và từ thép.

Ảnh: Xe Mercedes Benz S-Class

Nghiên cứu thứ nhất tiến hành đối với các mẫu xe Audi A8, BMW 7 và Mercedes Benz S-Class, dựa trên 67.756 khiếu nại đâm va. Kết quả cho thấy mức độ nghiêm trọng trong các vụ tai nạn của xe Audi A8 làm từ nhôm cao hơn 14% so với xe tương tự làm từ thép. Số vụ khiếu nại có thể sửa chữa được của Audi A8 cao hơn 13% so với các xe tương tự. Lợi thế của Audi là tổng giá trị tổn thất chỉ cao hơn 1,12 lần so với BMW hay Mercedes. Tỷ lệ thu hồi xe sau tai nạn của cả 3 hãng xe là dưới 10%.

 

(Photo: Thinkstock)

Nghiên cứu thứ hai so sánh các xe Audi A6, dòng xe BMW 5, Mercedes Benz E class và Jaguar XJ các đời từ 1997-2013 với dữ liệu về 281.000 khiếu nại đâm va. Các mẫu xe được so sánh gồm 3 loại: các xe có thành phần nhôm thấp – chủ yếu trong động cơ, mui xe và chắn bùn; các xe có thành phần nhôm trung bình: nhôm có trong trần xe, bơm dầu và hệ thống treo; và các xe có thành phần nhôm cao: sử dụng tại hầu hết các bộ phận trong tổng thành xe.

Kết quả cho thấy, xét về mức độ nghiêm trọng của tổn thất, các xe có thành phần nhôm cao có tỷ lệ này cao hơn 20%, so với xe có thành phần nhôm trung bình là 9%. Về các khiếu nại có thể sửa chữa: ở xe có thành phần nhôm cao, tỷ lệ này là 19% so với 5% của xe có thành phần nhôm trung bình. Ưu thế duy nhất của dòng xe có thành phần nhôm cao là tổng giá trị tổn thất chỉ cao hơn 1,19 lần – so với 1,24 lần của xe có thành phần nhôm trung bình.

Nghiên cứu thứ ba so sánh các xe dòng BMW 5 (đời 2004-2010) và tiến hành một số so sánh cụ thể về ảnh hưởng lên từng khu vực của xe: sườn xe, phía trước, phía sau. Đối với các vụ tai nạn đâm va phía trước, tổn thất đối với xe sử dụng nhôm cao hơn 20% so với xe khung thép. Đối với tai nạn đâm va vào sườn xe, tổn thất của xe sử dụng nhôm cao hơn 10%. Còn đối với tain nạn đâm va phía sau, sự khác biệt là không đáng kể. Nghiên cứu đã kết luận rằng mức độ nghiêm trọng của tổn thất đối với ô tô sử dụng nguyên liệu nhôm cao hơn so với xe dùng nguyên liệu thép, và càng dùng nhiều nhôm thì tổn thất càng lớn hơn.

Tuy nhiên, do ngày càng có nhiều garage được trang bị phương tiện để sửa xe có thành phần nhôm nên chi phí sửa chữa đang giảm dần. Hiện nay, chi phí đào tạo và trang thiết bị cho hoạt động sửa chữa xe có thành phần nhôm là khá cao vì phải thiết lập khu vực sửa chữa xe nhôm tách biệt với khu vực sửa chữa xe thép, đồng thời việc sửa xe có thành phần nhôm đòi hỏi các dụng cụ và kỹ thuật đặc thù.

(Hết Phần 1. Mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2).

Thu Phương (Theo Propertycasualty360).

 

Comments are closed.