Tổng quan Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012

Ngành bảo hiểm tiếp tục chịu khó khăn, thách thức của nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ ở mức dưới 3%, đầu tư công chưa tới 34% GDP và tiếp tục hạn chế chi tiêu công. Ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu bảo hiểm tài sản của doanh nghiệp và các tổ chức hành chính sự nghiệp, bảo hiểm xây dựng lắp đặt cho các công trình hình thành tài sản cố định…

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Sáu tháng đầu năm 2012, GDP tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011, FDI đạt 6.384 tỉ USD, tăng 72,3% so với cùng kỳ năm 2011. Xuất khẩu đạt 53,4 tỉ USD, tăng 22,3%, nhập khẩu đạt 53,8 tỉ USD, tăng 6,9%. Nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn về đầu ra, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm, tồn kho cao, hơn 40.000 doanh nghiệp dừng hoạt động. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 giảm và tháng 7 tiếp tục giảm. Ngân hàng nhà nước chỉ đạo sát sao giảm lãi suất huy động xuống 9%, lãi suất cho vay 12% và điều chỉnh lãi suất các khoản vay trước đó xuống dưới 15%, từ đó tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho đối tượng chịu thuế 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giãn thuế GTGT nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người làm công ăn lương.

Ngành bảo hiểm tiếp tục chịu khó khăn, thách thức của nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ ở mức dưới 3%, đầu tư công chưa tới 34% GDP và tiếp tục hạn chế chi tiêu công. Ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu bảo hiểm tài sản của doanh nghiệp và các tổ chức hành chính sự nghiệp, bảo hiểm xây dựng lắp đặt cho các công trình hình thành tài sản cố định.

Thu nhập thực tế người lao động đã giảm đi đáng kể nên số tiền tích lũy tiết kiệm giành cho bảo hiểm nhân thọ cũng bị ảnh hưởng rõ rệt.

Các sản phẩm bảo hiểm mới thực hiện theo chủ trương chính sách của nhà nước như thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm trách nhiệm cơ sở khám chữa bệnh đang được khởi động triển khai một cách tích cực. Các DNBH đã chú ý phát triển sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của bảo hiểm tài sản cá nhân và các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm – một thị trường lớn đang bỏ ngỏ.

Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành thông tư thay thế Thông tư 155, Thông tư 156, Thông tư 86, nâng cao hơn nữa chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính đang xúc tiến sửa đổi Thông tư 126, Thông tư 103 hoàn thiện hơn nữa chế độ BHBB TNDS chủ XCG và soạn thảo thông tư hướng dẫn chế độ kế toán trong DNBH Nhân thọ, DNBH Phi nhân thọ.

II. THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu 11.513 tỉ đồng tăng trưởng 12,68%, nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài 281 tỉ đồng, tái bảo hiểm ra nước ngoài 3.235 tỉ đồng. Nhìn chung các nghiệp vụ đều tăng trưởng trong đó bảo hiểm nông nghiệp tăng 1.406%, bảo hiểm dầu khí tăng 11.017%, bảo hiểm thiết bị điện tử tăng 237%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính tăng 133%.

Dẫn đầu là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 3.168 tỉ đồng, bảo hiểm tài sản thiệt hại 2.697 tỉ đồng, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người 1.631 tỉ đồng bảo hiểm xây dựng lắp đặt 1.474 tỉ đồng, bảo hiểm dầu khí 1.101tỉ đồng.

Dẫn đầu doanh thu khai thác bảo hiểm gốc là PVI 2.800 tỉ đồng, Bảo Việt 2.547 tỉ đồng, Bảo Minh 1.099 tỉ đồng, PJICO 950 tỉ đồng, PTI 890 tỉ đồng.

Năng lực bảo hiểm sau khi trừ tái bảo hiểm dẫn đầu là Bảo Việt 1.955 tỉ đồng, PVI 1.275 tỉ đồng, Bảo Minh 891 tỉ đồng, PJICO 794 tỉ đồng, PTI 599 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu cao là Cathay 349%, Samsung Vina 106%, PTI 87%, Groupama 74%.

Bồi thường bảo hiểm gốc toàn thị trường 4.109 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 35,69%, rủi ro cao vẫn là bảo hiểm máy móc thiết bị với tỉ lệ 70,38%, bảo hiểm xe cơ giới 49,38%, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người 48,95%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao là QBE 168,04%, Hùng Vương 85,64%, Fubon 77,10%, Liberty 65,18%, Bảo Minh 47,60%.

1. Bảo hiểm xe cơ giới

Bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 3.168 tỉ đồng tăng trưởng 2,22% so với cùng kỳ, bồi thường 1.565 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 49%. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 820 tỉ đồng, PJICO 487 tỉ đồng, PTI 340 tỉ đồng, Bảo Minh 308 tỉ đồng, PVI 245 tỉ đồng.

Tỉ lệ bồi thường có rủi ro cao là Hàng Không 94%, Liberty 71%, AAA 62%, Bảo Ngân 58%, Chartis 58%.

Bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đạt doanh thu 663 tỉ đồng. Dẫn đầu là Bảo Việt 172 tỉ đồng, PJICO 126 tỉ đồng, Bảo Minh 97 tỉ đồng, PVI 69 tỉ đồng. Tổng số tiền bồi thường 240 tỉ đồng tỉ lệ bồi thường 36%. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là Hùng Vương 51%, Hàng Không 53%, Bảo Việt 53%.

2. Bảo hiểm tài sản thiệt hại

Bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt doanh thu 2.697 tỉ đồng tăng trưởng 0,66% so với cùng kỳ, bồi thường 726 tỉ đồng chiếm tỉ lệ 26%. Các doanh nghiệp doanh thu cao là PVI 1.347 tỉ đồng, PTI 336 tỉ đồng, Bảo Việt 233 tỉ đồng, Samsung Vina 175 tỉ đồng, Bảo Minh 127 tỉ đồng. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là Baoviet Tokio Marine 126%, Pjico 79%, MIC 76%, UIC 94%.

3. Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người

Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt doanh thu 1.631 tỉ đồng, tăng trưởng 24,13%. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 602 tỉ đồng, Bảo Minh 205 tỉ đồng, PVI 194 tỉ đồng, PTI 115 tỉ đồng, ABIC 93 tỉ đồng. Số tiền đã giải quyết bồi thường 798 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 49%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao là Hàng Không 88%, Hùng Vương 82%, Bảo Long 62%, Pjico 62%, Bảo Minh 59%. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn hấp dẫn với đối tượng khách hàng có thu nhập cao.

Tuy nhiên, hiện tượng trục lợi bảo hiểm vẫn xảy ra khi các DNBH chưa thể kiểm soát chặt chẽ khâu điều trị khi thanh toán bằng hóa đơn mua thuốc, viện phí điều trị kỹ thuật cao.

4. Bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu

Bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu đạt doanh thu 1.071 tỉ đồng, tăng trưởng 1,57%, trong đó tái bảo hiểm trong nước 238 tỉ đồng, tái bảo hiểm nước ngoài 326 tỉ đồng. Các DNBH dẫn đầu về doanh thu gồm PVI 392 tỉ đồng, Bảo Việt 265 tỉ đồng, Bảo Minh 133 tỉ đồng, Pjico 112 tỉ đồng, BIC 33 tỉ đồng. Số tiền bồi thường toàn nghiệp vụ 344 tỉ đồng, chiếm 32%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao là Pjico 66%, Bảo Việt 55%, SVIC 55%, Bảo Long 44%.

Tình hình tài chính của nhiều chủ tàu chưa được cải thiện nên việc trả lương, chi phí duy trì tàu đủ cấp hạng đã đăng kiểm đang gặp khó khăn, tạo nguy cơ gia tăng rủi ro cao. Tàu chạy ở vùng biển Trung Quốc có rủi ro lớn nếu phải thực hiện các lệnh của nhà chức trách Trung Quốc khi tàu bị tổn thất hoặc xét xử theo Luật Trung Quốc. Chủ tàu nợ nhiều phí của DNBH này sau đó vẫn được DNBH khác chấp nhận bảo hiểm thậm chí còn ưu ái hơn. Điều này thể hiện sự không hợp tác giữa các doanh nghiệp.

5. Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản

Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản đạt doanh thu 1.161 tỉ đồng, tăng 87,80% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu doanh thu gồm PVI 364 tỉ đồng, Bảo Minh 208 tỉ đồng, Bảo Việt 126 tỉ đồng, Pjico 74 tỉ đồng, UIC 50 tỉ đồng. Số tiền giải quyết bồi thường 348 tỉ đồng, chiếm 30% doanh thu. Các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao gồm: Hùng Vương 398%, Bảo Long 157%, Hàng Không 152%, Fubon 106%, Bảo Minh 86%. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 254 tỉ đồng, dẫn đầu là Bảo Việt 60 tỉ đồng, Bảo Minh 39 tỉ đồng, UIC 25 tỉ đồng, Fubon 24 tỉ đồng, MSIG 25 tỉ đồng. Bồi thường toàn thị trường 14 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 6%.

6. Bảo hiểm Xây dựng – Lắp đặt

Bảo hiểm Xây dựng – Lắp đặt đạt doanh thu 1.474 tỉ đồng, giảm 44% phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu doanh thu gồm PTI 336 tỉ đồng, PVI 245 tỉ đồng, Samsung Vina 175 tỉ đồng, Bảo Minh 127 tỉ đồng, Bảo Việt 127 tỉ đồng. Số tiền giải quyết bồi thường 376 tỉ đồng, chiếm 26% doanh thu. Các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao gồm Baoviet Tokio Marine 140%, UIC 94%, MIC 81%, Pjico 79%.

Tình hình cạnh tranh phi kỹ thuật (hạ phí, mở rộng điều khoản, điều kiện) vẫn xảy ra gay gắt. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa kiên quyết thực hiện và đòi hỏi môi giới thực hiện Mẫu đơn bảo hiểm Xây dựng – Lắp đặt do Hiệp hội ban hành từ đó tác động đến chủ dự án, chủ đầu tư, chủ thầu áp dụng. Sự hợp tác của các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên trong Hiệp hội chưa cao nhằm xây dựng một thị trường lành mạnh hơn nhằm hạn chế đẩy lùi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

7. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 915 tỉ đồng, tăng 9,11%, tái bảo hiểm trong nước đạt 150 tỉ đồng, tái bảo hiểm ra nước ngoài 228 tỉ đồng. Các DNBH có doanh thu cao gồm Samsung Vina 182 tỉ đồng, Bảo Việt 179 tỉ đồng, Pjico 122 tỉ đồng, PVI 82 tỉ đồng, Bảo Minh 60 tỉ đồng. Tỉ lệ bồi thường chiếm 24% tương đương 215 tỉ đồng. Các doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao gồm ABIC 121%, BIC 101%, Hàng Không 53%.

Cạnh tranh phi kỹ thuật trong bảo hiểm hàng hóa lại tiếp tục tái diễn đặc biệt là hàng xá. Đã có trường hợp trên tàu chở hàng xá của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng giám định, doanh nghiệp bảo hiểm có khấu trừ cao không phải bồi thường còn doanh nghiệp bảo hiểm có khấu trừ thấp lại phải bồi thường.

8. Các sản phẩm bảo hiểm khác

Bảo hiểm hàng không đạt doanh thu 479 tỉ đồng, (tăng 51,65%), bồi thường 15 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 3,31%,

Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đạt doanh thu 49 tỉ đồng (tăng 42,72%), bồi thường 7 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 14,87%,

Bảo hiểm trách nhiệm chung đạt doanh thu 260 tỉ đồng (tăng 7,31%), bồi thường 83 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 32,03%,

Nhìn chung, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục cạnh tranh gay gắt. Cạnh tranh bằng hạ phí mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm để giành giật khách không tương xứng với rủi ro chấp nhận bảo hiểm đã làm cho nhiều DNBH nhiều năm liên tục thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm.

III. THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ

1. Số lượng hợp đồng bảo hiểm:

Số lượng hợp đồng khai thác mới trong 06 tháng 2012 đạt mức tăng trưởng cao với 427.792 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó Prudential khai thác được 142.415 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 80.512 hợp đồng, Prevoir là 49.842 hợp đồng.

Cơ cấu số lượng hợp đồng khai thác mới sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2012 như sau: hỗn hợp chiếm 39,8%, tử kỳ chiếm 35,8% đầu tư chiếm 23,9%, sản phẩm trọn đời, sản phẩm sinh kỳ và sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,5%.

Số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực (sản phẩm chính) trong 6 tháng đầu năm là 48.061 hợp đồng tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng khôi phục cao là Prudential: 36.192 hợp đồng, Manulife 6.699 hợp đồng, Dai-ichi là 2.635 hợp đồng.

Nhóm sản phẩm khôi phục nhiều nhất là: Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (50%), sản phẩm tử kỳ (43,6%) và sản phẩm bảo hiểm đầu tư (5,31%).

Số lượng hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ là 390.162 hợp đồng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có số hợp đồng hết hiệu lực nhiều trên thị trường là Prudential với 160.828 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 113.475 hợp đồng, Manulife là 33.148 hợp đồng

Nhóm sản phẩm hết hiệu lực nhiều nhất gồm sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm 63,6%, sản phẩm tử kỳ 23,7%, sản phẩm đầu tư chiếm 9,4% hợp đồng.

Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ là 4.563.480 hợp đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng có hiệu lực lớn là Prudential 1.941.350, Bảo Việt Nhân thọ là 1.260.839 hợp đồng, Manulife là 368.819 hợp đồng.

2. Số tiền bảo hiểm:

Tổng mức trách nhiệm mà các DNBH Nhân thọ đang nắm giữ là 513 nghìn tỉ đồng tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 375 nghìn tỉ đồng tăng 26%, mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 138 nghìn tỉ đồng tăng 30%. Nhóm sản phẩm bảo hiểm có mức trách nhiệm cao nhất là sản phẩm đầu tư với tổng mức trách nhiệm là 192 ngàn tỉ.

Các doanh nghiệp có tổng mức trách nhiệm cao trên thị trường bảo hiểm là: Prudential 145 ngàn tỉ, Dai-ichi Life 84 ngàn tỉ và ACE Life là 78 ngàn tỉ đồng.

3. Phí bảo hiểm:

Phí bảo hiểm định kỳ năm đầu trong 06 tháng đầu năm 2012 đạt 2.215 tỉ đồng tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, phí bảo hiểm đóng một lần là 31 tỉ đồng tăng 42,8%. Tổng phí khai thác mới trong 6 tháng đầu năm đạt 2.246 tỉ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential với 564 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ có phí bảo hiểm khai thác mới là 535 tỉ đồng, Manulife là 316 tỉ đồng.

Tổng phí bảo hiểm toàn thị trường là 8.062 tỉ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường là: Prudential với 2.928 tỉ đồng chiếm 36,32% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ với 2.229 tỉ đồng chiếm 27,66% thị phần, Manulife với 986 tỉ, chiếm 12,23% thị phần.

Nhóm sản phẩm có tỉ trọng sản phẩm phí cao vẫn là sản phẩm hỗn hợp chiếm 70,32% (5.669 tỉ đồng), sản phẩm đầu tư là 20,4% (1.645 tỉ đồng), sản phẩm phụ chiếm 6,16% (497 tỉ đồng).

4. Trả tiền bảo hiểm:

Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi cho các khách hàng trong 6 tháng năm 2012 là 4.005 tỉ đồng.

Tổng số trả tiền bảo hiểm đạt 2.628 tỉ đồng, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có số tiền chi trả cao cho khách hàng gồm Bảo Việt là 1.324 tỉ đồng, Prudential với 762 tỉ đồng, Manulife với 195 tỉ đồng.

Tổng số giá trị hoàn lại là 994 tỉ đồng, Prudential là doanh nghiệp có giá trị hoàn lại cao nhất thị trường với 409 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 286 tỉ đồng tiếp theo là Manulife 142 tỉ đồng.

5. Số lượng đại lý bảo hiểm.

Tính đến hết tháng 6 năm 2012, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 219.191 người tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 112.847 người, Bảo Việt Nhân thọ là 26.477 người và AIA 16.537 người.

Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong 06 tháng đầu năm 2012 là: 71.861 người tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential (25.005 người), AIA (9.780 người) và Bảo Việt Nhân thọ (8.225 người).

 (Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam)

 

Comments are closed.