TIÊU ĐIỂM TUẦN 38

Bổ nhiệm Chủ tịch FWD Việt Nam; Munich Re tái cấu trúc khối kinh doanh Đông Nam Á; Myanmar mở cửa thị trường bảo hiểm

tin bao hiem tuan 38

 

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Xe buýt phát nổ, bốc cháy dữ dội trên đường Lạc Long Quân

tin bao hiem tuan 38(Thanhnien) – Lúc 11 giờ 20 phút trưa ngày 25.9, chiếc xe buýt chạy tuyến số 13 mang biển kiểm soát 29B – 046.67 đang lưu thông trên đường Lạc Long Quân – An Dương Vương – Âu Cơ, khi đến đoạn rẽ vào Công viên nước Hồ Tây (trước cửa số nhà 314 Lạc Long Quân) thì đột nhiên có tiếng phát nổ và sau đó bốc cháy dữ dội.

Do được phát hiện kịp thời, nên tài xế và phụ xe chiếc xe buýt số 13 đã nhanh chóng táp chiếc xe buýt vào lề đường, rồi đạp phanh, dừng phương tiện, để khoảng 20 hành khách chạy xuống xe thoát thân, nên không có thiệt hại về người.

Theo những người dân chứng kiến vụ hỏa hoạn cho biết, thời điểm đó họ đang lưu thông trên đường thì đột nhiên thấy chiếc xe buýt chạy tuyến số 13 bốc cháy. Do thời tiết hanh khô, nắng nóng, kèm gió to nên chỉ trong thời gian ngắn ngọn lửa đã lan rộng ra khắp chiếc xe buýt. Chứng kiến vụ hỏa hoạn, nhiều người dân đã dùng điện thoại thông tin cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Khi chiếc xe buýt được dừng lại, hàng chục hành khách có mặt trên xe đã được sơ tán khẩn trương để đảm bảo an toàn. Trong khi đó nhiều người dân khác cùng lái xe và phụ xe đã khẩn trương dùng mọi thiết bị hiện có để dập lửa, nhưng bất thành. Trong ít phút, toàn bộ chiếc xe buýt đã bị ngọn lửa bao trùm.

11 giờ 25 phút, lực lượng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 6 nhận được thông tin về vụ cháy xe buýt, liền lập tức điều động 2 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ tới hiện trường dập lửa.

Cùng thời điểm, Công an quận Tây Hồ, Đội Cảnh sát giao thông số 2 (Công an TP.Hà Nội) cũng có mặt, phối hợp phân luồng, điều tiết giao thông, bảo vệ hiện trường…

Tới 11 giờ 45 phút, vụ cháy đã được dập tắt. Theo Công an quận Tây Hồ, vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, nhưng chiếc xe buýt đã bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn. Thông tin ban đầu, nguyên nhân vụ cháy xe buýt là do chập điện, gây phát nổ.

Hiện vụ việc tiếp tục được Công an quận Tây Hồ điều tra làm rõ.

2. Một vòng doanh nghiệp

Ông David Wong làm Chủ tịch FWD Việt Nam

tin bao hiem tuan 38(ĐTCK) – Tập đoàn bảo hiểm FWD (FWD), thuộc Tập đoàn Pacific Century có trụ sở tại châu Á, chính thức thông báo bổ nhiệm ông David Wong vào vị trí Chủ tịch FWD Việt Nam.

Ông David gia nhập FWD năm 2013, hiện đang là Tổng giám đốc Công ty FWD Hồng Kông và Macau, thành viên Ban Giám đốc FWD Trung Quốc.

Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm tại nhiều quốc gia khắp châu Á và đã từng là Tổng giám đốc Manulife Việt Nam. Ông cũng là chuyên gia về cải cách lương hưu trong khu vực châu Á và đã tư vấn cho một số cơ quan chính phủ trong khối ASEAN về việc phát triển bảo hiểm vi mô và tài chính các vùng nông thôn – thuộc chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc.

Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch FWD Việt Nam, ông David sẽ giám sát toàn bộ hoạt động kinh doanh của FWD tại Việt Nam cũng như hỗ trợ tư vấn về môi trường quản lý, quản trị rủi ro nội bộ và những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

1.000 tỷ đồng bảo hiểm dự án Pullman Phú Quốc

tin bao hiem tuan 38(TBTCO) – Trong khuôn khổ lễ ký kết hợp đồng tài trợ tín dụng dự án khu nghỉ dưỡng Pullman Phú Quốc, Công ty Bảo hiểm BIDV Miền Tây (BIC Miền Tây) và Công ty Cổ phần Milton đã ký kết hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng trong quá trình thi công dự án khách sạn Pullman Phú Quốc.

Tổng mức trách nhiệm của BIC theo hợp đồng này lên tới trên 1.000 tỷ đồng.

Dự án khách sạn Pullman Phú Quốc do Công ty cổ phần Milton làm chủ đầu tư và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Phú Quốc tài trợ vốn.

Dự án được xây dựng tại khu phức hợp Bãi Trường tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Với tổng diện tích hơn 82 ha, Pullman Phú Quốc được đánh giá là khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch, thương mại của khách du lịch trong và ngoài nước tại Phú Quốc.

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Lương Nhã Khanh, Giám đốc Công ty BIC Miền Tây, cam kết sẽ mang đến cho Công ty cổ phần Milton và các đối tác dịch vụ bảo hiểm với chất lượng tốt nhất, là lá chắn tài chính vững chắc cho khách hàng trước mọi rủi ro trong suốt quá trình thi công dự án khách sạn Pullman Phú Quốc.

Bảo hiểm PVI và Maritime Bank hợp tác toàn diện

tin bao hiem tuan 38(ĐTCK) – Chiều ngày 22/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương toàn diện giữa Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Maritime Bank.

Theo đó, Maritime Bank sẽ cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp như dịch vụ tài khoản, dịch vụ thẻ, dịch vụ ngoại hối, dịch vụ thu-chi hộ… và dành nhiều ưu đãi chuyên biệt không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ cán bộ nhân viên của Bảo hiểm PVI.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm PVI sẽ thiết kế và cung cấp các dịch vụ bảo hiểm phù hợp, ưu đãi cho cán bộ nhân viên và khách hàng của Maritime Bank như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm phương tiện vận tải…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI khẳng định: “Qua thỏa thuận hợp tác song phương, Bảo hiểm PVI và Maritime Bank có thể khai thác tối đa lợi thế trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ đồng thời thúc đẩy mọi hoạt động tài chính song phương, góp phần nâng cao vị thế của hai bên trên thị trường tài chính – ngân hàng – bảo hiểm”.

Ông Phùng Đắc Lộc được bổ nhiệm Giám đốc Quỹ của Dai-ichi Life

tin bao hiem tuan 38(ĐTCK) – Chiều ngày 20/9, tại lễ công bố Quỹ Trách nhiệm Xã hội “Vì Cuộc Sống Tươi Đẹp” của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (“Dai-ichi Life Việt Nam”), ông  Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã chính thức ra mắt trong vai trò mới là Giám đốc quỹ này.

Quỹ Trách nhiệm Xã hội “Vì Cuộc Sống Tươi Đẹp” là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự trang trải kinh phí. Quỹ được thành lập với mục đích hỗ trợ cộng đồng địa phương trên các lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe y tế, môi trường và các hoạt động xã hội từ thiện khác nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giúp xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Quỹ có tổng tài sản trị giá 20,005 tỷ đồng, do 3 sáng lập viên (gồm Dai-ichi Life Việt Nam, công ty Quản lý Quỹ Dai-ichi Life Việt Nam và ông Huỳnh Hữu Khang, Phó tổng giám đốc Điều hành Dai-ichi Life Việt Nam) góp vốn 10,005 tỷ đồng và Công ty Dai-ichi Life Nhật Bản đóng góp 10 tỷ đồng.

Quỹ sẽ chủ trương kêu gọi sự chia sẻ và đóng góp từ các nguồn vận động tài trợ và đóng góp hoàn toàn tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để cùng chung tay hỗ trợ mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam.

Dai-ichi Life Việt Nam tăng trưởng 60% doanh thu phí khai thác mới

tin bao hiem tuan 38(ĐTCK) – Ông  Takasahi Fujii, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, 8 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng trưởng 48% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm được khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu về mức độ tăng trưởng so với các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top đầu thị trường về thị phần.

Sau hơn 9 năm hoạt động, Dai-ichi Life Việt Nam là 1 trong 4 công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam về tổng doanh thu phí bảo hiểm, phục vụ hơn 1 triệu khách hàng thông qua đội ngũ trên 800 nhân viên và gần 60.000 tư vấn tài chính chuyên nghiệp; đứng vị trí thứ 3 với hệ thống 185 văn phòng và tổng đại lý rộng khắp toàn quốc.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Ban hành Bộ Tiêu chuẩn đạo đức đại lý BHNT

tin bao hiem tuan 38(TBTCO) – Trên cơ sở lấy ý kiến của tất cả doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ, mới đây Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBHVN) đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn đạo đức dành cho đại lý bảo hiểm (BH) nhân thọ. Bộ Tiêu chuẩn đã quy định cụ thể nguyên tắc ứng xử và hành nghề của đại lý, và được sử dụng làm cơ sở cho việc xác định các hành vi sai phạm, đi ngược với lợi ích của người tham gia BH và lợi ích chung của thị trường.

Theo đại diện HHBHVN, việc ban hành Bộ Tiêu chuẩn đạo đức dành cho đại lý là rất cần thiết, góp phần quan trọng chấn chỉnh tình trạng vi phạm của một số đại lý hiện nay, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.

Theo đó, Bộ Tiêu chuẩn quy định khi hành nghề, đại lý BH phải đáp ứng đủ điều kiện quy định theo Luật Kinh doanh BH và có hợp đồng đại lý với một doanh nghiệp BH.

Đại lý cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đại lý BH, các quy định theo hợp đồng đại lý đã ký kết, các quy định đang áp dụng đối với hoạt động đại lý BH của HHBHVN, và các quy định của DNBH. Đồng thời phải bảo mật các thông tin liên quan đến người tham gia BH và DNBH; không sử dụng thông tin có được trong quá trình hoạt động đại lý vào bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc sử dụng cho hoạt động đại lý của bản thân.

Đại lý sẽ bị cấm các hành vi như: Đồng thời làm đại lý cho DNBH khác khi không có sự đồng ý của DNBH đang làm đại lý; chiếm dụng phí liên quan đến hợp đồng BH gồm phí BH, tiền đóng thêm vào các quỹ đầu tư, tiền hoàn trả, tiền vay từ hợp đồng BH, tiền chi trả quyền lợi BH; thông tin, quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của DNBH; điều kiện điều khoản BH làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua BH…

Theo HHBHVN, Bộ Tiêu chuẩn này được áp dụng cho tất cả các đại lý BH, nếu đại lý không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định trong Bộ Tiêu chuẩn sẽ bị xử lý theo Quy chế quản lý đại lý và sử dụng thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu đại lý hợp nhất (được ban hành theo Quyết định số 030/QĐ/BCH/HHBHVN ngày 9/12/2015).

Bên cạnh đó, để chuẩn hóa kênh phân phối BH nhân thọ qua ngân hàng, HHBHVN cùng các DNBH đã thống nhất ban hành Quy chế quản lý nhân viên tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD nước ngoài tham gia tư vấn, bán BH nhân thọ. Quy chế đưa ra các chuẩn mực chung của nhân viên TCTD như: Đặt quyền lợi của khách hàng mua BH lên trên quyền lợi của mình, tôn trọng và quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; trung thực, liêm chính…

Bên cạnh đó, nhân viên TCTD phải đảm bảo rằng khách hàng được giới thiệu cho DNBH có nhu cầu nhận tư vấn, mua BH nhân thọ. Nhân viên TCTD cũng phải đảm bảo khách hàng đồng ý cho phép TCTD chuyển các thông tin cá nhân của khách hàng cho DNBH để thực hiện việc tư vấn/bán BH nhân thọ….

Đối với quy định chào bán BH, nhân viên TCTD thực hiện việc chào bán BH phải có Chứng chỉ đào tạo đại lý BH và phải tham gia các khóa đào tạo theo yêu cầu của DNBH và chỉ được chào bán các sản phẩm mà nhân viên TCTD đã được đào tạo và được cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

Về xử lý vi phạm, TCTD có ký hợp đồng đại lý BH với DNBH phải xây dựng quy trình xử lý vi phạm đối với nhân viên TCTD bán BH nhân thọ nhằm xử lý các nhân viên vi phạm các nguyên tắc hoạt động quy định tại Quy chế. Trường hợp phát hiện nhân viên ngân hàng vi phạm Quy chế, các DNBH có thể gửi công văn thông báo cho ngân hàng đề nghị nhắc nhở hoặc cao nhất là đề nghị ngân hàng đó không được sử dụng nhân viên đó trong hoạt động bán các sản phẩm BH của DNBH.

HHBHVN khuyến khích các DNBH nhân thọ hội viên của HHBHVN áp dụng các nguyên tắc này khi ký kết hợp đồng đại lý BH với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm đảm bảo các TCTD tuân thủ những quy định tương ứng tại Quy chế trong việc quản lý nhân viên của họ khi tham gia tư vấn, bán bảo hiểm nhân thọ.

Doanh nghiệp phải đăng ký biểu phí bảo hiểm xe cơ giới trước khi triển khai

tin bao hiem tuan 38(TBTCO) – Nghị định số 73/2016/NĐ-CP (NĐ73) quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm vừa được ký ban hành. NĐ73 thay thế Nghị định 45/2007/NĐ-CP ban hành ngày 27/3/ 2007, Nghị định 123/2011/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/ 2011, Nghị định 68/2014/NĐ-CP ban hành ngày 9/7/2014 và Nghị định 46/2007/NĐ-CP ban hành ngày 27/3/2007.

Theo đó, nhiều nội dung chính được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 73/2016/NĐ-CP gồm: Điều 10 về vốn pháp định; khoản 1 Điều 19 về điều kiện mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh; Điều 30 về tiêu chuẩn người đứng đầu các bộ phận nghiệp vụ; Điều 33 tiêu chuẩn của nhân viên môi giới bảo hiểm; Điều 34 về thủ tục bổ nhiệm, thay đổi một số chức danh quản trị, điều hành; Điều 38 về bán sản phẩm bảo hiểm; khoản 7 Điều 39 về công bố sản phẩm bảo hiểm; khoản 3 Điều 40 về phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ; Điều 62 về đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; Khoản 3 Điều 83 về nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm; Khoản 1, khoản 2 Điều 104 về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Về quy định bán sản phẩm bảo hiểm (Điều 38), Nghị định nêu rõ: Doanh nghiệp bảo hiểm (BH), chi nhánh nước ngoài được quyền chủ động bán sản phẩm BH dưới các hình thức: Trực tiếp; thông qua đại lý BH, môi giới BH; thông qua đấu thầu; thông qua giao dịch điện tử và các hình thức khác phù hợp với quy định pháp luật.

Đối với các sản phẩm BH do Chính phủ quy định hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện theo các văn bản hướng dẫn riêng.

Khoản 4, Điều 39 về quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm BH phi nhân thọ quy định: Đối với các sản phẩm BH thuộc nghiệp vụ BH xe cơ giới, doanh nghiệp BH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí với Bộ Tài chính trước khi triển khai. Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố mức phí BH thuần tương ứng với điều kiện và trách nhiệm BH cơ bản làm căn cứ để xác định phí BH.

Đối với các sản phẩm BH phi nhân thọ khác, doanh nghiệp BH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài được phép chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí BH.

Về đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH, Điều 62, NĐ 73 quy định doanh nghiệp BH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài được mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không hạn chế.

Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 35% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; kinh doanh bất động sản theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản tối đa 10% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.

Đối với doanh nghiệp BH nhân thọ, doanh nghiệp BH sức khỏe được mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh không hạn chế.

Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế; mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ tối đa 50% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; kinh doanh bất động sản theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm; góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 20% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ BH.

Khoản 1, khoản 2 Điều 104, NĐ 73 cũng quy định Quỹ bảo vệ người được BH được quản lý tập trung tại Bộ Tài chính (thay vì Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam như trước đây) và được hạch toán, quản lý, theo dõi riêng đối với từng loại hình bảo BH nhân thọ và BH phi nhân thọ, BH sức khỏe. Quỹ bảo vệ người được BH có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.

Bộ Tài chính theo dõi việc trích nộp Quỹ bảo vệ người được BH của các doanh nghiệp BH, chi nhánh nước ngoài; quản lý và sử dụng Quỹ bảo vệ người được BH bảo đảm an toàn vốn và đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật liên quan…

4. Tin đào tạo

Đào tạo nâng cao về nghiệp vụ tái bảo hiểm

tin bao hiem tuan 38(IRT) – Từ ngày 19-22/9/2016, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm tổ chức Khóa đào tạo nâng cao về nghiệp vụ tái bảo hiểm cho các học viên đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đây là khóa nâng cao về nghiệp vụ tái bảo hiểm thứ hai do Trung tâm tổ chức, sau khóa tại Hà Nội từ ngày 06-09/09/2016.

Trong 04 ngày đào tạo, học viên được truyền đạt những kiến thức cơ bản về nguyên lý hoạt động của Tái bảo hiểm, các hình thức hợp đồng và phương thức Tái bảo hiểm và các yếu tố cân nhắc khi xây dựng chương trình tái bảo hiểm tại doanh nghiệp.

Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, giảng viên và các học viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp các vướng mắc trong quá trình triển khai nghiệp vụ tại đơn vị.

5. Tin quốc tế

Năm 2017, Myanmar sẽ mở cửa thị trường bảo hiểm cho doanh nghiệp nước ngoài

tin bao hiem tuan 38(AIR) – Chính phủ Myanmar đang lập kế hoạch mở cửa thị trường bảo hiểm còn non trẻ của mình cho các công ty nước ngoài vào đầu năm tới, đồng thời nới lỏng hạn chế đối với các doanh nghiệp trong nước.

Thời báo Myanmar Times dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ nước này cho biết, động thái này là một phần trong nỗ lực kết hợp nhằm tự do hóa lĩnh vực bảo hiểm, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế.

Theo ông U Thant Zin, quan chức Phòng Quản lý Tài chính, Bộ Tài chính và Kế hoạch Myanmar: “Chúng tôi đang đẩy nhanh quá trình tự do hóa, đồng nghĩa với việc cho phép các công ty nước ngoài”.

Đồng thời, Chính phủ sẽ gỡ bỏ các hạn chế đối với doanh nghiệp trong nước về việc buộc phải cung cấp các sản phẩm cùng loại (thường là không phổ biến) với cùng mức giá.

Chính sách tự do hóa còn bao gồm việc chính phủ sẽ chủ trì các phiên thảo luận cho phép công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài hoặc yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài thành lập liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Chính phủ cũng sẽ quyết định lĩnh vực nào có thể cho phép công ty bảo hiểm nước ngoài cạnh tranh.

Ông U Thant Zin cho biết, đã bắt đầu triển khai các công việc có liên quan đến “lộ trình tự do hóa” nhằm xử lý các vấn đề kể trên, và sẽ trình bày trước Chính phủ vào tháng 12.

Chính phủ cũng đã chấp thuận đề xuất thành lập hiệp hội bảo hiểm nhằm tư vấn cho quá trình tự do hóa. Ông U Thuang Han, thành viên HĐQT công ty bảo hiểm CB Insurance, cho biết, hiệp hội sẽ ra đời trong một vài tháng tới.

“Nếu chúng ta được phép thiết kế sản phẩm (cho riêng mình) và cạnh tranh tự do, chúng ta sẽ không còn phải lo lắng nữa. Vấn đề là ở chỗ, các công ty bảo hiểm nội địa hiện nay không thể tự phát triển sản phẩm và tất cả doanh nghiệp đều phải áp dụng các mức giá phí như nhau”.

Chế độ độc quyền bảo hiểm nhà nước tại Myanmar đã bị dỡ bỏ năm 2013 với việc cho phép 12 công ty bảo hiểm nội địa gia nhập thị trường. Tuy nhiên, họ mới chỉ được phép cạnh tranh về dịch vụ khách hàng.

Sau đó, Chính phủ ra thông báo cho phép công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia vào thị trường. Nhờ vậy, trên 20 công ty bảo hiểm nước ngoài đã mở văn phòng đại diện. Một số hãng bảo hiểm Nhật Bản được cấp giấy phép kinh doanh tại đặc khu kinh tế Thilawa của Myanamar.

Trung Quốc: chỉ 40 triệu người có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn 

tin bao hiem tuan 38(AIR) – Theo ông Huang Hong, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC), chỉ có khoảng 40 triệu người có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn tại đất nước 1,37 tỷ dân.

Phát biểu tại buổi hội thảo hồi đầu tháng 9, ông Huang cho biết, năm 2015, CIRC ủy quyền cho Công ty Quản lý Thông tin bảo hiểm Trung Quốc thực hiện việc đăng ký hợp đồng bảo hiểm của tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm tại nước này. Đến nay, đã có khoảng 1,4 tỷ hợp đồng bảo hiểm được đăng ký trên hệ thống.

“Nhưng tại sao lại có 1,4 tỷ hợp đồng? Vì phần lớn trong số này là hợp đồng ngắn hạn, đặc biệt là các hợp đồng bảo hiểm tai nạn ngắn hạn”, ông Huang nói.

“Tại các quốc gia định hướng thị trường, một người có thể có ít nhất 1 hợp đồng bảo hiểm, hoặc 2 đến 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn. Nhưng tại Trung Quốc, chỉ có không tới 50 triệu người có bảo hiểm như vậy”.

Bangkok Life khởi động kinh doanh tại Campuchia

tin bao hiem tuan 38(IAN) – Sau khi được phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước trong năm nay, công ty bảo hiểm Bangkok Life Assurance của Thái Lan sẽ đặt văn phòng tại Campuchia vào năm 2017 để tiếp cận với thị trường nhiều tiềm năng của quốc gia láng giềng.

Nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch, Bangkok Life sẽ trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ thứ hai hoạt động tại Campuchia, sau đối thủ cạnh tranh lớn hơn là công ty BHNT Muang Thai Life Assurance – đơn vị thành viên của Kasikornbank – đã bắt đầu hoạt động từ tháng 4.

Bangkok Life đang hướng tới việc thành lập văn phòng và tuyển dụng lực lượng bán hàng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Komkai Thusaranon, Quyền Tổng Giám đốc Bangkok Life, cho biết trong thời gian đầu, công ty sẽ cung cấp các chương trình bảo hiểm trọn đời và các gói bảo hiểm tiết kiệm.

Hiện tại, công ty đã có chi nhánh tại Campuchia, công ty BHNT Bangkok Life Assurance (Campuchia), với tỷ lệ sở hữu 52%. Theo lời ông Komkai, công ty cũng đang lập kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại các quốc gia Đông Nam Á.

Bangkok Life là đơn vị thành viên thuộc Bangkok Bank, ngân hàng cho vay lớn nhất Thái Lan. Tính đến hết quý II/2016, Bangkok Life đứng ở vị trí thứ 6 trên thị trường BHNT với thị phần 7,55%.

Hồng Kông khuyến khích ngành bảo hiểm sử dụng fintech

tin bao hiem tuan 38(IAN) – Để nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài như Singapore, chính quyền Hồng Kông đang khuyến khích các công ty môi giới và công ty bảo hiểm tăng cường sử dụng công nghệ tài chính (fintech) với khách hàng của mình.

Theo ông Chan Ka-keung, thư ký dịch vụ tài chính và ngân quỹ, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) và Ủy ban Bảo hiểm đã cho ra mắt các công cụ pháp lý tương tự như “hộp cát” (sandbox) mà Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã giới thiệu hồi đầu tháng này.

Sandbox của HKMA cho phép các ngân hàng thực hiện chương trình chạy thử nhằm giới thiệu công nghệ mới về dịch vụ ngân hàng đối với một số khách hàng lựa chọn mà chưa cần có sự chấp thuận đầy đủ của cơ quan quản lý nhà nước.

Một số doanh nghiệp khởi nghiệp cho biết sandbox này không thực sự phù hợp vì khách hàng của họ không chỉ là ngân hàng. Vì vậy, họ đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và bảo hiểm phát triển công cụ tương tự.

Ông Chan cho biết, chính quyền đã yêu cầu HKMA, SFC và Ủy ban Bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với nhau để khuyến khích sự phát triển của fintech. Mục tiêu của hoạt động này nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể áp dụng công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà không gặp phải các rào cản về pháp lý.

Singapore: doanh thu sản phẩm BHNT trực tiếp đạt thấp 

tin bao hiem tuan 38(IAN) – Từ khi tung ra thị trường hồi tháng 4/2015 đến nay, doanh thu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phân phối trực tiếp (không qua môi giới và trung gian) tại Singapore vẫn đạt thấp.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Singapore (LIA), trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn thị trường mới chỉ có 435 hợp đồng bảo hiểm phân phối trực tiếp (DPI) được ký kết.

Doanh thu khai thác mới hợp đồng DPI trong 6 tháng đạt 371.000 USD, trên tổng số 1,52 tỷ USD của toàn ngành bảo hiểm.

LIA cho biết, 95% doanh thu DPI đến từ các sản phẩm bảo hiểm tử kỳ đóng phí thông thường, số còn lại là các chương trình bảo hiểm trọn đời.

Tổng cộng, mới có khoảng 1.081 hợp đồng DPI được ký kết tính từ thời điểm giới thiệu ra thị trường tháng 4 năm ngoái. Trung bình là 200 hợp đồng/quý.

Các sản phẩm DPI bao gồm bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm trọn đời, trong đó có quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn và quyền chọn bảo hiểm bệnh đặc biệt.

Munich Re tái cấu trúc hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á

tin bao hiem tuan 38(IAN) – Munich Re, nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới, đang tiến hành thu hẹp quy mô kinh doanh tại Hồng Kông đồng thời mở rộng hoạt động tại Bắc Kinh. Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của hãng.

Munich Re cũng dự kiến mở rộng văn phòng tại Singapore nhằm đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á.

Đến nay, hai văn phòng của hãng tại Hồng Kông và Singapore vẫn đang chia sẻ trách nhiệm quản lý khu vực này.

Munich Re sẽ tăng số nhân viên tại Singapore từ con số 200 người hiện nay.

Hãng cũng lên kế hoạch tăng cường hoạt động tại Tokyo và đóng cửa văn phòng tại Thượng Hải và Kuala Lumpur.

Lãnh đạo Munich Re tiết lộ, quá trình tái cấu trúc sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017.

Trong một thông báo phát đi mới đây, hãng cho biết mục tiêu của hoạt động này là tập trung sâu hơn vào các thị trường khu vực, đồng thời tạo lập cấu trúc kinh doanh linh hoạt hơn.

Hầu hết doanh nghiệp bị xâm nhập dữ liệu

tin bao hiem tuan 38(INN) – Rất nhiều doanh nghiệp lớn tại châu Âu bị xâm nhập dữ liệu, nhưng chỉ một số rất nhỏ trong số họ quan ngại về khả năng xảy ra trong tương lai.

Khảo sát của Lloyd’s đối với 346 cán bộ quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp với tổng doanh thu trên 250 triệu Euro, cho thấy 92% số doanh nghiệp bị xâm nhập dữ liệu trong 5 năm qua, nhưng chỉ 42% số doanh nghiệp lo ngại rủi ro này có thể tái diễn trong tương lai.

Về nhân sự lãnh đạo chương trình chống xâm nhập dữ liệu, trong số các doanh nghiệp được phỏng vấn, có 54% là do Tổng Giám đốc, trong khi Giám đốc CNTT chỉ chiếm 10%.

“Rủi ro xâm nhập mạng tăng mạnh trong vòng 5 năm qua. Vì vậy, hiện nay phổ biến tình trạng Tổng Giám đốc trực tiếp điều hành chiến lược an ninh mạng, thay vì Giám đốc CNTT như trước kia”.

Vào năm 2018, Liên minh châu Âu EU sẽ giới thiệu Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) với cá yêu cầu chặt chẽ về xử lý thông tin khách hàng.

Hầu hết (97%) người tham dự phỏng vấn cho biết có nghe về GDPR, nhưng chỉ 7% “biết nhiều” và có tới 57% “biết rất ít” về quy định này, mặc dù quy định này sẽ kéo theo các yêu cầu tuân thủ rất lớn về tài chính và pháp lý.

Khoảng 73% lãnh đạo doanh nghiệp có hiểu biết rất hạn chế về bảo hiểm mạng và 50% thậm chí không biết rằng có các sản phẩm bảo hiểm như vậy trên thị trường.

Bản báo cáo kết luận: “Doanh nghiệp châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng tấn công xâm nhập mạng ngày càng tăng”.

“Việc ban hành GDPR sẽ tập trung vào lĩnh vực an ninh dữ liệu của doanh nghiệp, do cơ quan quản lý nhà nước, cổ đông và khách hàng sẽ thông qua GDPR để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các chuẩn mực cao hơn về an ninh mạng.

“Bằng việc hợp tác với các đối tác chuyên gia, như luật sư, chuyên gia an ninh mạng và bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ có thể hiểu rõ hơn về rủi ro và cách thức giảm thiểu chúng nhằm bảo vệ an toàn cho tài sản của mình”.

BTV (tổng hợp).

 

Comments are closed.