TIÊU ĐIỂM TUẦN 31 NĂM 2017

Lợi nhuận Aon tăng vọt; Big data làm giảm chi phí bảo hiểm tại châu Á; 11.000 khách hàng trúng thưởng “Nắng vàng biển xanh cùng Bảo Việt”

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Tàu hàng đâm chìm tàu cá, 8 ngư dân bị hất văng xuống biển

(VTC News) – Trong lúc ra khơi đánh bắt cá, tàu cá của ngư dân Bình Định bị tàu hàng đâm chìm khiến 8 ngư dân rơi xuống biển.

Chiều 11/8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, tàu cá BĐ- 40086 TS của ông Hồ Chung (trú TP Quy Nhơn) đã cứu vớt và đưa 8 ngư dân gặp nạn ở vùng biển đảo Cù Lao Xanh vào Trạm biên phòng Mũi Tấn (TP Quy Nhơn).

Xem thêm: Bảo hiểm sức khỏe UIC, bảo hiểm sức khỏe cho trẻ em, bảo hiểm thai sản nào tốt

Thông tin ban đầu, khoảng 15h cùng ngày, tàu cá BĐ 95948 TS, công suất 720 CV do ông Trương Đình Hiền (ở Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên đang ra khơi đánh bắt cá ngừ đại dương.

Khi tàu đang hoạt động tại tọa độ 13045’N, 109019’E (cách Cù Lao Xanh, TP Quy Nhơn khoảng 7 hải lý về hướng Đông Bắc) thì bị tàu hàng Minh Phú 26 va chạm dẫn đến bị chìm. 8 ngư dân trên tàu cá BĐ 95948 TS văng xuống biển.

Sau khi sự việc xảy ra, tàu BĐ 40086 TS của ông Hồ Chung (trú TP Quy Nhơn) hoạt động cạnh đó nghe tiếng kêu cứu của 8 ngư dân liền nhanh chóng tới cứu vớt và đưa các nạn nhân vào Trạm biên phòng Mũi Tấn (TP Quy Nhơn) an toàn.

Sau khi gây ra tai nạn, tàu hàng Minh Phú 26 đã bỏ chạy khỏi hiện trường.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Định đang điều tra làm rõ vụ việc.

Nổ lớn tại nhà máy gạch, 4 công nhân bị bỏng nặng

(VTC News) – Một vụ nổ lớn xảy ra tại một nhà máy gạch nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã khiến 4 công nhân bị nỏng nặng phải ra Đà Nẵng điều trị.

Sáng 12/8 nguồn tin từ Bệnh viện Đà Nẵng xác nhận, đơn vị đang tiếp nhận điều trị 4 bệnh nhân bị bỏng do một vụ nổ thiết bị điện xảy ra tại một nhà máy gạch ở Quảng Nam. Hiện sức khỏe của các bệnh nhân đang tiến triển tốt và đã dần phục hồi.

Trước đó khoảng 9h sáng 11/8, một nhóm công nhân phát hiện đám lửa từ thiết bị sản xuất trong nhà máy sản xuất gạch Đ.T (đóng tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nên cùng nhau dập lửa.

Tuy nhiên, khoảng 2 phút sau thì thiết bị đang phát hỏa này bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn kèm theo dầu bắn tung tóe khắp nơi, khiến 4 công nhân ngất xỉu. Ngay sau đó, 4 nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng.

Theo Đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, vụ việc trên diễn ra nhanh chỉ trong khoảng thời gian hơn 10 phút. Do thiết bị phát nổ quá bất ngờ nên các công nhân không chạy kịp. Ngay sau đó lực lượng chữa cháy đã khống chế ngọn lửa.
Hiện nguyên nhân vụ nổ đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

2. Một vòng doanh nghiệp

PJICO đạt giải thưởng M&A lần thứ 9

(PJICO) – Ngày 10/8/2017, diễn đàn M&A lần thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Thương vụ Samsung Fire & Marine (SFMI) đầu tư 530 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ của PJICO đã vinh dự nhận giải thưởng “Thương vụ đầu tư & phát hành riêng lẻ tiêu biểu” năm 2016 – 2017.

Với trị giá 23 triệu đô la, thương vụ này được đánh là giá lớn nhất của ngành bảo hiểm Việt Nam trong 2 năm qua. Samsung Fire & Marine hiện là công ty bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc, với 60 năm kinh nghiệm và mạng lưới kinh doanh toàn cầu được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu và vị thế PJICO đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Để đạt được giải thưởng này, PJICO đã vượt qua 4 tiêu chí đánh giá của hội đồng bình chọn về quy mô, tính chất, ý nghĩa và hiệu quả thương vụ…

11.000 khách hàng trúng thưởng chương trình “Nắng vàng biển xanh cùng Bảo Việt”

(BVH) – Ngày 08/8/2017, Tập đoàn Bảo Việt tổ chức trao thưởng đợt 1 cho khách hàng trúng thưởng ô tô của chương trình tại Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh giải thưởng lớn nhất của chương trình, 16 giải thưởng điện thoại Samsung Galaxy S8 cũng được trao tới khách hàng trúng thưởng tại các tỉnh thành khác. Các khách hàng trúng giải được Bảo Việt hỗ trợ chi trả toàn bộ thuế thu nhập cá nhân.

Bà Lê Thị Như Ý, ngụ tại xã An Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, khách hàng may mắn nhất của chương trình vui mừng chia sẻ: “Tôi rất vui và bất ngờ khi biết tin mình may mắn trúng giải thưởng lớn nhất trong chương trình khuyến mại “Nắng Vàng Biển xanh cùng Bảo Việt” với giải thưởng là một xe ô tô Ford EcoSport. Hiện nay, cả 5 thành viên trong gia đình tôi đều tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt. Gia đình tôi tin tưởng lựa chọn Bảo Việt vì Bảo Việt là thương hiệu bảo hiểm nhân thọ nội duy nhất hiện nay tại Việt Nam, là Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam. Xin cảm ơn Bảo Việt và tôi sẽ tiếp tục đồng hành cũng như giới thiệu người thân, bạn bè của mình sử dụng dịch vụ của Bảo Việt.”

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – 1 trong 16 khách hàng may mắn trúng giải “Biển xanh” đợt 1 điện thoại Samsung Galaxy S8, cho biết: “Tôi tham gia sản phẩm An Gia Phát Lộc của Bảo Việt để đầu tư và phòng ngừa rủi ro cho những người thân trong gia đình. Thật bất ngờ và vô cùng vui mừng khi tôi may mắn là 1 trong 16 khách hàng trong đợt quay thưởng lần thứ nhất của chương trình “Nắng vàng Biển xanh cùng Bảo Việt” với giải thưởng là một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S8. Chúc Bảo Việt ngày càng phát triển và nhận được nhiều sự tin tưởng của khách hàng hơn nữa để nhiều người Việt Nam được bảo vệ giống như tôi”.

Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, Chương trình “Nắng vàng biển xanh cùng Bảo Việt” đã được đông đảo khách hàng đón nhận: gần 11.000 khách hàng tham gia, khoảng 47.000 mã dự thưởng đã được phát ra với tổng doanh thu và huy động vốn đạt gần 1.800 tỷ đồng. Hàng nghìn khách hàng của chương trình đã được nhận ngay những quà tặng hấp dẫn có thể sử dụng và đồng hành trong các chuyến du lịch mùa hè như: vali kéo, sạc pin dự phòng, ô gấp ngược, mũ bảo hiểm, túi du lịch…

Chương trình “Nắng vàng biển xanh cùng Bảo Việt” còn kéo dài tới hết ngày 31/8/2017.

Bảo hiểm VietinBank lựa chọn PwC tư vấn chiến lược về công nghệ thông tin

(ĐTCK) – Ngày 5/7/2017, tại Hà Nội, Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI) và Công ty PwC Việt Nam (PwC) đã ký kết hợp tác tư vấn chiến lược công nghệ thông tin. Theo đó, PwC sẽ thực hiện tư vấn cho VBI về mô hình hệ thống CNTT tương lai; đánh giá mức độ trưởng thành an toàn, bảo mật CNTT tại VBI; đưa ra các giải pháp triển khai chiến lược mảng CNTT áp dụng trong hoạt động quản lý và tiện ích bảo hiểm đến khách hàng.

Ông Lê Tuấn Dũng – Tổng giám đốc VBI chia sẻ, Công ty xác định trở thành doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong trong lĩnh vực CNTT ứng dụng vào công tác quản lý hoạt động và chăm sóc khách hàng.

Vì vậy, Công ty chú trọng đầu tư và lựa chọn đối tác chuẩn mực quốc tế để tư vấn chiến lược dài hạn, nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh trong thị trường bảo hiểm hiện nay.

Việc ứng dụng CNTT trong bảo hiểm sẽ giúp nâng cao chuẩn mực mới trong công tác vận hành và quản lý bảo hiểm, đồng thời mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích, giảm thiểu giấy tờ và thủ tục không cần thiết khi tham gia bảo hiểm.

Hiện tại, Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số, cao hơn mức trung bình thế giới là 46,64%. Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trong nước đang triển khai các ứng dụng CNTT trong việc xây dựng hệ thống quản trị tích hợp, quản trị trục lợi bảo hiểm toàn diện, hiện đại hoá các kênh phân phối và bảo mật dữ liệu bảo hiểm trước các nguy cơ tấn công an ninh mạng.

VBI hiện là một trong số ít doanh nghiệp trên thị trường phát triển giấy chứng nhận điện tử và hóa đơn điện tử cho khách hàng. Khi khách hàng tham gia bảo hiểm, thay vì chờ phát hành hợp đồng, hóa đơn in giấy và thời gian chuyển phát, khách hàng sẽ nhận ngay hợp đồng và hóa đơn dưới dạng điện tử qua hòm thư cá nhân trong vòng 30 phút.

Trong 3 năm qua, VBI đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Công ty nỗ lực thực thi các chủ đề chiến lược quan trọng, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá, đưa VBI tiến gần tới mục tiêu dẫn đầu phân khúc bán lẻ trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Không chỉ 3 năm qua, mà giai đoạn 2012 – 2016, VBI là công ty bảo hiểm có tốc độ phát triển nhanh và mạnh, với mức tăng trưởng doanh thu trên 55%/năm. Tốc độ tăng trưởng của VBI luôn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm. Trong đó, năm 2016, doanh thu phí bảo hiểm của VBI đạt 781 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2015, cao hơn nhiều mức tăng trưởng doanh thu bình quân toàn thị trường là 16%.

Năm 2017, VBI đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng và triển khai kế hoạch cổ phần hóa, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

CEO bảo hiểm đưa ra 13 kiến nghị gửi Bộ Tài chính

(ĐTCK) – Tại Hội nghị Tổng giám đốc các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ mới đây, các CEO bảo hiểm đã thống nhất đưa ra 13 kiến nghị gửi tới Bộ Tài chính.

Trong đó, 9 kiến nghị liên quan đến việc bổ sung, điều chỉnh chính sách theo hướng kiện toàn các quy định của pháp luật đối với riêng mảng bảo hiểm phi nhân thọ, 4 kiến nghị còn lại mang tính giải pháp.

Cụ thể, các CEO đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp chỉ đạo và thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng sản phẩm bảo hiểm thiên tai, trong đó có bảo hiểm tài sản công và bảo hiểm nông nghiệp; có giải pháp cải thiện tình trạng tỷ lệ bồi thường quá cao (dự kiến lớn hơn doanh thu) đối với bảo hiểm tàu khai thác thủy sản xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

2 trong số 4 kiến nghị mang tính giải pháp đề nghị Bộ Tài chính chủ trì cùng Bảo hiểm y tế sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp khám chữa bệnh theo quy định tại điều 12 và 13 Nghị định 102/2011; đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp giải quyết tình trạng môi giới bảo hiểm gốc và tái đưa ra điều kiện trong đấu thầu bảo hiểm gốc dẫn đến DNBH gốc thắng thầu phải chấp nhận điều kiện tái bảo hiểm của môi giới bảo hiểm.

Trước đề xuất của các CEO bảo hiểm, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ông Phùng Ngọc Khánh cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp thu 13 kiến nghị tại Hội nghị, đồng thời chia sẻ chủ trương phát triển một số sản phẩm bảo hiểm bắt buộc theo hướng nhà nước không can thiệp nhiều vào thỏa thuận giữa DNBH với khách hàng, phát triển bảo hiểm đầu tư xây dựng, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm năng lượng, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm bảo lãnh.

Ông Khánh đánh giá cao những kết quả đạt được của khối bảo hiểm phi nhân thọ trong 6 tháng đầu năm 2017, với doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 16%, khống chế được tỷ lệ bồi thường bảo hiểm 30%, một số công ty đã kinh doanh từ lỗ sang có lãi, sự hợp tác giữa các DNBH ngày càng tốt hơn.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 – 2015 và thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu doanh thu bảo hiểm chiếm 3 – 4% GDP, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh bảo hiểm theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết 35/2016/NQ-CP.

Liên quan đến tái bảo hiểm, ông Khánh cho biết, Cục Bảo hiểm đã bảo vệ trước Chính phủ về quy định tái bảo hiểm tối đa 90% dịch vụ bảo hiểm cho trường hợp tái bảo hiểm theo chỉ định quốc tế để hạn chế yếu tố phi thị trường, giúp DNBH chủ động quyết định nhà tái bảo hiểm.

Bảo hiểm nông nghiệp: Nhà nước hỗ trợ một phần, khuyến khích địa phương chủ động

(TBTCVN) – Báo cáo kết quả triển khai thí điểm BHNN giai đoạn 2011 – 2013 theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, sau 3 năm thực hiện thí điểm BHNN đối với cây lúa, vật nuôi, thủy sản (tôm, cá) đã đạt được kết quả đáng khích lệ: 304.017 hộ nông dân và tổ chức sản xuất tham gia thí điểm; tổng giá trị được bảo hiểm (BH) là 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí BH là 394 tỷ đồng; tổng số tiền bồi thường BH là 712,9 tỷ đồng.

Qua quá trình triển khai thí điểm cho thấy, BHNN là giải pháp tài chính hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp (NN) chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất NN.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai BHNN mới dừng lại ở mức độ thí điểm tại một số địa bàn sản xuất NN có quy mô lớn, mang tính đại diện của 20 tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. Do vậy, mức độ tiếp cận BHNN của các tổ chức, cá nhân sản xuất NN còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, để tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất NN trên cả nước đa dạng hóa các giải pháp tài chính, dễ dàng tiếp cận các sản phẩm BH, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về BHNN áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất NN trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và tổ chức, cá nhân sản xuất NN.

Bộ Tài chính cho rằng, việc triển khai BHNN trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa DNBH và tổ chức, cá nhân sản xuất NN sẽ khuyến khích DNBH triển khai BHNN; qua đó thúc đẩy chuyển giao rủi ro trong sản xuất NN từ tổ chức, cá nhân sản xuất NN sang khu vực BH và thị trường tái BH quốc tế. Cũng theo Bộ Tài chính, việc ban hành nghị định về BHNN sẽ là cơ sở pháp lý để mở rộng việc triển khai chính sách BHNN sau giai đoạn thực hiện thí điểm.

Về việc hỗ trợ phí đóng BH cho các tổ chức, cá nhân sản xuất NN, dự thảo nghị định nêu rõ, trong từng thời kỳ, tùy thuộc định hướng phát triển NN, nông thôn và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần phí BHNN cho tổ chức, cá nhân sản xuất NN.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định quy định cụ thể về đối tượng được hỗ trợ; đối tượng BH được hỗ trợ; rủi ro BH được hỗ trợ; mức hỗ trợ phí BH; thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí BHNN…

Ngoài chính sách hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng, dự thảo cũng nêu rõ việc khuyến khích địa phương trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách địa phương xem xét, có chính sách hỗ trợ phí BHNN cho tổ chức, cá nhân sản xuất NN tại địa phương.

Cũng theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân sản xuất NN tham gia BHNN và được hỗ trợ phí BHNN theo quy định tại nghị định này thì không được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất NN để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ.

Đặc biệt để đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân sản xuất NN và DNBH, dự thảo nghị định cũng quy định rõ nguyên tắc xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí BHNN. Theo đó, DNBH trước khi triển khai sản phẩm phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính; hợp đồng BH phải tách biệt rõ điều kiện, điều khoản và phí BH đối với các đối tượng BH và rủi ro BH được hỗ trợ…

Đồng thời, DNBH được phép chi đề phòng hạn chế tổn thất liên quan đến triển khai BHNN với mức tối đa là 5% doanh thu phí BHNN (cao hơn mức quy định chung hiện nay là 2%), tạo điều kiện cho DNBH triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thuê các tổ chức, cá nhân giám sát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất; theo dõi riêng doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh BHNN (tách bạch phần được hỗ trợ và phần không được hỗ trợ phí BH), nhằm tạo điều kiện cho DNBH triển khai BHNN và đảm bảo công tác quản lý, giám sát BHNN được triển khai lành mạnh, bền vững.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

Tập đoàn Bảo Việt ủng hộ gần 1,5 tỷ đồng cùng đồng bào Tây Bắc vượt lũ

(BVH) – Để kịp thời chung tay cùng đồng bào tại tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở, Tập đoàn Bảo Việt đã phát động quyên góp cán bộ nhân viên trong hệ thống ủng hộ đồng bào bị thiệt hại trong chương trình “Bảo Việt chung tay ủng hộ đồng bào vùng cao Tây Bắc”.

Chia sẻ với những mất mát của đồng bào vùng cao Tây Bắc, phát huy tinh thần tương thân tương ái cũng như tiếp tục duy trì có hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội mà Bảo Việt đã thực hiện trong nhiều năm qua, ngày 11/8/2017, Tập đoàn Bảo Việt đã tổ chức Lễ phát động chương trình ủng hộ đồng bào vùng cao Tây Bắc vừa gánh chịu trận lũ lịch sử lớn nhất trong 30 năm qua.

Ngay trong ngày đầu tiên phát động, Tập đoàn Bảo Việt đã quyên góp được gần 1,5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào Tây Bắc bị thiệt hại do mưa lũ. Số tiền này sẽ góp phần hỗ trợ đồng bào tại tỉnh Sơn La, Yên Bái kịp thời khắc phục hậu quả của lũ lụt, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.

Trước đó, vào ngày 9/8/2017, ông Đào Đình Thi – Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt cùng đoàn thanh niên Bảo Việt đã tham gia đoàn công tác của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương do đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác đã có buổi làm việc và trao kinh phí gần 8 tỷ đồng của các đơn vị trong Khối ủng hộ cho nhân dân tỉnh Sơn La.

Tập đoàn Bảo Việt sẽ tiếp tục vận động các đơn vị có sự hỗ trợ thiết thực cho đồng bào bị thiệt hại, dự kiến vào trung tuần tháng 8, Tập đoàn Bảo Việt sẽ tổ chức đoàn công tác tới các địa phương vùng cao Tây Bắc bị thiệt hại để góp phần giúp đồng bào các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Những ngày đầu tháng 8/2017, mưa lớn cục bộ đã gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái. Theo thống kê ban đầu, đã có trên 100 người chết, bị thương và mất tích; hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 800 tỷ đồng trong trận lũ lịch sử lớn nhất 30 năm qua tại Sơn La và Yên Bái.

5. Tin quốc tế

Môi giới bảo hiểm tăng trưởng 7%/năm trong 4 năm qua

(IAN) – Lĩnh vực kinh doanh môi giới bảo hiểm toàn cầu tiếp tục phát triển trong những năm vừa qua với tốc độ tăng trưởng cộng gộp hàng năm trung bình khoảng 7% trong giai đoạn 2012-2016.

Theo công ty nghiên cứu thị trường MarketLine, trong giai đoạn này, thị trường toàn cầu đạt giá trị 42,8 tỷ USD.

Báo cáo cho biết, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường môi giới bảo hiểm toàn cầu, chiếm 63%. Doanh thu môi giới bảo hiểm tại Hoa Kỳ tăng nhanh, tiếp tục là động lực tăng trưởng cho thế giới.

Thị trường Trung Quốc mặc dù không nổi trội song cũng đã có bước tiến mạnh trong thời gian gần đây với tốc độ tăng trưởng bình quân 16,2%/năm trong 4 năm qua.

Theo ông Nicholas Wyatt, Giám đốc Dự án của MarketLine, đây là một dấu hiệu tốt hứa hẹn tiềm năng của thị trường trong những năm tới.

Mặc dù ngành môi giới bảo hiểm tại châu Á không phát triển mạnh như tại Bắc Mỹ, song nhu cầu sản phẩm bảo hiểm cũng đang tăng lên, dựa trên tăng trưởng thu nhập và kinh tế tại các nước trong khu vực.

Châu Á chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt

(IAN) – Báo cáo thảm họa gần đây về thảm họa toàn cầu của Impact Forecasting – công ty con của Aon – cho biết, tổn thất kinh tế trong tháng 7 tại châu Á vào khoảng 10 tỷ USD do các đợt lũ lụt nghiêm trọng.

Theo báo cáo, các trận lụt xảy ra liên tục vào giữa tháng 6, kéo dài sang tháng 7, làm chết người và thiệt hại tài sản ở nhiều vùng của châu Á.

Trong số đó, Trung Quốc là quốc gia gánh chịu thiệt hại nhiều nhất với khoảng 200 người chết và mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại.

Theo ước tính của Bộ Nội vụ Trung Quốc, tổng giá trị tổn thất trong 6 tuần xảy ra lũ lụt vào khoảng 10 tỷ USD.

Nhật Bản cũng là nước phải gánh chịu sự tàn phá lớn của cơn bão Nanmadol với tổng thiệt hại khoảng 1 tỷ USD. Hơn 2.600 căn nhà và công trình khác bị thiệt hại do ngập lụt và lở đất ở các tỉnh Fukuoka và Oita.

Big data làm giảm chi phí bảo hiểm tại châu Á

(IAN) – Ngành bảo hiểm châu Á dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm chi phí bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) do các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng hàng loạt công nghệ mới và cải thiện quan hệ khách hàng.

Theo nhận định của công ty dịch vụ phân tích giá Quadrant Information Services, thị trường bảo hiểm châu Á sẽ dẫn đầu trong việc áp dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng dữ liệu nhằm kiểm soát rủi ro và giảm thiểu chi phí sản phẩm.

Ông Michael Macauley, Tổng Giám đốc công ty, lưu ý rằng công nghệ trong ngành bảo hiểm đã đạt được bước phát triển quan trọng, báo hiệu mở ra một thời kỳ mới với mức độ linh hoạt cao hơn, năng lực công nghệ tốt hơn và quan hệ khách hàng khăng khít hơn.

Tại châu Á, Hồng Kông là một trong các thị trường đi đầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Một xu hướng khác tại khu vực này là một số các hãng công nghệ khổng lồ đang từng bước xâm nhập vào ngành bảo hiểm.

Ví dụ điển hình là trường hợp công ty công nghệ Tencent đã phối hợp với Alibaba để đem đến công nghệ mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

M&A bảo hiểm tại châu Á giảm 40%

(IAN) – Một nghiên cứu của Clyde & Co cho biết, các giao dịch M&A bảo hiểm khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 40% trong vòng 6 tháng đầu năm, chủ yếu do những kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc.

Đối với ngành bảo hiểm toàn cầu, đã có 170 giao dịch trong thời gian 6 tháng vừa qua. Trong số đó, có 22 giao dịch liên quan đến các công ty tại châu Á-Thái Bình Dương, giảm so với con số 36 cùng kỳ năm trước.

Tại châu Âu, ngành bảo hiểm chịu tác động của Brexit khiến số giao dịch giảm 28%, trong khi đó tại châu Mỹ, số giao dịch giảm xuống 81 từ mức 86 cùng kỳ.

Tuy nhiên, khu vực Trung Đông và Châu Phi lại chứng kiến xu hướng ngược lại với số giao dịch M&A tăng từ 2 lên 8.

Công ty Clyde & Co, lưu ý rằng tình trạng này có thể sẽ dẫn tới sự cải thiện về những yêu cầu pháp lý của chính phủ Trung Quốc, đi cùng với sự ổn định kinh tế – chính trị.
Công ty cũng dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều giao dịch m&A trong 6 tháng cuối năm.

Singapore: thị trường BHNT tiếp tục tăng trưởng

(IAN) – Thị trường bảo hiểm nhân thọ Singapore tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm nay nhờ vào sự gia tăng doanh thu các sản phẩm đóng phí hàng năm.
Tại thời điểm cuối tháng 6, tổng doanh thu khai thác mới đạt 871 triệu SGD (640 triệu USD), tăng 3% so với quý trước.

Doanh thu khai thác mới nộp phí định kỳ hàng năm đỉnh cao 605 triệu SGD, tăng 7%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cũng chịu tác động tiêu cực của sự sụt giảm doanh thu khai thác mới các sản phẩm đóng phí một lần, xuống còn 266 triệu SGD.

Dữ liệu cũng cho biết, trong số các sản phẩm đóng phí một lần, doanh thu nhóm sản phẩm liên kết đơn vị tăng 44% lên 74,7 triệu SGD nhưng nhóm sản phẩm không liên kết giảm 17%, xuống còn 191,3 triệu SGD.

Mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế không ổn định, cơ cấu dân số già và thị trường lao động mềm, tổng doanh thu khai thác mới 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nhật Bản: các hãng BHNT lớn sụt giảm doanh thu

(IAN) – Sự sụt giảm doanh thu phí đã khiến cho tổng doanh thu của 6 trong số 7 công ty BHNT hàng đầu Nhật Bản giảm mạnh trong quý II năm nay.

Dựa trên báo cáo thu nhập của các công ty BHNT, phí bảo hiểm tăng trưởng trong tháng 4 và các yếu tố khác đã làm giảm doanh thu từ phí và các nguồn khác trong quý II, mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của 5 công ty BHNT lớn vẫn tăng nhờ chênh lệch tỷ giá.

Trong số 7 công ty dẫn đầu, chỉ có duy nhất Sony Life vẫn duy trì được doanh thu phí với 241 tỷ Yên (2,19 tỷ USD).

Nippon Life giảm 1,4% doanh thu, còn 1,34 nghìn tỷ Yên. Sumitomo Life giảm doanh thu phí và thu nhập khác tới 20,3%, đạt 629 tỷ Yên.

Meiji Yasuda Life giảm 7,8% doanh thu, còn 716 tỷ Yên, nhưng lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 19,4%, lên 103 tỷ Yên.

Về phần mình, công ty bảo hiểm tương hỗ Asahi Mutual Life cũng chứng kiến doanh thu sụt giảm 1,7% còn 93,5 tỷ Yên.

Khối Khách hàng giúp AIG tăng lợi nhuận

(INN) – Lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý II của AIG tăng trưởng 10% đạt 1,45 tỷ USD do kết quả kinh doanh khả quan của khối khách hàng đã bù đắp được phần kém hiệu quả của khối thương mại.

Theo ông Brian Duperreault, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIG, kết quả này cho thấy giá trị của việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.

“Chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống AIG vững mạnh bằng cách tối đa hóa giá trị của hoạt động kinh doanh quốc tế – điểm khác biệt đáng kể nhất giữa AIG với các đối thủ cạnh tranh khác”, ông nói.

“Trong khi điều kiện thị trường vẫn hết sức thách thức, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện việc đánh giá rủi ro chặt chẽ và tập trung đầu tư vào việc tăng trưởng lợi nhuận”.

Thu nhập ròng của hãng giảm xuống 1,13 tỷ USD từ mức 1,91 tỷ USD cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ghi nhận khoản lỗ 69 triệu USD, giảm so với mức lợi nhuận 1 tỷ của kỳ này năm 2016.

Tổng lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm của khối Khách hàng giảm 33% xuống còn 1,26 tỷ USD, trong khi đó lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm của khối Thương mại giảm 24% xuống 716 triệu USD.

AIG cho biết, phí bảo hiểm thuần khối Thương mại giảm 15% xuống 3,83 tỷ USD nhờ việc “tiếp tục thực hiện các hoạt động danh mục chiến lược”. Tỷ lệ kết hợp của khối này tăng 4,4 điểm phần trăm, lên 102,7%.

Tỷ lệ kết hợp của khối Bảo hiểm cá nhân là 91,1%, được hưởng lợi từ mức độ tổn thất thấp và ít xảy ra các tổn thất thảm họa.

Ông Duperreault được bổ nhiệm chức danh CEO để thay thế ông Peter Hancock sau khi AIG thua lỗ trong năm vừa qua.

Lợi nhuận Aon tăng vọt

(INN) – Lợi nhuận quý II của Aon đã tăng tới 156%, đạt 769 triệu USD nhờ sự tăng trưởng ở tất cả các nghiệp vụ.

Doanh thu tăng 3,8% lên 2,4 tỷ USD.
Tăng trưởng hữu cơ ở mức 3%, so với 2% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng hữu cơ về tái bảo hiểm đạt 6%.

Hãng đã mua lại 8 triệu cổ phiếu phổ thông hạng A trong quý, với tổng trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Theo ông Greg Case, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đố Aon, hãng đang trên đà vượt qua mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) kỳ vọng cho năm tới là 7,97 USD.

“Kết quả kinh doanh quý II của chúng tôi phản ánh sự tăng trưởng ở tất cả các nghiệp vụ chính đem lại doanh thu và hiệu quả hoạt động vững chắc, với mức tăng 110 điểm cơ bản của lợi nhuận hoạt động điều chỉnh và tăng EPS 13%, đánh dấu thông qua việc mua lại cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD trong quý vừa qua”.

Cũng trong quý vừa qua, Aon đã hoàn tất việc bán nền tảng thuê ngoài về quản trị quyền lợi và quy trình quản trị nguồn nhân lực, với giá trị đạt khoảng 4,3 tỷ USD.

BTV (Tổng hợp).