TIÊU ĐIỂM TUẦN 21 NĂM 2017

Manulife có tân Tổng Giám đốc; Làn sóng InsurTech thứ hai gây chấn động ngành bảo hiểm; Bảo Việt dẫn đầu ngành bảo hiểm 5 năm liên tiếp

21-1

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả bồi thường cho khách hàng tại Hải Dương

21-2(BIC) – Ngày 22/5/2017, tại Trụ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Hải Dương, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã trao hơn 50 triệu đồng tiền bồi thường bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An cho gia đình khách hàng Vũ Văn Tâm (trú tại Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương).

Anh Vũ Văn Tâm sinh ngày 28/5/1981, tham gia bảo hiểm BIC Bình An cho khoản vay thấu chi có thời hạn 12 tháng tại Chi nhánh BIDV Bắc Hải Dương. Anh Tâm không may gặp tai nạn khi va chạm với Tàu khách LP7 khi đi ngang qua đường sắt tại KM 70+170 thuộc địa phận Cổ Dũng, Kim Thành, Hải Dương và không qua khỏi. Sau khi xảy ra sự việc, BIC Hải Dương và BIDV Bắc Hải Dương đã trực tiếp đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình người bị nạn và hướng dẫn gia đình anh Tâm triển khai các thủ tục cần thiết để được chi trả bồi thường theo quy định.

Xem thêm: Mua bảo hiểm thai sảnbảo hiểm sức khỏe cho bé

Tổng mức chi trả bồi thường cho gia đình anh Tâm là 51.150.692 đồng, bao gồm toàn bộ hạn mức thấu chi của khách hàng, trợ cấp mai táng phí và hỗ trợ lãi vay trong thời gian chờ xử lý hồ sơ. Trong đó, toàn bộ dư nợ (cả gốc và lãi vay) tại thời điểm xảy ra rủi ro 31.555.658 đồng được BIC thay mặt gia đình người bị nạn chi trả cho Chi nhánh BIDV Bắc Hải Dương. Số tiền còn lại 19.595.034 đồng được BIC trao tận tay cho gia đình anh Tâm.

Sản phẩm bảo hiểm cho người vay vốn – BIC Bình An được BIDV và BIC phối hợp triển khai từ năm 2009 với mong muốn mang tới cho khách hàng một giải pháp tài chính tin cậy để hoàn toàn an tâm trước những rủi ro trong cuộc sống, đồng thời, cung cấp cho ngân hàng một công cụ bảo toàn vốn trước các rủi ro khách hàng mất khả năng trả nợ. Đầu năm 2017, BIC cũng đã chi trả tới hơn 800 triệu đồng tiền bồi thường bảo hiểm BIC Bình An cho một gia đình khách hàng tại Bắc Ninh, hỗ trợ gia đình bước đầu vượt qua khó khăn khi mất đi trụ cột kinh tế, đồng thời, giúp Chi nhánh BIDV Kinh Bắc thu hồi được khoản vay.

2. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Việt dẫn đầu ngành bảo hiểm 5 năm liên tiếp do Forbes Việt Nam bình chọn

21-3(BVH) – Ngày 29/5/2017, Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017. Forbes Việt Nam – phiên bản tiếng Việt của tạp chí kinh doanh hàng đầu thế giới công bố danh sách này tại Việt Nam kể từ năm 2013 và đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp Bảo Việt vinh dự đạt được danh hiệu này.

Danh sách 50 công ty tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn áp dụng phương pháp xếp hạng theo tiêu chuẩn của Forbes áp dụng trên toàn cầu, có xét đến yếu tố đặc thù của thị trường Việt Nam cho phép lựa chọn các công ty có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường chia theo từng lĩnh vực. Dữ liệu được sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán của các ứng viên là các công ty niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX để xét duyệt dựa trên các tiêu chí: tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời và tăng trưởng trong giai đoạn 2012 – 2016.

Tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong số các doanh nghiệp bảo hiểm, tỷ trọng vốn hóa lớn và tính thanh khoản cao nên cổ phiếu BVH luôn đóng vai trò dẫn dắt nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm. Với kết quả kinh doanh ổn định, giá trị vốn hóa lớn (đạt 40.500 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD tại ngày 29/5/2017) và khối lượng giao dịch luôn duy trì ở mức cao đã giúp BVH trở thành điểm đến của dòng tiền từ các nhà đầu tư dài hạn, góp phần duy trì sức hấp dẫn của cổ phiếu BVH đối với các quỹ đầu tư quốc tế, quỹ ETFs tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Không chỉ là cổ phiếu dẫn dắt trong nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm và trong rổ chỉ số VN30, BVH còn được các chuyên gia tài chính đánh giá là cổ phiếu blue-chip hấp dẫn để đầu tư dài hạn.

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, chỉ 50 công ty được bình chọn vào danh sách lần này, đã nắm giữ tới 60% giá trị vốn hóa của hai sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong Quý I/2017, Bảo Việt tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 7.071 tỷ đồng, tăng trưởng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận sau thuế hoàn thành 32% kế hoạch năm. Công ty Mẹ ước đạt 360 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ; Lợi nhuận trước thuế hoàn thành 26,3% kế hoạch năm.

Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Quý I/2017, doanh thu phí bảo hiểm gốc thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 9.622 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường, thể hiện vai trò doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu với tổng doanh thu phí đạt 1.834 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2%, chiếm 19,4% thị phần.

Theo số liệu của Nhóm chuyên gia Actuary (AWG), doanh thu khai thác mới toàn thị trường Quý I ước đạt 4.209 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ. Bảo Việt Nhân thọ duy trì vị trí số 1 thị trường về doanh thu khai thác mới với 21,1% thị phần, doanh thu khai thác mới ước đạt 702 tỷ đồng (+33,7%). Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 3.590 tỷ đồng (+32,1%).

Bảo Việt: 7.500 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi cổ phần hóa

21-4(BVH) – Ngày 26/5/2017, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017, các cổ đông Tập đoàn Bảo Việt đã nhất trí thông qua kết quả kinh doanh năm 2016, kế hoạch kinh doanh năm 2017, kế hoạch sử dụng lợi nhuận sau thuế cho năm tài chính 2017 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Ông Đào Đình Thi – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt cho biết: “Năm 2016, Tập đoàn Bảo Việt đã cán mốc doanh thu 1 tỷ USD, đạt được sự tăng trưởng ổn định và bền vững trên mọi mặt hoạt động. Để đạt được các mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2016-2020, Bảo Việt tập trung đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm nhằm chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh trong bối cảnh kinh doanh mới; giữ vững cam kết của mình đối với khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng; tạo sức bật mới cho chặng đường phát triển tiếp theo.”

Với việc triển khai hiệu quả các giải pháp kinh doanh trong năm 2016, Tập đoàn Bảo Việt đã đạt được các kết quả hết sức khả quan, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, quyền lợi cho khách hàng, cổ đông, người lao động và cộng đồng.

Hội đồng Quản trị đã trình ĐHĐCĐ thông qua việc chi trả cổ tức ở mức 10%, tương đương với 680,5 tỷ đồng, bằng 66,6% lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ; tăng thêm 2% so với kế hoạch cổ tức ĐHĐCĐ năm 2016 đã thông qua (8%).

Như vậy, tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 7.500 tỷ đồng bằng tiền mặt.

Bên cạnh việc thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư, Bảo Việt còn thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Tập đoàn Bảo Việt luôn duy trì vị trí là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước thông qua nộp thuế và cổ tức. Tính chung từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền thuế và cổ tức Bảo Việt đã nộp vào ngân sách Nhà nước lên đến gần 15.000 tỷ đồng.

Prévoir Việt Nam và NCB ra mắt sản phẩm BHNT Khang An Bảo Gia

21-5(ĐTCK) – Ngày 20/5 tại TP.HCM, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prévoir Việt Nam (Prévoir Việt Nam) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) đã cùng phối hợp ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Khang An Bảo Gia.

Đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Prévoir Việt Nam sẽ được phân phối qua mạng lưới của NCB trong thời gian tới.
Khang An Bảo Gia là kế hoạch tài chính tiết kiệm cho tương lai cũng như giải pháp tài chính giúp khách hàng nhanh chóng vượt qua những bất trắc khó lường trong cuộc sống, đảm bảo nguồn tài chính vững chắc cho gia đình thân yêu.

Sản phẩm Khang An Bảo Gia đem lại sự tích lũy cho các kế hoạch tương lai của khách hàng theo đúng khẩu hiệu của Prévoir Việt Nam “Cho ngày mai tốt hơn, từ hôm nay”.

Chia sẻ về quá trình lựa chọn đối tác, ông Tạ Ngọc Đa, Phó tổng giám đốc của NCB cho biết: “Việc lựa chọn một nhà bảo hiểm chuyên nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng, thấu hiểu các nhu cầu khách hàng của NCB, có cam kết phục vụ khách hàng của NCB mạnh mẽ và lâu dài luôn là một việc hết sức khó khăn đối với chúng tôi.

Và cuối cùng chúng tôi đã chọn được Prévoir Việt Nam làm đối tác đồng hành để cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và đưa ra các giải pháp, các sản phẩm tài chính toàn diện và thiết thực nhất cho khách hàng của NCB”.

Vui mừng trong lễ ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đầu tiên trên kênh NCB, ông Khamsaya Soukhavong, Tổng giám đốc của Prévoir Việt Nam cho biết: “Sản phẩm Khang An Bảo Gia có mặt trên thị trường Việt Nam thông qua Ngân hàng Quốc Dân thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và lâu dài của Prévoir Việt Nam trong việc cùng với NCB nghiên cứu và đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, đặc biệt là những khách hàng đã, đang và sẽ đặt niềm tin vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tài chính của NCB”.

“Chúng tôi mong muốn tất cả các bạn, những khách hàng của NCB đều được bảo vệ khỏi những rủi ro bất ngờ, không lường trước được trong cuộc sống theo một cách phù hợp nhất với các bạn và chúng tôi sẵn sàng ở bên cạnh để hỗ trợ khi khách hàng của mình gặp phải các khó khăn đó”, ông Khamsaya Soukhavong nói thêm.

Generali Việt Nam hợp tác kinh doanh bảo hiểm với CenGroup

21-6(ĐTCK) – Generali Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thế Kỷ (CenGroup) vừa chính thức thiết lập quan hệ hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Đây cũng là quan hệ hợp tác đầu tiên của Generali Việt Nam với một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Với hợp tác này, Generali Việt Nam sẽ tận dụng được kinh nghiệm và thế mạnh của Tập đoàn để cung cấp các giải pháp bảo hiểm ưu việt đến khách hàng trong hệ thống của CenGroup
Sau 6 năm hoạt động, Generali Việt Nam hiện có khoảng 160.000 khách hàng cá nhân và thành viên được bảo hiểm của 220 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ và tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, mới đây, Generali Việt Nam đã tăng vốn điều lệ lên đến 2382,6 tỷ đồng và là một trong ba công ty bảo hiểm có vốn điều lệ cao nhất trên thị trường.

3. Nhịp đập thị trường

Hoa hồng bảo hiểm phi nhân thọ năm đầu tối đa là 40%

21-7(TBTCO) – Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Thông tư quy định nguyên tắc chung trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm là phải trung thực, công khai và minh bạch, tránh để khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chi nhánh nước ngoài cung cấp. Trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, DNBH, chi nhánh nước ngoài phải tìm hiểu các thông tin cần thiết về khách hàng, cân nhắc khả năng tài chính và năng lực chuyên môn của mình, đảm bảo duy trì các nguồn lực tài chính, khả năng thanh toán và các hệ thống quản lý rủi ro; đảm bảo không phân biệt đối xử về điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm giữa các đối tượng bảo hiểm có cùng mức độ rủi ro.

Tài liệu giới thiệu sản phẩm của DNBH, chi nhánh nước ngoài phải rõ ràng, phản ánh thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm mà DNBH, chi nhánh nước ngoài được phép cung cấp, nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. DNBH, chi nhánh nước ngoài chịu trách nhiệm cập nhật các tài liệu giới thiệu sản phẩm, tài liệu minh họa bán hàng và các tài liệu bán hàng khác của mình trong suốt thời gian sử dụng.

Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, DNBH, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các quy tắc, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng được bảo hiểm cho DNBH, chi nhánh nước ngoài.

Trường hợp DNBH, chi nhánh nước ngoài trực tiếp bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe cho bên mua bảo hiểm và không phải trả hoa hồng bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm hoặc DN môi giới bảo hiểm thì DNBH, chi nhánh nước ngoài có thể giảm phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Mức phí bảo hiểm được giảm tối đa không vượt quá tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 Thông tư này.

Trường hợp các DNBH phi nhân thọ, DNBH sức khỏe, chi nhánh nước ngoài đồng bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm phải quy định rõ tên, chi nhánh nước ngoài đứng đầu, tỷ lệ đồng bảo hiểm của từng DNBH, chi nhánh nước ngoài. Các DNBH, chi nhánh nước ngoài đồng bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm.

Ngoài các nguyên tắc chung quy định tại Điều 3 Thông tư này, DNBH nhân thọ còn phải đảm bảo các nguyên tắc khác. Đó là tài liệu minh họa bán hàng cung cấp cho bên mua bảo hiểm phải có sự chấp thuận của chuyên gia tính toán về các giả định dùng để tính toán trước khi sử dụng để cung cấp cho bên mua bảo hiểm. Đối với những sản phẩm có giá trị hoàn lại, tài liệu minh họa bán hàng trình bày những điều kiện để được nhận giá trị hoàn lại và những quyền lợi, kèm theo số tiền cụ thể mà bên mua bảo hiểm được hưởng khi nhận giá trị hoàn lại, nêu rõ những quyền lợi này là có đảm bảo hay không có đảm bảo.

Giải thích rõ và đưa ra các yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tiếp nhận và lưu giữ thông tin do bên mua bảo hiểm hoặc người được bên mua bảo hiểm ủy quyền kê khai trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Phân tích nhu cầu và khả năng tài chính của bên mua bảo hiểm để tư vấn cho bên mua bảo hiểm những sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Về hoa hồng đại lý bảo hiểm, Thông tư quy định DNBH, chi nhánh nước ngoài trả hoa hồng cho đại lý bảo hiểm sau khi đại lý bảo hiểm thực hiện một hoặc một số nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 85 Luật Kinh doanh bảo hiểm để mang lại dịch vụ cho DNBH, chi nhánh nước ngoài.

Thông tư đưa ra quy định cụ thể về tỷ lệ hoa hồng tối đa đối với các hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ cá nhân và bảo hiểm nhân thọ nhóm.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhóm, tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 50% các tỷ lệ tương ứng áp dụng cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân cùng loại. Tỷ lệ hoa hồng tối đa đối với các hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ là 20%. Đối với các sản phẩm bảo hiểm khác ngoài các nghiệp vụ quy định tại khoản này, có văn bản hướng dẫn riêng thì thực hiện theo văn bản hướng dẫn riêng đó.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Quý I/2017: thị trường bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng bền vững

21-8(TBTCVN) – Theo Cục QLBH, quý I/2017, thị trường BH nhân thọ tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững với tổng doanh thu phí BH khai thác mới ước đạt 4.283,51 tỷ đồng, tăng 28,32%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao dù mới chỉ 3 tháng đầu năm. Trong tổng doanh thu phí khai thác mới, xét theo nghiệp vụ thì BH hỗn hợp và BH liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn; trong đó: BH liên kết chung chiếm tỷ trọng 45,76%; BH hỗn hợp chiếm tỷ trọng 38,38%; BH tử kỳ chiếm tỷ trọng 1,92%…

Thị phần doanh thu khai thác mới của các DNBH trong top 5 có sự xáo trộn nhẹ. Cụ thể: Bảo Việt Nhân thọ đã vượt lên chiếm vị trí số 1 cuối năm 2016 của Prudential, vươn lên dẫn đầu thị trường, với 21,81% thị phần. Prudential lùi lại vị trí thứ 2, với 19,68% thị phần. Vị trí thứ 3 vẫn thuộc về Manulife với 13,91% thị phần. Tiếp theo là Dai-ichi (13,44%), AIA (10,64%), Generali (7,33%), Chubb (4%), Hanwha (2,98%)…

Tổng doanh thu phí BH nhân thọ quý I ước đạt 12.252 tỷ đồng tăng 29,25%. Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) quý I ước đạt 6.633.414 hợp đồng, tăng 15,06%.

Về bảo hiểm phi nhân thọ, tổng doanh thu phí BH thị trường phi nhân thọ quý I/2017 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tăng 8,71%, đạt 9.622 tỷ đồng. Bảo hiểm Bảo Việt đã vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường BH, với doanh thu phí BH gốc ước đạt 1.870 tỷ đồng, tăng 18,5%, chiếm 19,44% thị phần.

Vị trí thứ 2 thuộc về là Bảo hiểm PVI với doanh thu ước đạt 1.695 tỷ đồng, giảm 10,06%, chiếm 17,61% thị phần. Vị trí thứ 3 thuộc về Bảo Minh với doanh thu ước đạt 856 tỷ đồng, tăng 15,87%, chiếm 8,90% thị phần. Tiếp đến là PTI với doanh thu ước đạt 748 tỷ đồng, tăng 3,82%, chiếm 7,77% thị phần; PJICO với doanh thu ước đạt 593 tỷ đồng, tăng 2,02%, chiếm 6,16% thị phần… Top 5 doanh nghiệp BH phi nhân thọ dẫn đầu thị trường chiếm gần 60% thị phần.

Ngoài các DNBH dẫn đầu thị trường, một số DNBH cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí BH gốc trên 50%: Phú Hưng (29 tỷ đồng, tăng 92,32%), Bảo hiểm Liên hiệp (220 tỷ đồng, tăng 89,07%), Bảo hiểm Hàng Không (136 tỷ đồng, tăng 54,17%)…

Xét theo nghiệp vụ, BH xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, đạt 3.284 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34,13%, tiếp theo là BH sức khỏe đạt 2.619 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,22%, BH tài sản và BH thiệt hại đạt 1.339 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,91%…
Trong thời gian tới, Cục QLBH tiếp tục hướng dẫn các DNBH thực hiện quy định tại Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn thi hành.

Trong đó, cơ quan quản lý chú trọng các quy định mới: về trích lập dự phòng nghiệp vụ; xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm BH vật chất xe cơ giới; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của hệ thống đại lý BH; khuyến khích phát triển các sản phẩm BH theo hướng đa dạng, dễ dàng tách riêng thành những sản phẩm đơn giản hoặc tích hợp thành các sản phẩm quyền lợi toàn diện, đáp ứng nhu cầu và khả năng tài chính khác nhau của từng đối tượng khách hàng…

Cũng theo Cục QLBH, năm 2017 Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ ban hành 2 nghị định: Nghị định về BH nông nghiệp và Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP quy định về chế độ BH cháy, nổ bắt buộc. Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP theo chỉ đạo của Chính phủ…

4. Tin đào tạo

Tổ chức Khóa đào tạo kỹ năng bán hàng trong bảo hiểm tại Hà Nội

21-9(IRT) – Từ ngày 25-26/05/2017, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm tổ chức khóa đào tạo kỹ năng bán bảo hiểm cho các học viên đến từ các Doanh nghiệp bảo hiểm Phi nhân thọ và cán bộ Trung tâm.

Trong thời gian 2 ngày đào tạo, thông qua việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khóa học đã đem lại cho các học viên những kiến thức liên quan tới kỹ năng bán bảo hiểm như: Công việc bán hàng và triết lý bán hàng hiện đại; Quy trình bán hàng chuyên nghiệp; Các kỹ năng hỗ trợ quan trọng trong bán hàng; Tâm lý khách hàng và các phương thức ứng xử phù hợp.

Trong quá trình đào tạo, học viên nhiệt tình tham gia các hoạt động nhóm, các tình huống thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như áp dụng những kỹ năng đã được giảng viên truyền đạt trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm tại doanh nghiệp.

Kết thúc khóa đào tạo, các học viên được Trung tâm NC&ĐT BH Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo Kỹ năng bán hàng trong bảo hiểm.

5. Tin quốc tế

Aviva hướng tới hãng bảo hiểm FinTech nhờ Trí tuệ nhân tạo

21-10(IAN) – Hãng bảo hiểm Aviva đang chuẩn bị để gia nhập thị trường FinTech (công nghệ tài chính) thông qua việc thâu tóm các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn.

Theo Tổng Giám đốc Aviva, ông Mark Wilson, kế hoạch này là một phần trong nỗ lực của hãng nhằm duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành bảo hiểm và tranh thủ được thế mạnh về tài chính hiện nay.

Trong buổi họp báo về “kỷ nguyên công nghệ số” của Aviva tổ chức tại Luân đôn, ông Wilson cho biết các sáng kiến đổi mới của Aviva đã nhận được sự quan tâm của nhiều tên tuổi lớn tại Thung lũng Silicon.

Thương vụ mới nhất hãng đã thực hiện thành công gần đây là bán bớt cổ phần tại Aviva Hồng Kông cho nhà khổng lồ công nghệ Tencent và công ty đầu tư Hillhouse Capital. Theo đó, Aviva Hồng Kông sẽ trở thành công ty bảo hiểm công nghệ, chuyên bán các sản phẩm BHNT và đầu tư cơ bản qua Internet.

Ông Wilson cho biết, mặc dù chưa có giao dịch M&A nào tại thời điểm này song Aviva sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong thời gian tới, có thể là trong lĩnh vực dữ liệu lớn và nền tảng công nghệ.

Chỉ riêng về phát triển công nghệ số, Aviva đã chi ra 100 triệu Bảng mỗi năm.
Bên cạnh đó, Aviva Ventures, công ty con chuyên về đầu tư mạo hiểm của Aviva, cũng đang đầu tư vào các công ty công nghệ 20 triệu Bảng mỗi năm cho đến năm 2020.

Anbang đầu tư 2,67 tỷ Won vào hai công ty bảo hiểm Hàn Quốc

21-11(IAN) – Hãng bảo hiểm Anbang (Trung Quốc) đang lên kế hoạch đầu tư bổ sung 3 nghìn tỷ Won (2,67 tỷ USD) vào hai công ty bảo hiểm Hàn Quốc mà họ mới thâu tóm là Tongyang Life và Allianz Life.

Nguồn tin từ Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc cho biết, Anbang và các công ty liên kết đã trình lên cơ quan quản lý nhà nước về kế hoạch đầu tư này.

Theo đó, Anbang dự kiến sẽ đầu tư nhiều hơn cho hai công ty bảo hiểm này trước khi chính phủ Hàn Quốc đưa ra quy định thắt chặt đầu tư trong ngành bảo hiểm.

Năm 2015, Anbang đã thâu tóm 42% cổ phần tại Tongyang Life với giá 1,13 nghìn tỷ Won. Năm 2016, hãng đã tiếp tục mua toàn bộ cổ phần tại Allianz Life với giá 3,5 tỷ Won.
Trong kế hoạch đầu tư đã được công bố, Anbang cho biết sẽ đầu tư bổ sung 5 nghìn tỷ Won vào hai công ty nêu trên.

Tập đoàn Manulife bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc

21-12(IAN) – Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Manulife vừa bổ nhiệm ông Roy Gori thay thế ông Donald Guloien, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, sẽ nghỉ việc vào ngày 30/9 năm nay.

Trước mắt, ông Gori sẽ trở thành Chủ tịch Tập đoàn từ tháng 6 sắp tới và sau đó chính thức đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc Tập đoàn từ 1/10 và gia nhập Hội đồng quản trị.
Dưới thời ông Guloien, Manulife đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng cũng đã tăng mạnh lợi nhuận.

Ông Guloien cũng là người chịu trách nhiệm triển khai việc mở rộng Manulife châu Á và khối kinh doanh Quản trị tài sản.

Gori gia nhập công ty từ năm 2015. Trước đó, ông làm việc cho ngân hàng Citi bank, đảm nhận các vị trí Giám đốc khách hàng tiêu dùng Bắc Mỹ và Australia, Giám đốc khu vực về ngân hàng bán lẻ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngay sau khi ông Guloien rời khỏi công ty, ông Gori sẽ trực tiếp phụ trách Manulife Canada, Hoa Kỳ và khối đầu tư tại châu Á. Thêm vào đó, ông sẽ xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh cho Tập đoàn.

Fairfax bán cổ phần tại liên doanh Ấn Độ

21-13(IAN) – Tập đoàn tài chính Fairfax Financial đã bán 12,18% cổ phần tại công ty bảo hiểm phi nhân thọ Ấn Độ ICICI Lombard cho Công ty quỹ cổ phần riêng Warburg Pincus, Tập đoàn Clermont Group và Quỹ đầu tư IIFL Special Opportunities Fund.

Giá bán cổ phần không được tiết lộ, tuy nhiên trong một thông báo gần đây, Fairfax cho biết giá trị của công ty ICICI là 203 tỷ Rupee (3,15 tỷ USD). Điều này có nghĩa giá trị giao dịch vào khoảng 24,72 tỷ Rupee.

Công ty bảo hiểm ICICI Lombard là liên doanh giữa Ngân hàng ICICI Bank và Tập đoàn tài chính Fairfax Financial. Trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 83,07 tỷ Rupee.

Tính đến hết tháng 3/2016, công ty đã phát hành hơn 15,8 triệu hợp đồng bảo hiểm và giải quyết hơn 1,62 khiếu nại bồi thường.

Số lượng cổ phần bán ra được phân bổ như sau: Công ty Đầu tư Red Bloom của Warburg Pincus mua 9%; Tập đoàn đầu tư cổ phần riêng Clermont Group của Singapore mua 1,59% thông qua Công ty Tamarind Capital; Quỹ đầu tư cơ hội đặc biệt IIFL Special Opportunities Fund, do Công ty Quản trị tài sản IIFL Asset Management mua 1,59%.

Sau thương vụ này, Fairfax sẽ sở hữu khoảng 22% cổ phần tại liên doanh, trong khi Ngân hàng ICICI nắm giữ 63%.

Pool Re sẽ bồi thường nhanh cho nạn nhân vụ đánh bom Manchester

21-14(INN) – Công ty tái bảo hiểm khủng bố Pool Re của Anh cho biết đã lên kế hoạch phản ứng nhanh đối với bất kỳ khiếu nại bảo hiểm nào xuất phát từ vụ đánh bom liều chết tại thành phố Manchester hồi tuần trước.

Vụ nổ xảy ra sau khi kết thúc buổi hòa nhạc tại sân vận động Manchester Arena, làm chết 22 người và bị thương hơn 100 người. Ngay ngày hôm sau, mức đe dọa rủi ro khủng bố chính thức của Anh đã tăng lên mức “nghiêm trọng”.

Trên website công ty, Pool Re viết: “Pool Re sẽ phối hợp với các thành viên để giải quyết mọi khiếu nại bảo hiểm phát sinh từ vụ tấn công một cách nhanh nhất có thể”.
“Chúng tôi sẽ đưa ra những thông báo bổ sung sau khi có thêm thông tin”.

Đây là vụ đánh bom khủng bố gây chết người nhiều nhất tại Anh kể từ năm 2005 – năm diễn ra vụ tấn công vào hệ thống giao thông công cộng tại Luân đôn vào giờ đi làm buổi sáng, làm 56 thiệt mạng.

Hồi đầu năm nay, một người đàn ông lái xe vào khu vực người đi bộ trên cây cầu Westminster Bridge bắc qua sông Thames, Luân đôn, làm 6 người chết, gồm cả lái xe.

Theo ông Weimeng Yeo, chuyên gia mô hình rủi ro khủng bố tại Tập đoàn Quản lý rủi ro thảm họa RMS, hầu hết các vụ tấn công ở các nước phương Tây đều do các cá nhân thực hiện một cách độc lập.

“Không có sự hỗ trợ và giúp sức từ bên ngoài, hầu hết các vụ tấn công đều mang tính nghiệp dư. Vũ khí sử dụng thường là dao, súng ngắn hoặc xe cộ để đâm vào đám đông. Chẳng hạn vụ tấn công gần đây phía ngoài tòa nhà Quốc hội Anh”, ông Yeo phân tích.

“Tuy nhiên, vụ đánh bom tại buổi hòa nhạc ở Manchester cho thấy mức độ phức tạp đã tăng lên, cao hơn so với các vụ tấn công gần đây tại Anh”.

Nhật Bản: doanh nghiệp BHNT vẫn tiếp tục đương đầu với rủi ro lãi suất

21-15(IAN) – Theo Fitch Ratings, các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản vẫn tiếp tục phải đối mặt với rủi ro lãi suất rất lớn.

Trong một báo cáo mới đây, Fitch Ratings cho biết, các công ty BHNT vẫn không thể tăng thời gian đáo hạn bình quân (Duration) của các tài sản đầu tư do tình trạng lãi suất âm tiếp tục kéo dài.

Để giảm bớt tác động từ rủi ro lãi suất, Fitch khuyến nghị các công ty bảo hiểm tăng vốn từ nguồn thu nhập để lại và các quỹ dự phòng.

Fitch cũng đề xuất các công ty bảo hiểm duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) đủ lớn để đảm bảo được hạng tín nhiệm – điều này một phần có được nhờ việc sử dụng các khoản nợ lưỡng tính.
Đổi lại, các khoản nợ lưỡng tính được sử dụng để thực hiện các giao dịch M&A hải ngoại lớn hơn trong bối cảnh lãi suất thấp kéo dài.

Ấn Độ: bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 16%

21-16(IAN) – Dữ liệu do Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm Ấn Độ (Irdai) cho biết, doanh thu phí thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Ấn Độ trong tháng 4 tăng trưởng 16%, đạt 122,06 tỷ Rupee (1,89 tỷ USD).

Đây là lần đầu tiên, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tư nhân của nước này vượt qua khối các công ty bảo hiểm khu vực công về thị phần doanh thu phí bảo hiểm.

Trong năm tài chính 2017, ngành bảo hiểm phi nhân thọ Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng cao hơn 30% so với năm trước.

Ông Sanath Kumar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Bảo hiểm Quốc gia Ấn Độ, cho biết, khối bảo hiểm tư nhân tăng trưởng 27,88%, chủ yếu nhờ nghiệp vụ bảo hiểm nông nghiệp. Trong khi đó, 4 công ty bảo hiểm nhà nước chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng 5,42%.

Theo ông Pushan Mahapatra, Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm SBI General, tháng 4 vừa qua là thời kỳ tuyệt vời cho các nhà bảo hiểm.

Làn sóng InsurTech thứ hai sẽ gây chấn động ngành bảo hiểm

21-17(INN) – Theo Công ty tư vấn quản trị Oliver Wyman, doanh nghiệp bảo hiểm nên dự kiến làn sóng tiếp theo của InsurTech (công nghệ bảo hiểm) sẽ “có kinh nghiệm hơn, sáng tạo hơn và tham vọng hơn”.

Tiến sỹ Dietmar Kottmann, thành viên góp vốn của công ty, nhận định: “Làn sóng InsurTech thứ nhất đã đem đến rất nhiều đổi mới nhưng chưa gây ra tác động phá hủy đáng kể đối với hệ thống hiện tại”.

“Thời gian tới sẽ diễn ra làn sóng thứ hai… với khả năng sẽ thay đổi thực sự cách thức kinh doanh bảo hiểm. Câu hỏi đặt ra là, ngành bảo hiểm sẽ phản ứng thế nào?”

Mới đây, ông Kottmann và nhà đầu tư InsurTech, ông Policen Direkt, cùng xuất bản báo cáo có tên gọi “Insurtech Caught on the Radar: Hype or the Next Frontier?”

Bản báo cáo chỉ ra các cơ hội chính trong lĩnh vực InsurTech hiện vẫn chưa được khám phá.
Báo cáo viết: Gần đây, đầu tư vào InsurTech “đang có ‘điểm mù’ đối với một số cơ hội hấp dẫn nhất, đòi hỏi phải có các mô hình thật sự sáng tạo, vượt lên trên chuỗi cung ứng hiện nay”.

“Tuy nhiên, để khai thác các cơ hội này, đòi hỏi có thay đổi lớn về cách tiếp cận. Cuộc đua đến những giới hạn mới đang tiếp diễn”.

BTV (tổng hợp).