Tăng viện phí, bệnh nhân có BHYT vẫn lo sốt vó

Thẻ BHYT được coi là chiếc phao cứu sinh cho bệnh nhân mỗi khi đi viện. Tuy nhiên, với những bệnh nhân phải nằm điều trị dài ngày thì khi giá viện phí tăng lên, khoản chi trả từ 5-20% chi phí khám – chữa bệnh là gánh nặng đè lên vai họ.

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Nghệ An có người nhà mổ sỏi mật tại một bệnh viện lớn tuyến trung ương. Chị cho biết, đã gần 20 ngày chăm sóc người nhà tại khoa Hồi sức của BV, dù có thẻ BHYT nhưng chi phí điều trị vẫn rất tốn kém.

“Trước mắt, gia đình vẫn phải bỏ tiền ra mua thuốc, chi trả nhiều khoản khác nhau dễ đến hơn 100 triệu rồi. Bây giờ tôi chỉ mong cho mẹ nhanh khỏi, sớm ra viện, còn bảo hiểm trả cho được bao nhiêu càng tốt. Nhà làm nghề đi biển với buôn bán vài ba con cá, tháng không nổi vài trăm nghìn thì làm gì có tiền…”- chị Hoa buồn rầu nói.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chi phí mỗi lần điều trị ung thư cho bệnh nhân Phạm Thị Hợp (tại Ninh Bình) cũng tốn kém vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Theo chị Hợp, dù chỉ phải chi trả 5% chi phí (khoảng 5,5 triệu đồng/lần) nhưng đây cũng là khoản tiền không nhỏ với những bệnh nhân phải điều trị lâu dài như chị…

Tại một hội nghị mới đây về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, BHYT là chính sách hết sức nhân văn. Giá trị một chiếc thẻ BHYT chỉ khoảng 500.000đ/năm nhưng khi bệnh nhân chẳng may vào viện, mức thanh toán có thể lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí đã có ca bệnh nặng được thanh toán 600 triệu đồng. Nếu không phải vào viện, thì đó cũng thể hiện sự chung tay vì cộng đồng. Do đó, mong muốn của ngành y tế là người dân hãy tham gia BHYT, thực hiện BHYT toàn dân.

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng 56 triệu người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, dù đã có BHYT nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có đủ chi phí để nằm điều trị đến khi khỏi bệnh – nhất là những ca bệnh nặng.

Theo PGS.TS Trịnh Văn Đồng, Phó trưởng khoa Hồi sức gây mê (BV Việt Đức), ngoài được chăm sóc đặc biệt, các bệnh nhân chấn thương não và đa chấn thương còn cần những loại thuốc ngoại giá cao ngoài danh mục bảo hiểm để hỗ trợ hồi phục. Vì vậy, có trường hợp bệnh nhân nặng có khả năng hồi phục nếu được điều trị lâu dài nhưng gia đình cũng đành xin về vì không kham nổi những khoản chi phí tốn kém khác.

Mặc dù Chính phủ cũng đã có quyết định 14 về khám – chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, hỗ trợ một phần cho các trường hợp khó khăn trong đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT hoặc các trường hợp bị bệnh nặng, chi phí điều trị lớn như bệnh ung thư, tim mạch, thận nhân tạo… song, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chính sách BHYT đặc thù dành cho nhóm bệnh nhân này để họ không rơi vào tình trạng khánh kiệt sau điều trị hoặc xin về nhà… chờ chết vì không có tiền.

 

Nguồn: laodong.com.vn

{flike}

Comments are closed.