Tái bảo hiểm phi truyềnthốngchiếm 20% thị phần tái bảo hiểm thảm họa

(Webbaohiem) – Một nghiên cứu mới được công bố gần đây của Aon Benfield Securities cho biết hoạt động phát hành trái phiếu rủi ro thảm họa đã đạt doanh số kỷ lục 9,4 tỷ USD, tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước. Đó là nội dung trích từ bản báo cáo có tựa đề “Cuộc cách mạng nguồn vốn – Sự trỗi dậy của thị trường phi truyền thống” nhằm phân tích các xu hướng chính của thị trường trong giai đoạn 12 tháng tính đến ngày 30/6/2014.

9,4 tỷ USD thu về từ việc phát hành một lượng lớn trái phiếu rủi ro thảm họa, 1,4 tỷ USD doanh thu có được từ 11 giao dịch tái bảo hiểm xít-đờ-ca*, cùng với kết quả từ hoạt động phát hành các công cụ nợ thế chấp (CDO) đã giúp cho lĩnh vực tái bảo hiểm phi truyền thống chiếm tới 20% tổng doanh thu tái bảo hiểm thảm họa về tài sản.

Đáng chú ý là có một số kỷ lục đã được thiết lập trong giai đoạn 12 tháng (1/7/2013-30/6/2014), như: doanh thu phát hành trái phiếu rủi ro thảm họa trong Quý IV/2013 đạt mức cao nhất với 4,5 tỷ USD thu được từ 12 giao dịch, hay doanh thu 6 tháng cuối năm 2013 cũng ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 5,9 tỷ USD – vượt gần 50% so với 6 tháng đầu năm 2013 (4,0 tỷ USD).

Tại thời điểm 30/6/2014, số lượng trái phiếu rủi ro thảm họa đang lưu hành vẫn duy trì mức cao kỷ lục từ trước tới nay, với tổng giá trị 22,4tỷ USD – tăng 4,6 tỷ USD so với cùng thời điểm năm trước.

Trong số các trái phiếu rủi ro thảm họa phát hành mới giai đoạn 12 tháng kể trên, có 24 trái phiếu bảo hiểm cho các rủi ro tại Hoa Kỳ, 5 trái phiếu phát hành cho khu vực châu Âu. Đặc biệt, đã phát hành mới 4 trái phiếu bảo hiểm cho các rủi ro tại Nhật Bản, trong khi 12 tháng trước đó lượng trái phiếu dành cho thị trường này là bằng 0. Điều này thể hiện tiềm lực và sự quan tâm tới thị trường vốn của các hang bảo hiểm Nhật Bản đang tăng lên. Bên cạnh đó, có tới 70% trong tổng số trái phiếu được phát hành nhằm bảo hiểm cho rủi ro tại các nước và khu vực: Úc, châu Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ.

Ước tính đã có khoảng 5-6 tỷ USD vốn chảy vào thị trường tái bảo hiểm phi truyền thống trong 12 tháng(1/7/2013-30/6/2014), khiến cho tổng giá trị dòng vốn cấp cho thị trường này trong 2 năm qua đạt trên 10 tỷ USD.

Trong khi đó, các điều kiện định giá trên thị trường chứng khoán liên kết bảo hiểm (ILS) đang được nới lỏng theo xu hướng trở lại mức thấp lịch sử trước đây. Điều này làm lợi cho các hãng bảo hiểm trên hai khía cạnh: không những làm giảm được ít nhất 20% giá trị lợi tức mà họ phải trả cho nhà đầu tư mà còn là điều kiện để mở rộng phạm vi bảo hiểm với mức giá cạnh tranh.

Theo ông Paul Schultz, Tổng Giám đốc Aon Benfield Securities: “Giai đoạn 12 tháng từ 1/7/2013 đến 30/6/2014 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất của thị trường ILS cũng như thị trường vốn thay thế nói chung. Các doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng lợi từ việc mở rộng phạm vi bảo hiểm, như kéo dài thời gian đáo hạn của trái phiếu và tiếp tục giảm giãn cách lãi suất trở về mức thấp lịch sử. Điều đó đã tạo ra sức hút một số lượng lớn kỷ lục công ty bảo hiểm gia nhập thị trường.Thời hạn (duration) trung bình của trái phiếu đã tăng đều đặn trong 3 kỳ phát hành (định kỳ 6 tháng) vừa qua. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến thị trường mở rộng được như ngày hôm nay là việc phát hành một lượng lớn trái phiếu mới với các điều kiện định giá thật sự hấp dẫn”.

Xét theo định kỳ năm, đến thời điểm 30/6/2014, tất cả trái phiếu trong các chỉ số của Aon Benfield ILS đều đem lại lợi nhuận. Cụ thể, chỉ số Aon Benfield All Bond (mọi trái phiếu) và BB-rated Bond Indices (trái phiếu hạng BB) đạt mức sinh lời lần lượt là 7,74% và 4,99%. Chỉ số U.S. Hurricane (bão Hurricane) và U.S. Earthquake Bond (trái phiếu động đất của Hoa Kỳ) ghi nhận mức lợi nhuận tương ứng là 8,94% và 4,33%.

Đáng chú ý là tất cả các chỉ số thành phần của Aon Benfield ILS đều vượt trội so với hầu hết các chuẩn thu nhập lãi suất cố định trên thị trường. Tuy nhiên, chúng vẫn thấp hơn mức sinh lời của hai chỉ số3-5 Year BB High Yield Index và S&P 500 Index.

————-

(*) Tái bảo hiểm xít-đờ-ca: là loại hình giao dịch tái bảo hiểm phi truyền thống, theo đó một tổ chức chuyên biệt đứng ra nhận chuyển nhượng rủi ro từ doanh nghiệp bảo hiểm, rồi trên cơ sở đó phát hành các công cụ nợ (như giấy chứng nhận nợ, trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi…) để huy động vốn từ nhà đầu tư.

Thu Phương (Theo Actuarialpost).

{fcomment}

Comments are closed.