Rắc rối việc bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định của pháp luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), người lao động (NLĐ) phải có thời gian đóng BHTN 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Nhưng trên thực tế vấn đề BHTN đang gây bức xúc cho cả NLĐ lẫn doanh nghiệp (DN)…

Nếu DN đóng đủ BHXH thì cơ quan BHXH làm thủ tục chốt sổ để NLĐ được hưởng BHTN. Nếu DN còn nợ BHXH tối đa 3 tháng và có công văn cam kết trả nợ cũng được chốt sổ BHXH. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tình trạng DN còn nợ tiền BHXH đang ngày càng trở nên phổ biến với thời gian nợ kéo dài, cơ quan BHXH khó có khả năng thu hồi.

Vì vậy, với những DN như vậy, cơ quan BHXH sẽ không làm thủ tục chốt sổ, NLĐ không được hưởng BHTN. Như vậy, đối với những DN đã thu tiền BHXH từ lương của NLĐ nhưng cố tình không đóng cho BHXH thì rõ ràng đó là lỗi của DN. Thế nhưng, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào buộc DN phải đền bù trong trường hợp này nên phần thiệt hại vẫn thuộc về NLĐ.

Bà Vương Thị Kim Oanh – Giám đốc BHXH quận Bình Thạnh cho biết: “Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, chúng tôi cũng đã đốc thu, nhắc nợ đối với những DN nợ ít. Nhưng còn đối với những DN nợ dai dẳng từ 3 tháng trở lên thì buộc phải đưa vào danh sách khởi kiện”. Ông Nguyễn Văn Hết – Giám đốc BHXH quận 12 cũng cho rằng “hiện trên địa bàn quận 12 có 584 đơn vị nợ BHXH. Nhưng trong đó, có đến 105 đơn vị nợ trên 12 tháng”.

Theo BHXH TP HCM thì tính đến ngày 30/4, tại các quận, huyện trên địa bàn TP HCM có đến 2.918 DN nợ BHXH với số tiền 136,5 tỷ đồng. Như vậy, với tình hình hình kinh tế khó khăn kéo dài, đã có hàng loạt DN phá sản, giải thể, ngưng hoạt động và kéo theo đó là số lượng lớn NLĐ đang làm việc tại các đơn vị này phải mất việc, thôi việc. Do không được chốt sổ BHXH (nguyên nhân là lỗi của DN) nên nhiều LĐ không đủ hồ sơ để làm thủ tục hưởng BHTN.

alt

Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động đang gặp nhiều khó khăn.

Trong khi có rất nhiều DN trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH khiến NLĐ rơi vào khốn đốn do không được hưởng BHTN thì cũng có khá nhiều DN đang “đau đầu” vì tình trạng biến động lao động kể từ khi có các chính sách BHTN. Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN Long An, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Long An bức xúc: Luật về thất nghiệp đang làm biến động lực lượng lao động ghê gớm.

Đồng ý rằng, luật ra đời là để hỗ trợ quyền lợi NLĐ nhưng thực tế khi triển khai đã có nhiều bất cập. Mặc dù mức lương DN trả cho NLĐ ở mức khá cao, trên 4 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có nhiều lao động làm việc 1-3 năm quyết định nghỉ làm để được hưởng trợ cấp 3-6 tháng lương.

Sau đó, họ tiếp tục xin việc ở công ty khác và làm để hưởng lương. Lao động làm việc 1-3 năm nghỉ làm để được hưởng trợ cấp 3-6 tháng lương đã đành, nhiều DN lao động gắn bó 20-30 năm cũng nghỉ để hưởng trợ cấp một “gói” mấy chục triệu đồng. Với tình trạng như trên, nếu như trước đây Công ty Dệt may Long An chỉ tuyển dụng lao động 1-2 lần trong năm, thì hiện nay công ty trưng bảng tuyển dụng quanh năm nhưng vẫn không đủ lao động.

“Điều nghịch lý NLĐ đang xin, hưởng trợ cấp, nhưng cùng lúc vẫn có thể làm ở DN khác, lãnh tiền 2 nơi nhưng các cơ quan liên quan không thể kiểm soát được”, đó là ý kiến chung của nhiều DN. Về vấn đề này, ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, đây là chủ trương đúng nhằm hỗ trợ, giúp NLĐ thất nghiệp trong khi chờ tìm việc mới. Tuy nhiên quá trình thực hiện chưa chặt chẽ dễ dẫn đến việc bị lợi dụng”. Vì vậy, trước thực trạng trên, các DN kiến nghị cơ quan chức năng cần “nghiên cứu” lại vấn đề này để ổn định thị trường lao động. Đồng thời, cũng có những chế tài thật nghiêm để răn đe các DN vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi NLĐ

(CAND Online).

Comments are closed.