Quá trình sửa đổi các chuẩn mực kế toán bảo hiểm diễn ra với tốc độ chậm (Phần 1)

altTheo tạp chí nghiên cứu Sigma (Swiss Re), đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng các chuẩn mực kế toán bảo hiểm mới, tuy nhiên những chi tiết quan trọng vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu.

Một kết luận quan trọng từ bài viết “Insurance Accounting Reform: A Glass Half Empty or Half Full?’ cho biết những đề xuất sửa đổi chuẩn mực kế toán bảo hiểm sẽ góp phần giúp cho các báo cáo tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm đầy đủ thông tin và ý nghĩa hơn. Song có thể chúng vẫn cần được bổ sung thêm các thước đo khác để chuyển tải chính xác và rõ ràng các giá trị kinh tế cơ bản của công ty bảo hiểm tới cổ đông và những người liên quan. Báo cáo cũng chỉ ra rằng quá trình sửa đổi các chuẩn mực kế toán bảo hiểm vẫn đang diễn ra với tốc độ chậm.

Báo cáo cho biết trong hơn một thập kỷ vừa qua, ban sửa đổi chuẩn mực kế toán đã phải nỗ lực để cải thiện các thông lệ kế toán bảo hiểm. Đặc biệt, Ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) phối hợp với Ban Chuẩn mực kế toán tài chính Mỹ (FASB) đã xây dựng mô hình định giá mới cho các hợp đồng bảo hiểm và tìm kiếm giải pháp nâng cấp các chuẩn mực kế toán hiện hành đối với các công cụ tài chính khác.

Tại cuộc họp vào tháng 9/2012, IASB quyết định sẽ thu thập bổ sung các ý kiến phản hồi của các chuyên gia trong ngành đối với đề án này. 

Theo ông Kurt Karl, Kinh tế trưởng của Swiss Re, quyết định trên của IASB thể hiện sự sẵn sàng tiếp tục lộ trình cải cách song theo chiều hướng thực tế hơn. Điều đó có nghĩa là các chuẩn mực kế toán quốc tế về bảo hiểm sẽ không thể hoàn thành trước 2016.

Để lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp cần có các phương pháp để định giá tài sản và nợ phải trả cũng như ghi nhận doanh thu và chi phí. Nếu dựa trên giá trị danh nghĩa, điều này là khá đơn giản, tuy nhiên trên thực tế, có khá nhiều vấn đề liên quan đến kỹ thuật định giá và các thước đo cần được làm sáng tỏ. Mặc dù đây không phải là vấn đề riêng của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng nó trở nên cấp bách hơn so với các ngành khác.

Một vấn đề nan giải là dòng tiền tương lai của các hợp đồng bảo hiểm khó có thể dự đoán được, vì vậy việc xác định giá trị của chúng gặp phải nhiều khó khăn.

Một số rủi ro bảo hiểm khá đơn giản, chẳng hạn bảo hiểm xe máy. Nhưng những sản phẩm khác khá phức tạp và trách nhiệm bảo hiểm có thể kéo dài trong nhiều năm, khiến cho việc xác định giá trị (và công tác kế toán) càng trở nên khó khăn.

Ví dụ, để xác định giá trị của các cam kết bảo hiểm nhân thọ dài hạn, nhà bảo hiểm phải xem xét không chỉ thời gian và quy mô của các khoản phải trả, mà còn tính tới khả năng và mức độ sẵn sàng nộp phí của người chủ hợp đồng

bao hiem, bảo hiểm, tin tuc bao hiem, tin tức bảo hiểm, tin bao hiem, tin bảo hiểm

Hệ thống kế toán hiện tại có thể gây ra sai lệch

Trước những thử thách nói trên, mô hình hỗn hợp các phương  pháp đã ra đời. Công ty bảo hiểm hạch toán tài sản dựa trên giá trị lịch sử hoặc giá trị thị trường dựa trên thời gian dự kiến sử dụng của tài sản, đồng thời trích lập quỹ dự  phòng nghiệp vụ để trang trải các trách nhiệm trong tương lai.

Điều này không những tạo ra các sai lệch về số liệu kế toán mà còn gây ra các sai lệch kinh tế nghiêm trọng trong trường hợp giá trị của tài sản hoặc nợ phải trả vận động ngược chiều nhau trước mỗi thay đổi trong môi trường kinh tế.

Chẳng hạn,  những trách nhiệm bảo hiểm kéo dài qua nhiều năm sẽ nhạy cảm hơn đối với những thay đổi của lãi suất, so với giá trị của các tài sản đối ứng nếu các giả định tính phí được cố định ngay từ đầu. Thêm vào đó, sự khác biệt đáng kể giữa thông lệ kế toán các nước càng khiến cho việc so sánh các nội dung trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm trở nên thiếu chính xác.

Hết Phần 1

Mời các bạn đón đọc tiếp Phần 2.

Thảo Phương (tổng hợp)

Comments are closed.