Phải có chế tài đối với người sử dụng lao động

Cần có chế tài thích hợp để buộc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: Bá Hoạt(HNM) – Chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực từ đầu năm 2009 nhưng việc thực thi hiện nay vẫn đang còn nhiều vướng mắc.

Để làm tốt chính sách BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều cuộc họp trao đổi, rút kinh nghiệm với nhiều cơ quan chức năng đã ban hành Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHTN… Thế nhưng, vẫn còn người sử dụng lao động chưa thực hiện đủ trách nhiệm của mình.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, nếu như cuối năm 2009, cả nước có trên 5,4 triệu người tham gia BHTN thì đến giữa tháng 6-2010, đã có trên 6,4 triệu người tham gia BHTN. Tính đến tháng 10-2010, cả nước có 128.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người được tư vấn giới thiệu việc làm chiếm 80% trong số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Kết quả này là một trong những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi tham gia BHTN.
Xét về phía người sử dụng lao động, mặc dù Luật BHXH đã quy định một số trách nhiệm như tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN cho người lao động tại doanh nghiệp của mình; thực hiện đúng việc tham gia và đóng BHTN cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng BHTN sau hai ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày người lao động yêu cầu; hướng dẫn người lao động đăng ký thất nghiệp khi họ bị mất việc làm. Đồng thời, chủ sử dụng lao động phải cung cấp các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến người lao động chậm nhất hai ngày kể từ ngày người lao động bị mất việc hoặc bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng việc làm; thực hiện các thủ tục trong việc xác nhận hoặc chốt sổ BHXH cho người lao động để người lao động kịp hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN theo quy định… Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng còn một số vướng mắc khi thực hiện các quyền lợi cho người lao động như thiếu giấy tờ, chưa chấm dứt được hợp đồng lao động, cơ quan BHXH chậm chốt sổ; người lao động từ chối công việc được giới thiệu. Trong khi đó, chưa có một định nghĩa nào là lý do chính đáng khi người lao động từ chối công việc được giới thiệu.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực tế khi mới triển khai các chính sách về BHTN, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc làm cho việc thực hiện luật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu để chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp. Ví dụ thế nào là từ chối việc làm mà không có lý do chính đáng, hay những trình tự thủ tục như thế nào cho phù hợp tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH quy định thêm đối tượng thực hiện các chính sách, quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; những người có việc làm là những người đã giao kết hợp đồng lao động kể cả thời gian thử việc từ 3 tháng trở lên. Những người có quyết định tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức không thuộc diện có giao kết hợp đồng lao động, những người đã có đăng ký kinh doanh theo quy định được gọi là đã có việc làm. Thông tư cũng quy định rõ trường hợp từ chối lý do bất khả kháng. Ngay cả điều kiện hưởng BHTN cũng quy định rất rõ ràng, ví dụ như thời gian chưa tìm được việc làm tính theo ngày làm việc (ngày thứ hai đến hết ngày thứ sáu hằng tuần) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm theo quy định… Thực tế, còn nhiều người thất nghiệp nhưng chưa được hưởng chế độ là do việc chậm trễ của doanh nghiệp khiến người thất nghiệp chưa đủ thủ tục giấy tờ, cơ quan BHXH không chốt được sổ BHXH.

Riêng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, ông Trung cũng cho biết thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46 xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về lĩnh vực BHXH, trong đó có BHTN. Thông tư 32 cũng quy định rất rõ: trong 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan BHXH của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thực hiện việc chốt sổ BHXH về BHTN cho người lao động.

Như vậy, các văn bản đã quy định chi tiết về thời gian và chế độ đối với người lao động tham gia BHTN cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài thích hợp để buộc các doanh nghiệp phải cấp đầy đủ hồ sơ, thủ tục cho người lao động để kịp thời thực hiện các quy định của pháp luật về BHTN.

Kim Vũ
Báo Hànộimới

Comments are closed.