Mankiw: Chuông sẽ điểm vào năm 2026

alt(Stox.vn) – Theo giáo sư kinh tế học Mankiw, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công trong 15 năm tới vì chính những chính sách và chương trình chi tiêu hiện nay của chính phủ.

Bài viết của giáo sư kinh tế đại học Harvard N.Gregory Mankiw được đăng tải trên tờ New York Times.

Dưới đây là bài diễn văn của Tổng thống trước nước Mỹ – sẽ được phát biểu vào tháng 3 năm 2026.

Những người bạn Mỹ của tôi, tôi đứng trước các bạn hôm nay với trái tim nặng trĩu. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Do chính chúng ta gây ra. Và đẩy chúng ta vào con đường không còn sự lựa chọn tích cực nào nữa.

Trong nhiều năm, chính phủ đã chi tiêu vượt ngoài khả năng. Chúng ta đã tự đảm bảo thuế suất thấp và hệ thống an sinh xã hội hào phóng. Nhưng chúng ta chưa phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt của công việc tính toán ngân sách.

Những hạt giống của cuộc khủng hoảng này được gieo mầm từ một thời gian dài trước đây, bởi những thế hệ trước. Cha mẹ và ông bà của chúng ta đã có những mục tiêu cao cả. Họ thấy sự nghèo khó tồn tại trong những người già và tạo ra Quỹ An sinh Xã hội. Họ thấy bệnh tật và tạo ra chương trình chăm sóc và hỗ trợ sức khỏe. Họ thấy người Mỹ chật vật để trang trải cho bảo hiểm sức khỏe và gây áp lực cải cách các chương trình chăm sóc sức khỏe với  các khoản trợ cấp đối với các gia đình trung lưu.

Nhưng những chương trình mở rộng này của chính phủ không hề rẻ. Chi tiêu chính phủ đã chiếm một phần ngày càng lớn trong thu nhập quốc gia.

Ngày nay, hầu hết thế hệ ở thời kỳ bùng nổ sinh nở đều đã nghỉ hưu. Họ không còn làm việc và đóng thuế, nhưng  họ có đầy đủ quyền được hưởng  phúc lợi của chính phủ.

Những nỗ lực của chúng ta trong việc kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe đã thất bại. Chúng ta phải nhận thức được rằng chi phí gia tăng được thúc đẩy bởi những tiến bộ kỹ thuật trong việc cứu sống người bệnh. Những tiến bộ này là đáng mừng, nhưng dù sao chúng cũng đắt đỏ.

Nếu chúng ta đã chọn cách tự đánh thuế để chi trả cho việc chi tiêu, những vấn đề hiện nay của chúng ta có thể đã tránh được. Nhưng không ai thích việc đóng thuế. Thuế không chỉ lấy tiền từ túi chúng ta mà còn làm méo mó các ưu đãi và giảm tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, thay vào đó, chúng ta đi vay nợ một lượng ngày càng lớn để chi trả cho các chương trình này.

Tuy nhiên, nợ không tránh được những lựa chọn khó khăn. Nó chỉ trì hoãn chúng. Sau những sự kiện của tuần trước trên thị trường trái phiếu, rõ ràng chúng ta không còn có thể trì hoãn hơn nữa. Ngày thanh toán đã tới.

Sáng nay, Bộ Tài chính đã ra báo cáo chi tiết về bản chất của vấn đề. Nói một cách đơn giản nhất, thị trường trái phiếu không còn tin tưởng vào chúng ta.

Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ đã vay mượn với những điều khoản thuận lợi. Các nhà đầu tư cả nội địa lẫn nước ngoài đều tin rằng chúng ta có thể trả nợ. Họ dám chắc rằng khi tới đúng thời điểm, chúng ta sẽ đưa ra những chính sách đúng đắn và đưa chi tiêu cũng như thuế suất về mức hợp lý.

Nhưng trong vài năm qua, khi tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội của chúng ta đạt mức cao nhất từng có, các nhà đầu tư bắt đầu lo lăng. Họ yêu cầu lợi suất cao hơn để bù đắp cho những rủi ro nhận thấy. Lợi suất tăng cao làm gia tăng chi phí tài trợ nợ của chúng ta, thúc đẩy các áp lực ngày càng lớn lên chi tiêu. Chúng ta thấy mình rơi vào vòng luẩn quẩn giữa sự gia tăng thâm hụt ngân sách và niềm tin nhà đầu tư sụt giảm.

Như nhiều nhà kinh tế học thường nhắc nhở chúng ta, mất một thời gian dài hơn bạn nghĩ trước khi khủng hoảng thực sự bùng nổ, nhưng sau đó chúng xảy ra nhanh hơn bạn tưởng. Tuần trước, khi Bộ Tài chính cố bán đấu giá các trái phiếu chính phủ phát hành mới nhất, gần như không có ai tham gia mua. Thị trường sẽ không cho chúng ta vay nữa. Thẻ tín dụng của chúng ta đã bị từ chối.

Vậy chúng ta sẽ đi về đâu?

Hôm qua, tôi trở về từ cuộc họp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại trụ sở mới của tổ chức này tại Bắc Kinh. Tôi vui lòng khi được thông báo rằng chúng ta có một số tin tốt. Tôi đã xoay xở để nhận được sự đảm bảo từ IMF về một chương trình tín dụng để giúp chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Khoản vay này đi kèm với một số điều kiện. Với tư cách là Tổng thống của các bạn, tôi phải thành thật: tôi không thích những điều kiện này và các bạn cũng vậy. Nhưng với tình hình hiện nay, chấp nhận những điều kiện đó là lựa chọn duy nhất của chúng ta.

Chúng ta phải cắt chương trình An sinh Xã hội ngay lập tức, đặc biệt đối với các nhóm lợi ích có thu nhập cao. Chương trình An sinh Xã hội sẽ tiếp tục được duy trì đối với những người già trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng chỉ ở mức vừa đủ.

Chúng ta cũng phải giới hạn lại chương trình hỗ trợ và trợ cấp sức khỏe. Những chương trình này sẽ tiếp tục cung cấp những chăm sóc sức khỏe cơ bản nhưng sẽ không còn trợ cấp cho các cuộc điều tri ốn kém. Các cá nhân sẽ phải tự thanh toán cho bản thân những cuộc điều trị này hoặc buồn thay là chấp nhận không nhận được những chữa trị này.

Chúng ta phải cắt trợ cấp bảo hiểm sức khỏe cho những gia đình có thu nhập ở mức trung bình. Bảo hiểm sức khỏe cũng sẽ không chỉ là quyền lợi của công dân mà thuộc về trách nhiệm cá nhân nhiều hơn.

Chúng ta cũng phải loại bỏ các chức năng không cần thiết của chính phủ, giống như các trợ cấp nông nghiệp, sản xuất ethanol, phát thanh công cộng, xúc tiến thương mại và dự trữ năng lượng.

Chúng ta sẽ nâng thuế đối với tất cả các công dân trừ những người nghèo nhất trong xã hội Mỹ. Chúng ta sẽ thực hiện điều này chủ yếu bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế, loại bỏ việc giảm lãi suất cho vay thế chấp và thuế liên bang cũng như địa phương.

Chúng ta sẽ tăng thuế xăng lên 2USD/ gallon. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn thay đổi được những vấn đề của xã hội, từ thay đổi khí hậu toàn cầu tới tắc nghẽn giao thông địa phương.

Như tôi đã nói, những thay đổi này cũng làm tôi khó chịu. Khi các bạn lựa chọn tôi, tôi đã hứa sẽ thực hiện hệ thống an sinh xã hội. Tôi đảm bảo các bạn rằng thâm hụt ngân sách có thể được sửa chữa bằng cách loại trừ lãng phí, tham những, lạm dụng quyền lực, và bằng cách tăng thuế lên chỉ những người giàu nhất nước Mỹ. Nhưng hiện nay chúng ta có rất ít lựa chọn.

Nếu chúng ta đối mặt với vấn đề này một thế hệ trước. Các lựa chọn cũng không hề dễ dàng nhưng chúng ra sẽ bớt khắc nghiệt hơn những đòi hỏi bức thiết và không thể thay đổi được mà chúng ta phải đối mặt hiện nay. Người Mỹ đã có thể bớt phụ thuộc vào chính phủ và tự chủ hơn, vì thế sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn cho ngày hôm nay.

 Anh Đặng
Stox.vn

Comments are closed.