Kết dư Quỹ BHYT hàng trăm tỷ: Bệnh nhân vẫn è cổ nộp tiền

Khi ngành y tế rục rịch tăng giá viện phí, ai cũng lo ngại việc điều chỉnh này sẽ gia tăng gánh nặng cho người bệnh. Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND thành phố Hà Nội tại 2 BV hạng 1 trên địa bàn lại phát hiện xu thế ngược lại, vì giá viện phí thấp nên mỗi năm các BV kết dư quỹ BHYT hàng trăm tỷ đồng song BV không được sử dụng, còn bệnh nhân vẫn phải nộp thêm tiền.

alt

 

 

Viện phí thấp, nhiều bệnh nhân đến BV Xanh Pôn chấp nhận khám dịch vụ.

 

 

Mức thu tăng, mức chi vẫn… vậy

Khoảng 80% bệnh nhân đến BV Xanh Pôn thuộc đối tượng có bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó tỷ lệ bệnh nhân nội trú có BHYT là 2/3, bệnh nhân ngoại trú là 4/5, nên phần lớn khoản thu vào của BV từ chi phí khám chữa bệnh là do cơ quan BHYT thanh toán. Từ khi thực hiện Luật BHYT vào năm 2010, nguồn quỹ BHYT tại BV tăng gấp 1,5 lần so với năm 2009. Cũng vì vậy, năm 2010, với hơn 400.000 thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh, số kết dư quỹ BHYT tại BV này lên đến hơn 98 tỷ đồng và đến năm 2011 lại kết dư thêm 90 tỷ đồng nữa… Đáng chú ý là trong khi quỹ BHYT tại BV kết dư đến hàng trăm tỷ đồng mà BV vẫn kêu khó khăn về tài chính, còn bản thân những người bệnh BHYT vẫn phải gồng lưng đóng các khoản tiền không nhỏ để đồng chi trả với BHYT, bất chấp số tiền mà họ phải bỏ ra mua thẻ BHYT mỗi năm đã tăng lên.

Trao đổi về nghịch lý này, ông Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – BV Xanh Pôn chia sẻ, giá viện phí quá thấp và không được điều chỉnh kịp thời nên dẫn đến tình trạng quỹ kết dư mà người bệnh không được thụ hưởng, bản thân BV cũng không được sử dụng. Ông Thân phân tích, theo quy định của Luật BHYT thì bệnh nhân phải đóng tiền phí tham gia BHYT (mua thẻ) theo tỷ lệ % lương (hiện là 4,5% lương cơ bản), trong khoảng 10 năm qua tiền lương đã được điều chỉnh tăng đến chục lần, nghĩa là khoản phí mà người bệnh phải đóng để mua thẻ BHYT cũng tăng lên hàng chục lần. Vậy nhưng cũng trong 15 năm qua, phí dịch vụ y tế không hề thay đổi, nguồn chi từ BHYT cho khám chữa bệnh cũng không thay đổi, đồng nghĩa với việc người bệnh phải đóng tiền BHYT cao hơn nhưng lại không được BHYT chi trả nhiều hơn và đương nhiên là quỹ BHYT sẽ kết dư.

Tương tự, bà Chu Thị Dự, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, tại BV Thanh Nhàn hiện quỹ BHYT cũng đang kết dư tương đối lớn song do Hà Nội vẫn đang thực hiện khung giá viện phí cũ nên người bệnh vẫn phải chịu gánh nặng chi phí, trong khi BV không đủ kinh phí hoạt động.

Nợ đầm đìa, BV là con bệnh!

Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng phòng Tài chính kế toán – BV Xanh Pôn ví von: “BV là nơi chữa bệnh, cứu người song bản thân BV Xanh Pôn cũng đang là một con bệnh, một con bệnh rất nặng về tài chính do mất cân đối thu chi”. Ông Nhất dẫn chứng, chi phí tiền thuốc luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí khám chữa bệnh, trước đây thường BV thanh toán tiền thuốc cho các doanh nghiệp cung cấp thuốc trong thời gian khoảng 30-50 ngày nhưng nay vì khó khăn tài chính nên BV buộc phải đổ lên đầu doanh nghiệp, chậm thanh toán tiền thuốc cho doanh nghiệp khoảng 4-5 tháng là chuyện bình thường”. Nguyên nhân cũng chỉ vì phí dịch vụ y tế quá thấp và không điều chỉnh, trong khi các chi phí phục vụ khám chữa bệnh như điện nước, vật tư tiêu hao, vệ sinh và duy tu sửa chữa… liên tục tăng.

Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV Xanh Pôn phân tích, bệnh nhân đòi hỏi ngày càng cao, từ chất lượng khám chữa bệnh đến y đức, thái độ phục vụ, bản thân cán bộ y bác sĩ cũng đòi hỏi phải có thu nhập tương xứng. Đó là nhu cầu tất yếu nhưng với cơ chế hiện nay, khi viện phí thấp, mức đầu tư cho y tế chưa đáp ứng được hoạt động của BV thì việc giải quyết mối mâu thuẫn nói trên khó làm được. Chẳng hạn như kỹ thuật đặt ống dẫn lưu màng phổi hiện BV được BHYT chi trả 64.000 đồng, tuy nhiên giá mua 1 sonde dẫn lưu đã là 240.000 đồng (theo giá đấu thầu) và như vậy, để chi phí điều trị không bị thâm hụt BV buộc phải sử dụng sonde 

Nelaton (là sonde dùng để thông tiểu) hoặc tận dụng dây truyền dịch để làm sonde dẫn lưu màng phổi, việc đảm bảo an toàn bệnh nhân và chất lượng điều trị rất khó. Nhiều bệnh nhân phải bỏ tiền túi để có được chất lượng dịch vụ tốt hơn bằng khám tự nguyện. Với cán bộ nhân viên y tế, “mỗi lần tăng lương, chúng tôi hết sức lo lắng vì không có nguồn nào để chi trả, buộc phải co kéo từ quỹ này sang quỹ kia để bù đắp, đảm bảo cho cán bộ công nhân viên được hưởng theo chính sách, thậm chí phải cắt bớt phụ cấp” – bà Nhi chia sẻ.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND thành phố ngày 6-9, phía BV Xanh Pôn đề xuất thành phố duyệt cho điều chỉnh tăng giá từ 150-200 dịch vụ kỹ thuật, chiếm 10% tổng số kỹ thuật đang thực hiện tại BV, với mức điều chỉnh tăng giá khoảng 70-80% khung tối đa. BV Thanh Nhàn cũng đồng quan điểm cho rằng mức giá dịch vụ y tế mới đã xây dựng khá sát với thực tế và nên sớm đưa vào thực hiện, tuy nhiên phải có lộ trình điều chỉnh giá viện phí theo chi phí thực tế.

Nguồn anninhthudo.vn

{flike}

 

Comments are closed.