Hội thảo chuyên đề “Những thách thức trong dạy nghề ở Việt Nam và Đức”

Trong 2 ngày từ 1 – 2/12/2010, Hội Dạy nghề Việt Nam đã phối hợp với Hiệp hội Đào tạo Didacta và Viện Dạy nghề Liên bang (BiBB) tổ chức Hội thảo chuyên đề “ Những thách thức trong dạy nghề ở Việt Nam và Đức”. Tham dự, có Thứ trưởng Thường trực Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc; bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam; 250 đại biểu thuộc các trường dạy nghề, các cơ sở dạy nghề là hội viên Hội Dạy nghề Việt Nam. Về phía Đức, có Viện trưởng Viện Dạy nghề Liên bang (BiBB), Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Didacta, các nhà khoa học đại diện các doanh nghiệp, công ty của Đức như Rexroth, Lico, Greentech…

Viện trưởng BiBB cho biết, trong thế kỷ 21, CHLB Đức tiếp tục là một nước đa dân tộc, vì thế, nước Đức chấp nhận người nhập cư từ các nước khác đến. Số lượng lao động trong các ngành dịch vụ ngày càng cao và dạy nghề ở những ngành nghề mới cũng phát triển hơn. Mặt khác, người nhập cư thường có trình độ học vấn thấp, 15% thanh niên là những trẻ em nhập cư lớn lên không có bằng nghề. Tuy vậy, các doanh nghiệp và các trường nghề của Đức vẫn chấp nhận đào tạo lại cho đối tượng lao động phổ thông nhằm giải quyết khó khăn cho người nhập cư và qua đó họ có thể góp phần phát triển đất nước. Đồng thời, Viện BiBB tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Nhà nước đẩy mạnh dạy nghề cho học sinh ngay từ cấp phổ thông để sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay.

Quá trình quốc tế hoá, toàn cầu hoá liên quan đến giáo dục dạy nghề là điều kiện tốt để giáo viên trường nghề và người học nghề các nước có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm với nhau nên cần phải xây dựng chuẩn đào tạo và định hướng cho người lao động để họ đạt được các tiêu chí đã đề ra đồng thời có thể so sánh trên thị trường lao động quốc tế và được thị trường chấp nhận. Vì thế, Nhà nước phải có những chính sách phù hợp với sự tư vấn, tham gia của các nhà khoa học về dạy nghề.

Các nhà khoa học đến từ CHLB Đức nhấn mạnh, nền giáo dục trong mỗi giai đoạn khác nhau nên sẽ có những nét khác biệt, từ chỗ có một việc làm và thu nhập ổn định ở thế kỷ 20 nay hướng đến lao động và học tập suốt đời ở thế kỷ 21 và việc thực hiện triết lý phát triển nhân lực của thế hệ trẻ ngay từ đầu và rất sớm sẽ giúp họ có kỹ năng hiểu biết tâm lý và tư duy trừu tượng. Do môi trường xã hội thay đổi, nên thế hệ trẻ phát triển sớm về tâm lý và suy nghĩ. Bởi vậy, cần phải giáo dục sớm để giúp họ phát huy tính tự lập của họ trên cơ sở giao tiếp, tham gia hoạt động xã hội và nâng cao trách nhiệm xã hội.  

Bên cạnh đó, công tác dạy nghề ở Đức cũng còn nhiều thách thức, nguyên nhân là do những biến đổi nhân khẩu học (dân số giảm) dẫn đến số lượng người học nghề giảm và lao động cũng giảm. Từ đó có hiện tượng dư thừa trường nghề nên sự cạnh tranh giữa các cơ sở dạy nghề ngày càng lớn nhằm thu hút học viên (học sinh trong nước và nước ngoài). Dự báo, đến năm 2020 nước này sẽ giảm 20% số người học nghề và giảm 1,5 triệu lao động/1 năm.

Trong khuôn khổ hội thảo, các công ty và các trường dạy nghề đã có dịp gặp gỡ trao đổi hợp tác về dạy nghề, chuyển giao công nghệ,…


Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

www.molisa.gov.vn

Comments are closed.