Gian nan đòi bồi thường bảo hiểm ô tô

Khi mua bảo hiểm ô tô, khách hàng được hứa hẹn rất nhiều chuyện bồi thường nếu gặp rủi ro. Nhưng trên thực tế, khi chiếc xe gặp sự cố hỏng hóc, va đâm, khách hàng mất quá nhiều thời gian và rắc rối để được hưởng bồi thường bảo hiểm.

o_to_nc_ngoai_gay_tnan_2Mỗi khi xe gặp sự cố, chủ xe vẫn gặp khó khăn trong việc đòi bồi thường bảo hiểm

Ba năm mới đòi được 1/3 chi phí thiệt hại

Ông Lê Huy Du, trú tại số 41, ngõ 260, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội, là chủ xe ô tô Honda Civic mang BKS 30Y – 4917. Chiếc xe này đã được ông Du mua bảo hiểm vật chất tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm PJICO (Giấy chứng nhận bảo hiểm số 00118057, có hiệu lực từ 15h ngày 7/5/2010 – 15h ngày 7/5/2011). 4h sáng ngày 1/9/2010, xe của ông Du gặp tai nạn tại cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội, khi đó người điều khiển chiếc xe là anh Phạm Văn Hải (SN 1990). Theo kết luận của Công an quận Long Biên, do anh Hải điều khiển xe ô tô tránh một ô tô khác vượt lên tạt trước đầu xe mình đã tự đâm vào thanh sắt chắn ngang cầu (lúc đó cầu đang thi công) nên xảy ra tai nạn.

Ông Lê Huy Du cho biết: “Mặc dù tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ yêu cầu PJICO bồi thường thiệt hại theo quy định nhưng hơn 2 năm kể từ khi gặp nạn, PJICO không có bất kỳ văn bản nào trả lời về giải quyết bồi thường thiệt hại cho tôi. Chỉ đến khi vụ việc được đưa ra công luận, ngày 11/9/2012, tức là 2 năm 10 ngày sau vụ tai nạn, PJICO mới có Công văn số 208/2012/PJICOHN/XCG gửi cho tôi nhưng từ chối bồi thường với lý do: Căn cứ vào biển hạn chế tốc độ tối đa cho phép tại nơi xảy ra tai nạn là 15km/h; khoảng cách từ đầu cầu tới điểm va chạm là 47m, tương đương khoảng thời gian 11,28 giây, nếu là lái xe giật mình điều khiển lái xe mất hơn 11 giây là không thể xảy ra…”. Trong khi đó, Trung sỹ Đào Tuấn Anh, Đội CSGT – Trật tự – Phản ứng nhanh – Công an TP Hà Nội, người lập biên bản vụ TNGT trên cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản kết luận việc lái xe gây tai nạn là hệ quả trực tiếp việc tránh xe khác vượt lên tạt trước đầu xe mình, được xem là tình thế cấp thiết được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp này tất cả các lái xe tỉnh táo cũng sẽ lựa chọn cách như anh Hải…” .

Sau gần 3 năm tốn nhiều công sức, thời gian, đến tháng 4/2013, ông Du mới được PJICO đền bù 60 triệu đồng, bằng 1/3 tổng số tiền thiệt hại 180 triệu đồng mà ông phải chi trả cho gara Honda chính hãng.

Doanh nghiệp phớt lờ khách

Trường hợp của khách hàng Đỗ Minh Thành trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mua trọn gói bảo hiểm của Công ty bảo hiểm Bưu điện Hà Nội cho chiếc xe ô tô của mình từ ngày 8/3/2013 với mức giá 52 triệu đồng/năm. Đầu tháng 4/2013 xe của anh gặp tai nạn, khi đó bảo hiểm Bưu điện Hà Nội đã chấp nhận đưa xe anh Thành vào Công ty Đông Dương sửa chữa và sẽ thanh toán căn cứ theo hóa đơn VAT của Công ty Đông Dương. Sau khi việc sửa chữa hoàn tất, anh Thành gửi hồ sơ nghiệm thu và hóa đơn VAT (gần 2 triệu đồng) cho Bảo hiểm Bưu điện Hà Nội yêu cầu thanh toán thì không hề nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào.

Trả lời phóng viên Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hoạt – Phòng Xe cơ giới, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Hà Nội cho biết: “Việc chậm thanh toán cho anh Thành là do chênh lệch số tiền được bảo hiểm duyệt giá với hóa đơn chứng từ của Công ty Đông Dương. Phòng Kế toán của chúng tôi chưa đồng ý về việc chênh lệch số tiền này, do bảo hiểm duyệt 1,5 triệu đồng (chưa VAT) và 1,65 triệu đồng thì chúng tôi sẽ chi trả 1,65 triệu đồng nhưng hiện tại theo hóa đơn kế toán đã gửi lại là 1,98 triệu đồng…”. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao không có văn bản phản hồi để tìm tiếng nói chung với khách hàng, thì ông Nguyễn Văn Hoạt im lặng.

Theo Tùng Anh – giaothongvantai

Comments are closed.