Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm và ý kiến của chuyên gia

Đây đang là thời điểm then chốt cho việc đưa ra bản Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Về cơ bản thì dự thảo lần này cũng đã khắc phục được một số tồn tại và hạn chế của Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua vào năm 2000 đối với tình hình hiện tại khi quá trình hội nhập Quốc tế của cả nước đang diễn ra rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, về nội dung dự thảo vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của những chuyên gia giàu kinh nghiệm về một số điểm tương đối “nhạy cảm” của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là sau khi có ý kiến về việc “đưa” sản phẩm bảo hiểm ra đấu thầu rộng rãi và việc quy định cấm công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho công ty mẹ cũng như các thành viên trong Tập đoàn, Tổng công ty. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, 1 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm, ông Vũ Văn Thắng (ảnh) – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm dầu khí VN (PVI), đã cho thấy được cái nhìn tổng thể hơn.

– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc có thể sẽ tổ chức đấu thầu sản phẩm bảo hiểm?

 – Ông Vũ Văn Thắng: Theo tôi thì tổ chức đấu thầu trong việc lựa chọn mua sản phẩm, dịch vụ là nhằm tăng tính minh bạch trong cạnh tranh và ý kiến đấu thầu sản phẩm bảo hiểm chắc cũng không nằm ngoài mục đích này. Tôi cho rằng đây là một quan điểm mang tính thời sự nhưng cần có thêm những ý kiến đóng góp khác để nếu được áp dụng sẽ bao quát tổng thể và hợp lý hơn vì bảo hiểm là lĩnh vực rất đặc biệt và không phải việc cung cấp tất cả loại hình sản phẩm bảo hiểm đều phải đấu thầu sẽ có hiệu quả hơn.

Thứ nhất: Với những dự án công nghiệp lớn như hàng không, bưu chính, dầu khí, v.v. việc thu xếp bảo hiểm đảm bảo an toàn cho những doanh nghiệp trong những lĩnh vực này thực chất là do các nhà tái bảo hiểm nước ngoài vì các công ty bảo hiểm trong nước vẫn chưa đủ năng lực định ra các điều kiện điều khoản và phí bảo hiểm được. Việc cạnh tranh trong nội địa có chăng chỉ là cạnh tranh mức phí dịch vụ “fronting fee” (một mức phí rất nhỏ trong tổng phí bảo hiểm dành cho công ty bảo hiểm trong nước để quản lý đơn bảo hiểm) và như thế thì với những qui trình đấu thầu mà chúng ta đã biết có khi lại làm tốn kém thời gian và tiền bạc nhiều hơn.

Thứ hai: Để có ngành bảo hiểm phát triển và được thế giới biết đến và công nhận, chúng ta nên có một vài “ông lớn” chuyên sâu trong một số lĩnh vực bảo hiểm có tính kỹ thuật cao. Việc tập trung như vậy sẽ giúp nâng cao được tính chuyên môn sâu trong tác nghiệp, từ hiểu rõ đặc thù của rủi ro đến phương thức và nghệ thuật trong khi làm việc với các nhà tái bảo hiểm quốc tế và lúc đó chúng ta mới hy vọng nâng cao được mức giữ lại, 1 trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất đánh giá cái “tầm” của 1 công ty bảo hiểm. Mua bảo hiểm là mua sự an toàn và đảm bảo.

Sản phẩm bảo hiểm là loại hình có tính đặc thù cao vì chỉ khi xảy ra tổn thất thì người mua bảo hiểm mới có được đánh giá chuẩn xác nhất về chất lượng của dịch vụ. Tại thời điểm mua bảo hiểm, khách hàng chỉ được nhận được những lời hứa, lời cam kết của các công ty bảo hiểm, và đương nhiên khi niềm tin được đặt vào công ty bảo hiểm nào lớn nhất, khách hàng sẽ chọn mua bảo hiểm của công ty đó.

Trên thế giới người ta phân hạng (Rating) công ty bảo hiểm theo hệ số tín nhiệm để định hướng người mua khi quyết định đặt niềm tin vào công ty bảo hiểm nào. Vì thế, việc đấu thầu hay không nên để cho người được bảo hiểm tự quyết định vì suy cho cùng thì khi mua bảo hiểm là trao gửi “niềm tin”, có tin thì mới trao sự bảo đảm an toàn tài chính của mình vào tay người khác và như thế không lẽ chúng ta lại đi đấu thầu “niềm tin”.

– Vậy theo ông, quy định đấu thầu sản phẩm bảo hiểm vào lúc này có hợp lý không?

– Như đã nói với anh, theo tôi là vội vàng đối với việc cung cấp bảo hiểm cho các ngành công nghiệp có đặc tính công nghệ cao như hàng không, bưu chính, dầu khí. Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm có được cải thiện nhưng vẫn vô cùng khốc liệt đối với các dự án lớn, nhiều DNBH vẫn sử dụng một số cách khác “không đẹp” nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình. Với tình hình này, đưa sản phẩm bảo hiểm ra đấu thầu vào lúc này cũng sẽ mang đến những rủi ro lớn  khi các DN, đặc biệt là các DN mới thành lập sẽ thỏa thuận với các nhà tái bảo hiểm quốc tế có hệ số uy tín thấp để đưa ra mức phí chào thầu thấp nhất có thể, điều kiện mở rộng tối đa để quyết tâm thắng thầu, và khi tổn thất xảy ra thì không thể chi trả bồi thường được, lúc đó hậu quả sẽ là rất lớn. Lúc đó người thiệt thòi cuối cùng chính là khách hàng, những người được hứa hẹn mọi thứ khi mua hàng và nhận được chất lượng dịch vụ đúng như cái giá họ trả.

– Có ý kiến cấm các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho công ty mẹ cũng như các thành viên trong tập đoàn giống như việc cấm các tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng cho công ty mẹ và các công ty trong cùng tập đoàn hoặc tổng công ty, ông đánh giá ra sao?

– Theo tôi được biết và hiểu thì Luật các tổ chức tín dụng chỉ hạn chế cấp tín dụng không có bảo đảm và các điều kiện ưu đãi cho cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, doanh nghiệp sở hữu trên 10% vốn điều lệ, các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát, chứ không hề có điều khoản nào quy định cấm cấp tín dụng cho cả các công ty trong cùng tập đoàn, tổng công ty cả.

Mặt khác, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đều sử dụng mô hình công ty bảo hiểm nội bộ hay còn gọi là “Captive Insurer”, có thể kể ra đây như AIG, Allianz, HSBC, BP, hay ngay cạnh chúng ta là Petronas, Hyundai, Samsung cũng có một công ty bảo hiểm nội bộ… và chẳng phải ngẫu nhiên họ làm như vậy. Tại các nước đó chắc chắn tính cạnh tranh và minh bạch cao hơn chúng ta nhiều nhưng sao họ vẫn sử dụng mô hình đó. Các công ty bảo hiểm nội bộ chắc chắn sẽ là người am hiểu nhất những rủi ro mà công ty mẹ gặp phải. Công tác tư vấn và xây dựng quy trình quản lý rủi ro, giảm thiểu tối đa các tổn thất quan trọng không kém việc thu xếp bảo hiểm, đặc biệt là đối với những dự án công trình có giá trị lớn, tính công nghệ và kỹ thuật phức tạp thì các công ty bảo hiểm nội bộ sẽ là người mang lại những dịch vụ hoàn hảo nhất.

Bảo hiểm phát triển muộn hơn ở châu Á và một thực tế rất rõ là nếu như không có sự trợ giúp đắc lực của các công ty mẹ thì làm sao có được những công ty bảo hiểm hùng mạnh như Tokyo Marine, Mitsui Sumitomo, Samsung, Energas v.v… có thể làm chủ cuộc chơi và cạnh tranh sòng phẳng với các ông trùm bảo hiểm thế giới Âu-Mỹ. Ngay tại Việt Nam thì lần đầu tiên sau nhiều năm hội nhập mới có 1 công ty được xếp hạng quốc tế A.M.Best là PVI và với tầm vĩ mô nhà nước càng cần phải tạo điều kiện để có thêm nhiều công ty được xếp hạng như vậy thì đương nhiên môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ được lên điểm so với thế giới và khu vực.

Nguyên Anh

Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Comments are closed.