Chưa khám bệnh đã có giấy ra viện

Đơn thuốc, giấy ra viện, phiếu thanh toán ra viện được bác sĩ ký tên khống trước - Ảnh: L.TH.H.TT – Quy trình quản lý và thanh – quyết toán quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận có sai phạm. Kết quả kiểm tra trong hai năm 2005 và 2008 đã thể hiện điều đó. Chưa kể những giấy tờ khám chữa bệnh ký khống mà phóng viên Tuổi Trẻ thu thập được…

Năm 2005 và 2008, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận kiểm tra công tác quản lý và thanh – quyết toán quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Bệnh viện Bình Thuận). Lần đầu, phát hiện có dấu hiệu lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế tại bệnh viện này. Lần hai, tại bệnh viện có hiện tượng lập hồ sơ bệnh án khống.
Người sai phạm đi tố cáo

Sau hai đợt kiểm tra vào tháng 12-2005 và tháng 9-2008, ông Nguyễn Thanh Bình – trưởng phòng giám định Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận và ông Trần Văn Lư – trưởng phòng kiểm tra – trả lời rằng chưa phát hiện có “rút ruột” quỹ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Bình Thuận mà chỉ có hiện tượng chỉ định rộng tay, chi phí không chuẩn, không đúng, ghi chép hồ sơ bệnh án chưa đúng, y bác sĩ vừa nằm viện vừa chấm công đi làm… Dù đã cố gắng kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng do năng lực cán bộ hạn chế, nhân lực thiếu nên việc kiểm soát của bảo hiểm xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Nhưng trước nhiều chứng cứ đã thấy thì phải có người bị trừng phạt. Theo kết luận cuối cùng của Bảo hiểm xã hội Bình Thuận (2008), chỉ có… một hồ sơ khống của bà Trần Thị Sen. Liên quan đến việc này có chín y bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Trong đó có hai bác sĩ phó khoa khám bệnh và phó khoa lây phải nhận hình thức kỷ luật phê bình. Sáu điều dưỡng, y sĩ bị kỷ luật cảnh cáo.

Riêng bác sĩ Lưu Thị Xuân Lan – người có liên quan đến vụ việc này – một năm nay chưa bị kỷ luật và liên tục gửi đơn tố cáo, khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những nội dung bà phản ảnh, tố cáo. Trong đó có nội dung cho rằng kết quả kiểm tra của bảo hiểm xã hội chưa làm rõ hết mức độ nghiêm trọng việc buông lỏng quản lý của lãnh đạo bệnh viện, tạo điều kiện cho nhân viên bệnh viện làm nhiều hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội… Các đơn thư bà Lan khiếu nại đều được trả lời, chuyển đến giám đốc Sở Y tế và giám đốc bệnh viện xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Kết luận mới nhất (ngày 10-11-2009) của UBND tỉnh về việc khiếu nại, tố cáo của bà Lan nói rằng “xung quanh việc tiêu cực bảo hiểm y tế tại bệnh viện tỉnh đã được cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ và có kết luận cụ thể”. Thế nhưng chiều 15-12, thượng tá Lê Văn Lãm – trưởng phòng PC15 Công an tỉnh Bình Thuận – khẳng định cơ quan cảnh sát điều tra chưa vào cuộc nên chưa có kết luận gì về vụ việc này.

Những hồ sơ khống

Kết luận của UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chức năng xác định tình hình sức khỏe của bà Lan. Sau khi có kết luận của Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, nếu bà Lan không có bệnh thì phải bố trí công việc hợp lý, nếu bà có bệnh thì tạo điều kiện để bà đi điều trị.

Ông Lê Văn Thuận – phó giám đốc Bệnh viện Bình Thuận – nói do bà Lan là người trực tiếp làm hồ sơ khống của bà Trần Thị Sen nhưng không hợp tác và không chịu làm kiểm điểm. Ngoài ra, bà Lan còn có những hành vi không bình thường, thiếu kiềm chế, từng phải điều trị bệnh tâm thần. Ông Thuận cũng xác nhận trước khi Bảo hiểm xã hội Bình Thuận kiểm tra, tháng 8-2008 bà Lan có phản ảnh với lãnh đạo bệnh viện về hiện tượng làm hồ sơ bệnh án khống tại khoa lây. Tuy nhiên, kiểm tra buổi sáng thấy thiếu vài bệnh nhân nhưng đến chiều kiểm tra lại thì có đủ.

Trong khi đó, bà Lan khẳng định trong quá khứ bà có bệnh thật nhưng hiện bà hoàn toàn bình thường. Phiếu khám sức khỏe tâm thần của bà ngày 10-11-2008 tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 ghi rõ “hiện tại không có rối loạn tâm thần”.

Trong khi đó, điều tra riêng của Tuổi Trẻ cho thấy một số nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Lan đã gửi các cơ quan chức năng chưa được xem xét làm rõ một cách thấu đáo. Trong những ngày ở Bình Thuận, chúng tôi thu thập được một số đơn thuốc, giấy ra viện và phiếu thanh toán ra viện có chữ ký, ghi tên sẵn của một số bác sĩ dù chưa có tên bệnh nhân, chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị gì…

Ngoài ra, hồ sơ chúng tôi thu thập được thể hiện rất rõ trong các cuộc họp giao ban hằng ngày tại khoa khám bệnh (có ghi sổ họp giao ban khoa) của Bệnh viện Bình Thuận luôn có ý kiến nhắc nhở của lãnh đạo khoa này về việc phải thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong năm 2005 có hơn 20 lần nhắc nhở: “Bác sĩ ghi đơn thuốc, khám bệnh cần phải có bệnh nhân”, “khám bệnh phải đúng người, bác sĩ cho thuốc vắng mặt và điều dưỡng đóng dấu phải chịu trách nhiệm”, “bác sĩ khám bệnh cần cho thuốc đúng bệnh”, “lưu ý chế độ nằm viện của cán bộ công nhân viên”…

Năm 2007, có nhiều lần lãnh đạo khoa khám phải nhắc nhở trong họp giao ban khoa về việc “thuốc phải đến người bệnh”, “khám bệnh, kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán”… Đặc biệt, cuộc họp ngày 4-4-2007 khoa này đã phải nhắc “không ký khống đơn thuốc”… Sang năm 2008 có gần 30 lần tại các cuộc giao ban khoa khám bệnh này vẫn phải nhắc liên tục về việc không tuân thủ các quy định, quy trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua năm 2009 sổ họp giao ban khoa khám bệnh vẫn phải nhắc nhở “hạn chế việc xin thuốc không có bệnh nhân”, “chú ý bệnh nhân phải có mặt khi kê đơn”, “cán bộ công nhân viên bệnh viện không lạm dụng thuốc điều trị, các bác sĩ khám phải lưu ý”.

LÊ THANH HÀ

Comments are closed.