Chống trục lợi bảo hiểm: lắm gian nan!

Phải chăng vì việc lấy tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm quá dễ dàng nên người mua bảo hiểm đã lợi dụng mọi mánh khóe, thủ đoạn, kể cả việc ngụy tạo tai nạn, hủy hoại chính cơ thể của mình?

 

Trục lợi bảo hiểm không phải là chuyện mới mẻ đối với người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, tuy nhiên hành vi trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp.

Bức tranh trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam

Hành vi trục lợi bảo hiểm được hiểu là bất kỳ hành vi lừa dối nào nhằm kiếm lợi bất hợp pháp của các chủ thể tham gia vào quan hệ kinh doanh bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam hiện rất đa dạng, xảy ra ở hầu hết các loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm, dưới nhiều hình thức – từ “trục lợi cứng” (Hard Fraud) đến “trục lợi mềm” (Soft Fraud). “Trục lợi cứng” là hành vi khi một người cố tình lập hồ sơ khiếu nại cho một vụ tổn thất không có thật; hoặc cố tình khởi tạo một vụ tổn thất, tự phá hoại sức khỏe của mình, tự phá hủy tài sản để đòi bồi thường bảo hiểm như dàn dựng tai nạn xe hơi, tự đốt cháy tài sản… “Trục lợi mềm” là việc người được bảo hiểm kê khai thông tin thiếu trung thực, có thể ở giai đoạn tiền hợp đồng, hoặc sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra nhằm gia tăng lợi ích, hưởng lợi bất hợp pháp từ doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo báo cáo của cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2007-2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm; tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỉ đồng, trung bình gần 110 tỉ đồng/năm.

Trục lợi bảo hiểm gây hậu quả rất lớn đối với doanh nghiệp bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm. Điều này đang dần làm mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư vào các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Theo Cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm, đến cuối năm 2015, mặc dù thị trường bảo hiểm ở Việt Nam tăng trưởng cao, ổn định song quy mô thị trường bảo hiểm vẫn còn nhỏ so với tiềm năng, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 2%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%).

Lòng tham dẫn dắt

Trục lợi bảo hiểm xuất phát từ lòng tham của con người. Ở Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu ươm mầm cho trục lợi là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm từ phía người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm; sự thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời của các cơ quan chức năng.

Không chỉ có người mua bảo hiểm tham gia trục lợi, mà vụ việc có thể còn có sự thông đồng của nhân viên bảo hiểm. Họ có thể cố tình ghi sai ngày tham gia bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm (đẩy lùi ngày tham gia bảo hiểm thành ngày trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra) hay thông đồng với khách hàng để ngụy tạo hồ sơ, đánh giá cao mức độ tổn thất hoặc lợi dụng các kẽ hở về giấy tờ, về thủ tục giám định, bồi thường để nhằm trục lợi bảo hiểm. Cũng có khi, nhân viên bảo hiểm thiếu trách nhiệm, không đánh giá đúng mức độ trầm trọng của rủi ro (ví dụ tình trạng sức khỏe của người tham gia bảo hiểm, hoặc tình trạng hư hao của tài sản tham gia bảo hiểm).

Sẽ càng khó điều tra ra các vụ trục lợi bảo hiểm nếu có cả sự thông đồng giữa những người tham gia bảo hiểm có hành vi gian lận với những người có liên quan, như với công an để làm biên bản giả về tai nạn giao thông (trong các bảo hiểm vật chất xe cơ giới hoặc bảo hiểm tài sản xe ô tô); với bác sĩ để dựng lên bệnh án giả, kê những đơn thuốc đắt tiền (với loại hình bảo hiểm con người).

Để giảm thiểu nguy cơ

Tuy vậy, đây không phải là căn bệnh không thể phòng, chống trong ngành kinh doanh bảo hiểm.

Muốn giảm thiểu sự trục lợi, trước hết cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người mua bảo hiểm và các bên liên quan khác trong quan hệ kinh doanh bảo hiểm, như nhân viên bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, và cả cộng đồng xã hội như đội ngũ giám định tổn thất tài sản, hay đội ngũ y tế.

Một điểm đáng mừng là trục lợi bảo hiểm đã được hình sự hóa và đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 với tội danh “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. Theo đó, cá nhân người phạm tội có thể bị phạt tiền tới 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền tới 7 tỉ đồng, có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn… Trong khi các chế tài hành chính, chế tài dân sự chưa đủ để răn đe và xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm đang gia tăng thì hy vọng việc bổ sung chế tài hình sự như thế này sẽ nâng cao tính răn đe của pháp luật, ngăn ngừa, phòng chống việc gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cần có nỗ lực ứng phó mang tính tập thể của các doanh nghiệp bảo hiểm và sự vào cuộc của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để cùng chia sẻ, cập nhật, sử dụng thông tin phòng, chống trục lợi hiệu quả, xây dựng quy tắc, điều khoản bảo hiểm, quy trình nghiệp vụ chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ bị trục lợi.

Cuộc đấu tranh với trục lợi bảo hiểm rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý để kiểm tra, giám sát, xử lý khi có nghi vấn, và thúc đẩy thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên.

Trục lợi bảo hiểm ở Việt Nam được xem như vấn nạn của ngành bảo hiểm khi tình trạng này đang gia tăng và phổ biến với mức độ ngày càng tinh vi.

Theo (KinhteSaigon)

Comments are closed.