Chi trả trọn gói: Nhiều khả năng bệnh nhân BHYT phải chịu thiệt

Viêm phế quản - phổi người lớn là một trong những nhóm bệnh được cơ quan BHYT thí điểm chi trả trọn gói tại hai bệnh viện ở Hà Nội. Trong ảnh: chụp X-quang kiểm tra phổi cho bệnh nhân -  Ảnh: n.c.t.TT – Gần đây thông tin về việc cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện thí điểm chi trả trọn gói cho một số nhóm bệnh đang được mọi người quan tâm, nhất là người mua BHYT.

Chi trả trọn gói có nghĩa bệnh viện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh được cơ quan BHYT chi trả một lượng phí xác định trước cho mỗi ca bệnh. Nếu chi phí thực tế thấp hơn định mức thì bệnh viện được hưởng lợi. Ngược lại, nếu chi phí thực tế cao hơn định mức thì bệnh viện phải bỏ tiền ra bù.
Nhiều người lo ngại với phương thức thanh toán nói trên, bệnh viện là nơi bán dịch vụ, cơ quan bảo hiểm y tế là nơi mua dịch vụ để bán lại đều có thể chủ động tính toán sao có lợi cho họ, còn người mua BHYT là người trả tiền trực tiếp và sử dụng dịch vụ lại hoàn toàn thụ động trong việc mua bán này nên nhiều khả năng sẽ bị thiệt thòi.

Bộ Y tế cho biết sẽ đưa ra phác đồ chuẩn trước khi thực hiện hình thức thanh toán chi trả trọn gói, nhưng thực tế khó có thể giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình chẩn đoán điều trị của các bệnh viện được. Và như vậy bệnh viện hoàn toàn có thể chủ động cho nhiều hay ít xét nghiệm, cho thuốc đắt hay rẻ để tăng hoặc giảm chi phí cho mỗi gói điều trị. Bên cạnh đó việc điều trị và theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị nói chung rất khó có quy định một cách chi tiết, thường chỉ dựa trên thực tế lâm sàng.

Ví dụ có thể cần hai xét nghiệm cận lâm sàng để giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm phổi là X-quang phổi, công thức máu, nhưng đôi khi để loại trừ các bệnh phổi khác có bệnh cảnh lâm sàng tương tự cần có các xét nghiệm khác như soi cấy đàm, soi phế quản, xét nghiệm sinh hóa về viêm, xét nghiệm loại trừ lao…, và điều này rõ ràng khó có quy trình chuẩn nào có thể liệt kê chi tiết để bắt buộc bác sĩ lâm sàng làm theo và nếu cứng nhắc bó buộc đôi khi gây khó cho người điều trị và bệnh nhân là người “lãnh đủ”.

Bên cạnh đó, giá thuốc và biệt dược cũng cách xa nhau một trời một vực mặc dù cùng dược chất chính, cùng chủng loại, cùng thế hệ (vì khác hãng bào chế), nên dù có phác đồ nhưng không thể đảm bảo chi phí điều trị thực tế đúng như giá trị được tính toán trong phác đồ.

Một vấn đề nữa cũng cần đặt ra là việc chi trả trọn gói được tính toán dựa trên bệnh lý chính, nhưng nếu trường hợp người bệnh có các bệnh lý khác kèm theo (điều này rất thường gặp) và đặc biệt nếu bệnh kèm theo không được phát hiện ngay từ đầu mà chỉ được phát hiện sau một thời gian điều trị theo phác đồ trọn gói thì việc điều trị và chi phí phát sinh do bệnh kèm đó sẽ được tính toán như thế nào?

Bên cạnh đó các tai biến hoặc tác dụng phụ ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình điều trị (điều này cũng hay xảy ra) sẽ được tính hay không tính vào trong chi phí trọn gói đó? Và còn vô số băn khoăn khác nữa nếu nói chi tiết thì khó gói gọn trong bài báo nhỏ này…

Nói chung việc thí điểm áp dụng các hình thức thanh toán mới trong BHYT để tìm ra các phương thức có hiệu quả tối ưu và tiện lợi cho cả người làm công tác điều trị và bệnh nhân là việc rất nên làm. T

uy nhiên, theo chúng tôi, trước bất cứ thử nghiệm nào cũng cần có các thăm dò thực tế về mọi chi tiết nhỏ nhất. Và điều quan trọng nhất là quyền lợi của người bệnh phải được đưa lên hàng đầu vì chính người bệnh là người “nuôi” bệnh viện và cơ quan BHYT.

BS TRẦN CHÍ (Huế)

Comments are closed.