Chây ỳ nợ đọng Bảo hiểm xã hội

Quầy giao dịch một cửa của BHXH TP Hà Nội(ANTĐ) – Những năm gần đây, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn là vấn đề đáng báo động. Nhiều vụ “cực chẳng đã” buộc cơ quan BHXH phải khởi kiện ra tòa dân sự, kinh tế…

Chế tài xử phạt còn nhẹ

Theo báo cáo thống kê mới nhất của BHXH TP Hà Nội, hiện cơ quan này đang quản lý hơn 27.347 đơn vị tham gia BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên toàn địa bàn thành phố. Cũng tính trong năm 2010, có hơn 842 doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền gần 200 tỷ đồng. Những doanh nghiệp nợ đọng chủ yếu rơi vào lĩnh vực xây dựng, cầu đường…

Theo ông Trương Trọng Thắng – Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặc dù hàng năm, BHXH TP Hà Nội đã đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng thành lập đoàn Thanh tra liên ngành (BHXH thành phố, Sở LĐ-TB&XH thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố), song nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, không thực hiện đóng BHXH. Nếu như trước kia, tình trạng nợ đọng BHXH chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì vài năm gần đây có xu hướng “lây lan” sang cả những doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường và thậm chí còn rất phát triển.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do người sử dụng lao động luôn tìm cách đối phó, trốn tránh hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để tái sản xuất. Bên cạnh đó, do lãi suất chậm đóng của nợ BHXH luôn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, mức xử phạt nợ, chậm đóng BHXH vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Mặc dù chế tài xử phạt đã được nâng cao trong Nghị định 86/2010/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 135/2007/NĐ-CP (mức phạt tối đa từ 20 triệu đồng được nâng lên đến 30 triệu đồng) nhưng đây cũng vẫn là mức xử phạt nhẹ nên nhiều doanh nghiệp không ngại vi phạm.

Ông Phan Văn Tuấn – Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Hà Nội khẳng định, qua các cuộc thanh tra liên ngành cho thấy, tình trạng nợ đọng BHXH là rất nhiều và chủ yếu rơi vào các nhà thầu xây dựng, vì họ thường sử dụng lao động tạm thời. Sau khi thanh, kiểm tra Sở LĐ-TB&XH đã có kết luận, kiến nghị cụ thể đối với từng sai phạm tồn tại của doanh nghiệp để chấn chỉnh và kiến nghị với liên ngành xử phạt. Đồng thời chỉ đạo phòng nghiệp vụ thường xuyên rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện truy nộp nợ BHXH, thực hiện trích nộp BHXH của các doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra.

Người lao động bị bỏ rơi

Bà Nguyễn Thị Phúc – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cho biết, đối với TP Hà Nội, nhiều năm nay đã ký văn bản phối hợp liên ngành để tăng cường công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp thực hiện Luật BHXH. Đồng thời tăng cường, đôn đốc kiểm tra xử lý vi phạm và phối hợp giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người lao động về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thực hiện BHXH.

Tuy nhiên điều đáng nói, mặc dù Luật BHXH có hiệu lực từ 1-1-2007 nhưng các văn bản hướng dẫn còn chậm, một số quy định của luật chưa được làm rõ. Có những nội dung trong giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động còn vướng mắc, mức phụ cấp, hỗ trợ chưa tương quan với các chính sách khác. Theo quy định của ngành BHXH, đơn vị chậm đóng BHXH sẽ bị khoanh sổ, dừng chi trả chế độ cho người thuộc đơn vị chậm đóng. Vì vậy, người lao động bị thiệt thòi.

“Để hạn chế và chấm dứt tình trạng nợ đọng BHXH, các cơ quan chức năng cần phải xúc tiến đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa, tích cực thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh nhưng đồng thời cũng tăng cường công tác tuyên truyền vận động đối với các doanh nghiệp và người lao động để thực trạng này chấm dứt” – ông Trương Trọng Thắng nói.

Thanh Quang
Báo An ninh Thủ đô

Comments are closed.