Cắt giảm chi nhánh, 3 bài toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Chưa có con số chính thức về số chi nhánh/công ty thành viên yếu kém thuộc các doanh nghiệp bảo hiểm bị cắt giảm trên toàn thị trường, nhưng động thái cắt giảm này của nhiều doanh nghiệp như PJICO, Bảo Minh, BSH, VNI… đã và đang đặt ra các bài toán lớn cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Quy về một vài đầu mối hoạt động hiệu quả đã và đang là hướng xử lý tất yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm

Quy về các đầu mối hoạt động hiệu quả

Không phải đến nay, việc cắt giảm các đơn vị thành viên bao gồm công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng mới được đặt ra, mà vấn đề này đã được đặt ra tại các doanh nghiệp bảo hiểm từ cách đây vài năm. Nhưng quyết liệt nhất là từ sau năm 2013, khi chủ trương tái cấu trúc thị trường bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm theo đề án của Chính phủ được đặt ra một cách sâu rộng hơn.

Tại một số cuộc họp của ngành bảo hiểm, Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ông Phùng Ngọc Khánh cho biết, có doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoạt động với hàng chục tài khoản một lúc, trong đó tài khoản đứng tên tổ chức cũng có, đứng tên cá nhân cũng có.

Điều này đồng nghĩa với việc số lượng các đơn vị trực thuộc quá lớn, phát sinh các hệ lụy liên quan đến thanh toán, quản trị điều hành. Có chi nhánh qua nhiều năm hoạt động vẫn không phát triển, thậm chí thua lỗ, vì chi phí cao, các nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao, vi phạm quy định. Trong đó, lãnh đạo chi nhánh trì trệ, không theo sát tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh, chưa tìm được các giải pháp riêng biệt tại địa phương để bán hàng, nhiều cán bộ – nhân viên chi nhánh có năng suất lao động thấp.

Quy về một vài đầu mối hoạt động hiệu quả đã và đang là hướng xử lý tất yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong đó, Bảo Minh được xem là một điển hình trong việc mạnh tay loại bỏ các đơn vị yếu kém.

Lãnh đạo Bảo Minh cho biết, năm 2014, Tổng công ty tập trung thu gọn hoạt động, giảm thiểu chi phí, thậm chí giảm phân cấp khai thác bồi thường với các đơn vị kinh doanh yếu kém để các đơn vị này không rơi vào tình trạng thua lỗ. Bảo Minh cũng đã xây dựng phương án sáp nhập, chuyển đổi thành văn phòng đại diện những công ty thành viên hoạt động yếu kém.

Cụ thể, trong năm 2014, Tổng công ty đã đóng cửa Công ty Bảo Minh Hậu Giang, kiểm tra các đơn vị có tình hình chi bồi thường cao, từ đó rút phân cấp về nghiệp vụ khai thác và bồi thường, kiểm soát chặt chi phí quản lý; kiểm tra các đơn vị yếu kém, chi vượt, có dấu hiệu trục lợi, làm sai các nguyên tắc quản lý tài chính như Bảo Minh Quảng Nam, Bảo Minh Bình Định, Bảo Minh Nam Định, Bảo Minh Chợ Lớn, Bảo Minh Quảng Ninh, Bảo Minh Đồng Tháp, Bảo Minh An Giang, Bảo Minh Kiên Giang, Bảo Minh Bến Tre, Bảo Minh Yên Bái… nhằm thu hồi chi sai.

Đồng thời, Tổng công ty tiếp tục thực hiện việc thay thế và tìm người thay thế một số lãnh đạo đơn vị yếu kém, cắt chức, kỷ luật các giám đốc, các cán bộ, nhân viên vi phạm kỷ luật trong kinh doanh, vi phạm tài chính. Song song với đó là triển khai mở mới, mở lại các phòng khai thác tuyến quận, huyện trên toàn hệ thống, mở lại các kênh khai thác qua ngân hàng để tăng trưởng doanh thu. 

Bài toán nhân sự

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2014, thị trường bảo hiểm đã tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 người, với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Tuy nhiên, nhân sự bảo hiểm đủ năng lực vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Đào tạo nhân sự có năng lực thực sự còn hạn chế, các sinh viên bảo hiểm sau khi ra trường chỉ đủ điều kiện để làm nhân viên khai thác bảo hiểm, trong khi đào tạo nhân sự cấp trung và cấp cao đòi hỏi cần thêm thời gian.

Bởi vậy, việc các doanh nghiệp bảo hiểm cắt giảm đơn vị thành viên cũng đặt ra những vấn đề mang tính thị trường. Thừa cán bộ yếu kém và thiếu cán bộ giỏi để có thể đảm đương các vị trí lãnh đạo đơn vị thành viên trực thuộc được xem là một trong những bài toán không dễ giải.

Chưa kể, không ít doanh nghiệp bảo hiểm loại bỏ đơn vị yếu kém, nhưng đồng thời tiến hành mở mới, mở lại các phòng khai thác tuyến quận, huyện, gây ra tình trạng luân chuyển cả những nhân sự không đủ năng lực. Cán bộ, nhân viên tại đơn vị này sau khi bị sa thải vẫn có cơ hội làm việc tại đơn vị khác, thậm chí được các doanh nghiệp nhỏ đón nhận nồng nhiệt. Vì đang thiếu người nên doanh nghiệp “lờ đi” quá khứ sai phạm của họ. Chính bởi thế, nhân sự bảo hiểm không sợ mất việc, đa số vẫn hoạt động trong thị trường bảo hiểm với một địa chỉ mới, vị trí mới, thu nhập mới.

Trước tình trạng trên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có những thông báo, khuyến cáo về các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm nội quy công ty, nhưng do nhu cầu nhân sự vẫn lớn, áp lực doanh thu ngày càng cao nên đôi khi các doanh nghiệp “nhắm mắt” bỏ qua. 

Bài toán chi phí

Đóng cửa chi nhánh còn là bài toán về chi phí khi loại bỏ đơn vị yếu kém đi đôi với việc mở mới các đơn vị để tiếp tục khai thác kinh doanh, đưa ra các giải pháp riêng biệt tại địa phương để bán hàng, nâng cao năng suất lao động.

Trong khi chưa tìm được cán bộ đủ năng lực, có doanh nghiệp bảo hiểm tính chuyện mở lại các kênh khai thác qua ngân hàng, thay vì mở mới chi nhánh, nhằm tận dụng cán bộ ngân hàng, giảm gánh nặng về chi phí mở mới.

“Năm nay, sẽ tiếp tục xem xét đóng cửa một số đơn vị khi xét thấy kết quả kinh doanh của các đơn vị này vẫn khó khăn và có phương án tái cơ cấu trong năm 2015 và các năm kế tiếp”, lãnh đạo Bảo Minh nói và cho biết, Tổng công ty kiên quyết thay thế các vị trí lãnh đạo kém hiệu quả, không phát triển, làm ăn thua lỗ, chi phí cao, vi phạm quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các trường hợp trục lợi, các nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao, các đơn vị kinh doanh thua lỗ nhiều năm. 

Bài toán thương hiệu

Tại ĐHCĐ của Bảo hiểm Hàng không năm ngoái, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ những hệ lụy sau quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Đó không chỉ là bài toán bù đắp nhân sự thiếu hụt sau khi một loạt nhân sự, kể cả nhân sự chủ chốt (trong đó có Tổng giám đốc Công ty) ra đi, mà còn là bài toán thương hiệu. Vì trên thực tế, có tình trạng nhân sự cũ sau khi ra đi, hòa nhập vào môi trường làm việc mới lại nói xấu về doanh nghiệp cũ. Vì thế, bên cạnh áp lực doanh thu, tiếp tục phát triển thương hiệu thì doanh nghiệp bảo hiểm còn phải đối diện với bài toán bị bôi nhọ hình ảnh.

Thách thức này cũng xảy đến với PJICO, khi doanh nghiệp này tái cấu trúc mạnh mẽ từ nhân sự đến hoạt động cách đây 2 năm. Năm 2013, cùng với việc kiện toàn nhân sự, thực hiện giai đoạn đầu tái cấu trúc bộ máy, PJICO đã mạnh tay xử lý 5 đơn vị yếu kém.

Tại một doanh nghiệp bảo hiểm khác, sau khi thẳng tay cách chức 11 lãnh đạo đơn vị thành viên, một số cán bộ bị cách chức bày tỏ thái độ không phục nên có những hành động bêu riếu hình ảnh của người đã trực tiếp ký quyết định kỷ luật.

Ngoài ra, đóng cửa chi nhánh, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm ít nhiều bị suy giảm trong sự đánh giá của các khách hàng cũ, vì cụm từ “đóng cửa” thường được liên tưởng tới nghĩa tiêu cực. Còn với khách hàng mới, đó cũng là thách thức của doanh nghiệp bảo hiểm khi phải lặn lội tìm cách tiếp cận khách hàng, thị trường với không ít “vạn sự khởi đầu nan”. Tuy vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm kiên quyết xử lý các đơn vị thành viên yếu kém, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Theo (ĐTCK)

{fcomment}

Comments are closed.