Bảo hiểm con người trong vụ sập cầu Cần Thơ: Những hồi chuông báo động!

caucantho7.jpgMột vấn đề tuy không lớn nhưng dư luận và thân nhân của những người bị nạn trong thảm họa sập cầu Cần Thơ đang đặt ra là: Việc bồi thường bảo hiểm thiệt hại thân thể những người bị nạn, trong đó chủ yếu là công nhân và các đối tượng lao động khác của các đơn vị thi công sẽ như thế nào trong khi theo dư luận phản ánh thì nhiều người bị nạn không thuộc diện được bảo hiểm?

Hôm qua (28.9), trao đổi với PV ĐS & PL, một số doanh nghiệp bảo hiểm lớn cho biết họ đang tiến hành xem xét để thực hiện bồi thường theo đúng quy định. Tuy nhiên, một doanh nghiệp tham gia thi công cây cầu này lại cho biết họ khó có thể chi trả bảo hiểm thân thể cho một số lao động tham gia thi công vì những lao động này chưa đủ điều kiện chi trả. Nếu đúng như vậy, những người lao động bị nạn sẽ rất thiệt thòi khi quyền lợi của họ đã không được bảo đảm. ĐS & PL đã lược ghi các ý kiến xung quanh vấn đề này.

 

ĐS&PL: Thưa ông, trong xây dựng thì các công ty bảo hiểm có những sản phẩm bảo hiểm nào để góp phần gánh một phần rủi ro cho các đơn vị thi công cũng như nhà thầu?

 

 

Ông Thái Văn Cách: Theo tôi vụ việc sập cầu ở Cần Thơ có thể coi là một thảm hoạ. Trên thế giới cũng đã có nhiều chiếc cầu bị sập khiến cho nhiều chức sắc trong ngành giao thông vận tải phải từ chức. Việc sập cầu có thể do nhiều nguyên nhân như lỗi thiết kế, do thi công hoặc do các rủi ro không may khác như bão, lũ, địa tầng… gây sập, gẫy.

 

Mặc dù, việc này xảy ra không nhiều nhưng thực tế vẫn xảy ra, vì vậy các công ty bảo hiểm đã có những sản phẩm nhằm đảm bảo cho những rủi ro trong thiết kế, thi công và kể cả với những người tham gia xây dựng các công trình này. Các công ty bảo hiểm cũng giúp các nhà đầu tư, xây dựng an tâm hơn trong suốt quá trình xây dựng. Đối với các công trình xây dựng như thế này, ngay từ khâu đầu tiên các nhà bảo hiểm đã có sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm cho người thiết kế và công tác thiết kế vì trên thực tế không phải ai cũng có thể đúng trong mọi trường hợp kể cả có các phương tiện hiện đại như máy vi tính có thể giúp các nhà thiết kế, nhưng vẫn xảy ra lỗi.

 

Sản phẩm bảo hiểm sẽ bảo biểm mọi rủi ro cho các nhà chủ thầu, đảm bảo về vật chất trong quá trình xây dựng như mưa, bão. Bên cạnh đó, còn có bảo hiểm trách nhiệm cho các nhà chủ thầu xây đối với người thứ 3. Ví dụ trong quá trình xây dựng xảy ra tai nạn không may cho những người khác, kể cả những người không phải là công nhân khi đi ngang qua công trường bị thương hoặc bị chết đều được hưởng tiền bồi thường từ các nhà bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cũng có loại hình bảo hiểm dành cho những người lao động trên công trình đó, ai cũng biết là rủi ro trong lao động rất lớn. Tuy nhiên, những trường hợp lao động ngắn hạn hoặc lao động theo thời vụ thì không phải đơn vị nào cũng chú ý mua cho họ vì họ chỉ chú tâm vào tiết kiệm chi phí, tôi cho rằng đây là vấn đề cần báo động. Vì vậy, các chủ thầu cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với người lao động.

 

ĐS&PL: Vừa rồi Công ty Vĩnh Thịnh – đơn vị cung ứng lao động cho nhà thầu có gần một trăm công nhân lao động tại cầu Cần Thơ và trong số công nhân đó có nhiều người bị tử nạn và bị thương, nhưng lượng công nhân được mua bảo hiểm rất ít. Lý giải cho việc này, Giám đốc công ty nói rằng họ có mua bảo hiểm cho công nhân nhưng không mua hết vì những người mới vào vừa mới lên danh sách hôm 25.9 thì đến 26.9 đã xảy ra sự cố. Theo ông lý do này có xác đáng hay không?

 

Ông Thái Văn Cách: Lý giải của Công ty Vĩnh Thịnh chỉ là nguỵ biện, bởi đối với những bảo hiểm lao động dạng này chúng tôi có thoả thuận là chúng tôi chấp nhận khai báo của chủ thầu là trong tháng này có 300 công nhân, nhưng trước mắt chỉ mới đưa danh sách được 290 người còn 10 người bổ sung sau.

 

 

Chúng tôi cũng chấp nhận trong quá trình lao động, công trình đó bình quân là 300 công nhân, nhưng có thể hôm nay là một công nhân này làm, nhưng hôm sau lại là công nhân khác đến thay thế, các công ty bảo hiểm chấp nhận sự biến động trong thời gian thoả thuận, có nghĩa là các chủ thầu phải có sự thoả thuận với phía bảo hiểm về sự biến động nhân sự. Như vậy, phía bảo hiểm sẽ có thêm điều khoản mở để bổ sung thêm hoặc thay thế từ người này sang người kia. Chi phí bảo hiểm cho người lao động rất rẻ, ở mức trách nhiệm cao, phí chỉ có 100 ngàn đồng/năm trở lại. Tôi nghĩ sự việc sập cầu vừa rồi những người sử dụng lao động cũng muốn trách nhiệm của mình nhẹ nhàng đi nên lý giải như thế, cái đó cũng dễ thông cảm.

 

 

ĐS&PL: Với tư cách là đại diện của một công ty bảo hiểm, ông nhận thấy các công ty có lao động phổ thông, nhất là các công ty xây dựng tỷ lệ tham gia mua bảo hiểm cho người lao động có cao không? 

 

 

Ông Thái Văn Cách: Có thể nói là rất thấp, hiện nay ở nước ta có không biết là bao nhiêu công ty xây dựng, các công trình xây dựng mọc lên rất nhiều nhưng số lượng người lao động được bảo hiểm tai nạn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Đây là điều rất đáng tiếc vì các công ty, các chủ đầu tư chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà thôi. Theo quy định của Luật Lao động, khi anh sử dụng người lao động theo một thời gian nhất định thì anh phải chịu trách nhiệm với người lao động đó, anh phải ký hợp đồng và mua bảo hiểm lao động cho họ, nhưng đa số các công ty đều không thực hiện đúng theo quy định của Luật. Sự việc sập cầu Cần Thơ  đã làm chúng ta giật mình về vấn đề bảo hiểm cho người lao động, nhưng nếu có thống kê thì con số lao động tự do bị chết, bị thương mà không có bảo hiểm lớn hơn rất nhiều. Tôi nghĩ cần phải rung một hồi chuông báo động về tai nạn lao động, đặc biệt là trong xây dựng là rất lớn, cần phải có quy định, chế tài mạnh mẽ buộc các đơn vị sử dụng lao động phải mua bảo hiểm cho người lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 

ĐS & PL: Xin cảm ơn ông!

 

 

* Theo ông Đỗ Hoàng Phương, Phó trưởng phòng Bảo hiểm con người – Tổng Công ty Bảo Việt cho biết: Hiện mới chỉ xác định được 4 nạn nhân có tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt Sài gòn. Việc bảo hiểm cho công nhân phổ thông lao động theo mùa vụ tùy thuộc vào quyết định của các nhà thầu phụ. Thực tế, một số chủ thầu có tham gia bảo hiểm cho công nhân của họ trong trường hợp tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, tuy nhiên không phải tất cả nhà thầu nào cũng thực hiện công tác này. Hiện Bảo Việt đang rà soát và tập hợp xem số lượng thực tế các nhà thầu tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt và giải quyết bồi thường kịp thời cho nạn nhân tử vong và bị thương tật trong vụ sập cầu này.

 

* Ông Phạm Quế Phong (Giám đốc Ban Bảo hiểm tài sản của Công ty BH Bảo Minh), người trực tiếp ký hợp đồng với chuyên gia bị thương trong vụ sập cầu cho báo ĐS & PL biết: Việc chi trả BH cho chuyên gia này sẽ thực hiện theo hợp đồng. Tuỳ theo chi phí cứu chữa và thời gian nằm viện sẽ có mức chi trả khác nhau theo tỷ lệ thương tật nhưng tối đa không quá 5.000USD. Chuyên gia bị thương này sẽ được chi trả BH bằng 6 tháng lương với mức lương 1.000 USD /tháng. Công ty bảo hiểm Bảo Minh cho biết, nhà thầu Taisei – Kajima – Nippon Steel đã mua bảo hiểm cho 95 người là nhân viên của họ tham gia thi công cầu Cần Thơ, còn các công ty cung cấp nhân công cho nhà thầu này có mua bảo hiểm cho công nhân không thì Bảo Minh không biết.

 

* Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Giám đốc Ban quản lý rủi ro và Bồi thường Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) cho biết: PVI  bảo hiểm xây dựng lắp đặt cho cầu chính và cầu dẫn công trình cầu Cần Thơ. Ngay sau sự cố sập cầu Cần Thơ, PVI đã thuê công  ty giám định quốc tế Crawford tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại. Về thiệt hại vụ sập cầu, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã đưa ra con số thiệt hại vật chất sơ bộ ước tính khoảng 40 tỉ đồng.  PVI đang chờ kết quả giám định để xác định mức độ bồi thường là bao nhiêu. Nếu với mức thiệt hại là 40 tỷ đồng thì PVI sẽ chi trả 24 tỷ đồng (tương đương 60%, còn lại 16 tỷ đồng tương đương với 40% sẽ là trách nhiệm của PJICO). Nhằm chia sẻ rủi ro, PVI chỉ giữ lại 1%, số còn lại được tái bảo hiểm nhưng qua nhiều hãng bảo hiểm trong nước và nước ngoài… Như vậy mức độ thực PVI sẽ phải bồi thường tương đương với 240 triệu đồng.

Comments are closed.