Bảo hiểm xe cơ giới: Vẫn loay hoay bài toán “chất” hay “lượng”?

Với đặc tính doanh thu cao, song tỷ lệ bồi thường cũng cao không kém, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới luôn khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ “đau đầu” về bài toán hiệu quả, bởi chọn “lượng” thì rủi ro lớn, mà chọn “chất” thì ảnh hưởng đến doanh thu.

bao-hiem-o-to-loay-hoay

Theo thống kê sơ bộ, năm 2016, doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới ước đạt 11.754 tỷ đồng, tăng 21,14% so với năm 2015 và tiếp tục là nghiệp vụ có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp phi nhân thọ.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thống nhất sử dụng quy tắc, điều khoản chung và cùng xây dựng biểu phí, nhưng vì cạnh tranh, nên mỗi hãng bảo hiểm đều có lý do riêng để hạ phí bảo hiểm cho khách hàng nhằm tăng doanh thu.

Thực tế cho thấy, việc cạnh tranh bằng hạ phí và có phần “lỏng tay” trong kiểm soát chất lượng các hợp đồng khiến bảo hiểm xe cơ giới dù mang lại tăng trưởng doanh thu cao, nhưng không ít doanh nghiệp chịu lỗ với nghiệp vụ này. Bởi tỷ lệ bồi thường xe cơ giới trung bình trên thị trường luôn ở mức trên 50% doanh thu, nhiều doanh nghiệp thậm chí có tỷ lệ bồi thường lên tới hơn 70%…

“Đôi lúc, chúng tôi buộc phải chấp nhận rủi ro và bù lỗ để có doanh thu, để giữ chân khách hàng. Việc bù đắp được lấy từ doanh thu ở các mảng nghiệp vụ khác”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên, năm 2016, hãng bảo hiểm của ông đã phải chi trả nhiều cho nghiệp vụ bảo hiểm con người và xe cơ giới do chính sách phát triển bán lẻ ồ ạt từ các năm trước. Chính vì bồi thường bảo hiểm cơ giới chiếm tỷ trọng quá lớn, nên kéo theo lợi nhuận năm qua cũng giảm sút.

Trong khi đó, với những doanh nghiệp bảo hiểm kiên quyết siết chặt nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bằng cách không hạ phí, không chấp nhận bảo hiểm cho những đơn có rủi ro cao… thì doanh thu phí của nghiệp vụ này cũng giảm đi rõ rệt.

Chẳng hạn, tại Báo cáo Kết quả kinh doanh trình Đại hội đồng cổ đông của BIC năm nay, bên cạnh một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, chỉ tiêu doanh thu trong năm qua cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, khi mới đạt 95% kế hoạch đề ra và chỉ tăng 13% so với thực hiện 2015…

Nguyên nhân chưa hoàn thành các mục tiêu đặt ra, theo Báo cáo của Hội đồng quản trị hãng bảo hiểm này, là do định hướng tập trung phát triển hiệu quả, thay vì số lượng, nên ngay từ đầu năm 2016, Ban điều hành BIC đã đưa ra những chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ. BIC từ chối nhiều dịch vụ có mức độ rủi ro cao, chủ động thắt chặt sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và không hạ phí đối với sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới…

Không chỉ có BIC, với mục tiêu từ hòa vốn đến có lãi nhẹ, hãng bảo hiểm Liberty cũng đưa ra nhiều biện pháp giảm tỷ lệ bồi thường từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Thực tế, bảo hiểm cơ giới là sản phẩm chủ lực, mang lại doanh thu chính cho Liberty, song cũng là nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao nhất của hãng bảo hiểm này, có thời điểm tỷ lệ bồi thường lên tới 60-70% doanh thu.

Cùng với việc khuyến khích khách hàng áp dụng tỷ lệ miễn thường… Liberty cũng đã tập trung khai thác và phát triển nhiều nghiệp vụ bảo hiểm khác, nhằm tạo ra nhiều nguồn doanh thu phí bảo hiểm mới để “đỡ” cho nghiệp vụ chính.

Theo một chuyên gia trong ngành, việc siết chặt điều khoản hợp đồng, không hạ phí bảo hiểm để cạnh tranh… cũng đồng nghĩa với việc doanh thu phí từ nghiệp vụ dễ khai thác nhất này của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ giảm sút. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các hãng bảo hiểm phi nhân thọ “đau đầu” với bài toán hiệu quả.

Vị chuyên gia này cho biết, thông thường, để giảm tỷ lệ bồi thường mà không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu, các doanh nghiệp sẽ tiến hành chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang các dòng sản phẩm khác như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo…, đồng thời xây dựng các sản phẩm mới nhằm tăng tỷ trọng doanh thu của các nghiệp vụ khác để tạo sự cân bằng đối với doanh thu bảo hiểm xe cơ giới.

Với chính sách giảm dần thuế nhập khẩu về 0% đối với các dòng xe dưới 9 chỗ vào năm 2018, chắc chắn thị trường xe ô tô trong năm tới sẽ tăng trưởng mạnh. Như vậy, nghiệp vụ bảo hiểm cơ giới sẽ vẫn là dòng sản phẩm được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đẩy mạnh khai thác.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần xác định phát triển một cách chọn lọc, dựa trên nguyên tắc không giảm phí bảo hiểm, phân loại khách hàng và đẩy mạnh tái tục hợp đồng với những khách hàng có tỷ lệ bồi thường tốt…”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết.

Theo (ĐTCK)