Bảo hiểm trước sự tăng trưởng của ngành năng lượng hạt nhân châu Á

(Webbaohiem) –  Châu Á  đang trong giai đoạn bùng nổ hoạt động xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, tuy nhiên ngành bảo hiểm chưa hào hứng đứng ra bảo hiểm cho các trách nhiệm tiềm tàng trong lĩnh vực này.

bao-hiem-nang-luong-hat-nhan

Trên thế giới, việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới đã bị đình trệ từ thập kỷ 1990, chủ yếu do tác động từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine. Trong bối cảnh đó, châu Á là khu vực duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể của ngành này những năm gần đây.

Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần năng lực hạt nhân của mình trong thập niên vừa qua, chiếm tới 18 gigawatt (GW) trong tổng số 22 GW tăng thêm trên toàn cầu giai đoạn 2009-2015. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong số 61 lò phản ứng đang xây dựng trên toàn thế giới, riêng Trung Quốc đã chiếm tới 20 lò. Nước này còn cho biết sẽ tiếp tục xây dựng thêm 20 lò nữa trong những năm tới.

Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những nước đi đầu trong việc xây dựng các nhà máy hạt nhân từ những năm 1980.

Tuy nhiên, vụ nổ hạt nhân tại Fukushima năm 2011 không chỉ là lời cảnh báo về mối nguy hiểm của công nghệ hạt nhân mà còn phát sinh trách nhiệm rất lớn. Trước khi xảy ra thảm họa, Nhật Bản có 54 nhà máy hạt nhân. Đến nay, chỉ còn 5 lò phản ứng hoạt động do người dân xứ sở mặt trời mọc phẫn nộ về sự thiếu năng lực dẫn đến thảm họa và không tin tưởng vào khả năng của chính phủ có thể quản lý an toàn năng lượng hạt nhân.

5 năm đã qua nhưng bao quanh nhà máy vẫn là một vùng đất chết có bán kính 40 km và khoảng 100.000 người dân đã phải sơ tán khỏi khu vực này.

bao-hiem-nang-luong-hat-nhan-2

Có hai loại hình bảo hiểm đối với quá trình vận hành lò phản ứng hạt nhân: thứ nhất là bảo hiểm cho nhà máy, công trình xây dựng và doanh thu; dạng thứ hai là bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba – vốn bị hạn chế bởi các hiệp định quốc tế được xây dựng từ hàng thập kỷ trước và giờ đây không còn phù hợp nữa.

Fukushima là một dẫn chứng cụ thể. Chi phí trực tiếp phát sinh từ vụ nổ rất lớn. Công ty Năng lượng điện Tokyo (Tepco) cho biết, việc tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân đã hoàn thành 10% và chi phí khắc phục thảm họa theo ước tính ban đầu của chính phủ là 50 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay, số liệu này gần như đã tăng gấp đôi: 19 tỷ USD cho việc tháo dỡ nhà máy, 22 tỷ USD cho việc khử độc và làm sạch môi trường, 9 tỷ USD để xây dựng khu chứa thải hạt nhân tạm thời và ít nhất 50 tỷ USD bồi thường cho người bị thiệt hại.

Thậm chí, chi phí thực tế còn có thể cao hơn mức đó, bởi lẽ hầu như không có bảo hiểm cho vụ nổ này.

Mặc dù Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với nguy cơ cao về động đất và sóng thần, song không có nhà máy hạt nhân nào của Tepco được bảo hiểm cho các rủi ro đó, đồng thời đơn bảo hiểm chỉ bảo vệ cho các trách nhiệm với giới hạn 120 tỷ Yên (tương ứng 1,5 tỷ USD vào thời điểm xảy ra tổn thất, và thấp hơn nhiều tại thời điểm hiện nay).

Thậm chí tại Mỹ, các công ty vận hành lò phản ứng hạt nhân chỉ bắt buộc phải bảo hiểm trách nhiệm trị giá 375 triệu USD cho mỗi nhà máy, đồng thời toàn ngành có thêm quỹ tự bảo hiểm trị giá 12,6 tỷ USD do các nhà máy đóng góp. Nếu thảm họa có quy mô tương tự Fukushima xảy ra tại Mỹ thì trách nhiệm phát sinh sẽ lớn hơn rất nhiều. Dẫu vậy, đây vẫn là hạn mức bảo hiểm lớn nhất trên thế giới. Giới hạn bảo hiểm tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 45 triệu USD/nhà máy.

Kết quả của tình trạng thiếu hụt bảo hiểm kể trên là, cuối cùng mọi người dân nộp thuế phải gánh chịu trách nhiệm cho hậu quả thảm họa – dưới dạng khoản trợ cấp lớn từ ngân sách nhà nước cho ngành hạt nhân.

bao-hiem-nang-luong-hat-nhan-3

Chắc chắn rằng, có những khía cạnh của thảm họa hạt nhân khó có thể bảo hiểm, đặc biệt là trách nhiệm bảo hiểm tồn tại trong thời gian rất dài – lên tới 30 năm trong các hiệp ước quốc tế. Nhưng doanh nghiệp bảo hiểm cần hành động nhiều hơn so với kỳ vọng hiện tại của cộng đồng.

Đặc biệt, quản lý bồi thường là lĩnh vực mà ngành bảo hiểm cần bổ sung nhiều chuyên gia để giúp các nhà máy điện hạt nhân tập trung vào việc quản lý khủng hoảng. Nhất là trong trường hợp của Tepco và Fukushima, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có thể trợ giúp về mặt kỹ thuật và quản trị rủi ro độc lập trong quá trình vận hành các nhà máy hạt nhân.

Tuy nhiên, việc chuyển giao rủi ro loại này cho thị trường bảo hiểm tư nhân cần có sự thống nhất cao giữa các nước về các định nghĩa: thảm họa hạt nhân, thời hạn trách nhiệm bảo hiểm và hạn mức bồi thường.

Nếu phân bổ trên đơn vị kilowatt giờ, chi phí bảo hiểm sẽ khá nhỏ, trong khi lợi ích rất lớn – đặc biệt là tại những nước đang tập trung phát triển năng lực hạt nhân như Ấn Độ và Trung Quốc.

Trần Lâm (Theo IAN).

 

Comments are closed.