Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu bị… chê

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu loại trừ tranh chấp thương mại nên ít doanh nghiệp tham gia

Bảo hiểm tín dụng  (BHTD) xuất khẩu đã được triển khai gần 2 năm nhưng đến nay có rất ít doanh nghiệp (DN) tham gia cho dù Nhà nước hỗ trợ 20% mức phí. Vì sao xảy ra tình trạng này, cần tháo gỡ điều gì để hỗ trợ DN trong khó khăn… Những vấn đề này đã được các đại biểu nêu rõ trong hội nghị “Triển khai thực hiện đề án thí điểm BHTD xuất khẩu” do Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM.

Kinh phí hỗ trợ: Chưa chi đồng nào

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, Chính phủ rất quan tâm đến chính sách BHTD xuất khẩu vì đây là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, chống được rủi ro cho hàng hóa xuất khẩu, qua đó đẩy mạnh động lực phát triển kinh tế, tạo ra việc làm, góp phần tăng trưởng tín dụng, thanh toán, thuế…

Theo đề án, giá trị BHTD xuất khẩu phấn đấu đạt 3% giá trị xuất khẩu, nhưng qua 2 năm thực hiện mới đạt 0,02% chỉ tiêu. Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà, nhìn nhận BHTD xuất khẩu kém hấp dẫn có thể là do thể chế ban hành thực hiện chưa tốt, sản phẩm chưa mang lại lợi ích nhiều cho DN và do tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn. Năm 2011 có 5/7 DN bảo hiểm tham gia với 15 hợp đồng BHTD xuất khẩu trị giá 3.728 tỉ đồng, còn 9 tháng đầu năm 2012 chỉ có 4/7 DN bảo hiểm tham gia với 6 hợp đồng trị giá 471 tỉ đồng.

alt

Hàng thủy sản xuất khẩu cũng cần được bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để phòng ngừa rủi ro.

Ông Phạm Đình Trọng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết chỉ còn một năm nữa là hết giai đoạn thí điểm nên rất khó đạt mục tiêu 3% trị giá xuất khẩu như chỉ đạo của Chính phủ. Theo ông Trọng, đây là sản phẩm mới nên ngay cả nhiều cơ quan Nhà nước và DN cũng chưa biết tác dụng của nó.

Chỉ có một số DN biết nhưng họ ít quan tâm. Vì đã quen với phương thức thanh toán truyền thống nên DN cho rằng tham gia BHTD xuất khẩu sẽ làm tăng thêm chi phí giá thành xuất khẩu, giảm sức cạnh tranh. Trong 2 năm 2011 và 2012 Nhà nước đã bố trí kinh phí để hỗ trợ DN tham gia BHTD xuất khẩu nhưng đến nay chưa chi được đồng nào.

Chưa mang lại lợi ích thiết thực

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ông Phạm Văn Bảy, thừa nhận mình mới biết sản phẩm này, vì thế  cần phải nghiên cứu tìm hiểu thêm. Nhiều DN phản ánh BHTD xuất khẩu chỉ áp dụng trong phạm vi hạn hẹp trong khi rủi ro lớn của họ lại không nằm trong giới hạn của chính sách này nên DN ít tham gia cũng không có gì lạ.

 Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu và một số đại diện công ty xuất khẩu nông sản cho rằng đại đa số DN xuất khẩu có nguy cơ gặp rủi ro trong khâu tranh chấp thương mại, dẫn đến việc thanh toán thường gặp trục trặc. Khách hàng luôn đưa ra lý do chất lượng chưa bảo đảm, tiêu chuẩn chưa đạt… để đòi giảm giá hoặc kéo dài thời gian thanh toán. Trong khi đó, BHTD xuất khẩu lại loại trừ tranh chấp thương mại, vì vậy ít DN tham gia sản phẩm bảo hiểm này.

Bà Võ Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Coface Việt Nam, cho rằng loại hình bảo hiểm này chỉ bồi thường khi xảy ra biến cố dẫn đến việc đối tác không thanh toán hoặc đối tác nhập khẩu mất khả năng trả nợ hoặc không thanh toán có chủ đích, mà những rủi ro này ít xảy ra trên thương trường. Do đó để thu hút DN tham gia BHTD xuất khẩu cần nới rộng giới hạn, trong đó có cả những rủi ro trong tranh chấp thanh toán quốc tế.

Nguồn: nld.com.vn

{flike}

Comments are closed.