Bảo hiểm tài sản: Nên hay không nên mua?

altHiện nay, đa số các ngân hàng lớn đều yêu cầu khách hàng vay tiền phải mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo. Bằng quy định này, ngân hàng đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cho mình.

Sau vụ cháy trung tâm thương mại ở Hải Dương vừa rồi, 52 tiểu thương trong chợ vay tiền tại Ngân hàng Sacombank đã được Công ty Bảo hiểm Bảo Long đứng ra trả nợ ngân hàng thay cho họ. Nhưng đa phần các tiểu thương lại không mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, nên phải gánh hậu quả nặng nề từ vụ cháy này.

Từ trường hợp này cho thấy, việc mua bảo hiểm cho các tài sản đảm bảo khi vay ngân hàng là rất thiết thực, nhưng lại khó triển khai do người dân chưa quen.

Chẳng hạn, một nhân viên có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Anh này từ chối vay vốn ở một vài ngân hàng để mua nhà do ngân hàng bắt phải mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ mua bằng tiền vay của ngân hàng.

Điều này có nghĩa mỗi năm sẽ phải gia hạn hợp đồng bảo hiểm cho đến khi trả xong nợ, và đó là một khoản tiền không phải nhỏ. Cuối cùng, anh chọn vay tại một ngân hàng cổ phần nhỏ không buộc phải mua bảo hiểm.

“Mua bảo hiểm, nhà có bị gì thì mình cũng có được hưởng đâu, vậy cần gì phải mua?”, anh giải thích. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, chẳng may căn hộ gặp rủi ro như cháy nổ, thì anh này sẽ vừa không có chỗ ở, vừa phải tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng. Như vậy gánh nặng lúc đó sẽ nhân đôi.

Hiện nay, đa số các ngân hàng lớn đều yêu cầu khách hàng vay tiền phải mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo. Bằng quy định này, ngân hàng đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cho mình.

Vì nếu người vay tiền hoàn toàn sống nhờ vào tài sản đảm bảo, chẳng hạn như sản xuất tại hộ gia đình, thì khi có rủi ro khiến tài sản đảm bảo bị thiệt hại, khoản nợ của ngân hàng sẽ có nguy cơ trở thành nợ xấu.

Nhiều ngân hàng đã ký kết hợp tác với các công ty bảo hiểm để thiết kế những sản phẩm bảo hiểm riêng cho khách hàng. Khi vay, ngân hàng sẽ đưa ra những sản phẩm bảo hiểm để khách hàng lựa chọn.

Theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, tùy thuộc vào đối tượng vay mà Sacombank có sản phẩm tín dụng riêng, trong đó bao gồm bảo hiểm, và mức phí đóng không quá cao.

Ví dụ sản phẩm bảo hiểm sạp chợ áp dụng cho các khoản vay tiểu thương (góp theo ngày, tuần và tháng) nhằm đảm bảo quyền lợi người vay vốn khi phát sinh rủi ro cháy, nổ.

Trong trường hợp xảy ra sự kiện phải bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ thay khách hàng chi trả cho ngân hàng toàn bộ dư nợ và lãi vay với số tiền bảo hiểm có thể lên đến 500 triệu đồng/ khách hàng.

Ngân hàng cũng liên kết với các công ty bảo hiểm nhân thọ như Dai-Ichi Life, Prevoir để bảo hiểm cho khách hàng vay theo hình thức tín chấp hoặc vay tiêu dùng có thế chấp xe ô tô, bất động sản. Trường hợp người vay gặp tai nạn dẫn đến tử vong, công ty bảo hiểm sẽ thay người vay trả nợ và lãi cho ngân hàng.

Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cho biết, nếu tài sản thế chấp có thể xảy ra rủi ro đều buộc khách hàng phải mua bảo hiểm tài sản đảm bảo đó thì ngân hàng mới chấp nhận cho vay.

“Dĩ nhiên khi khách hàng đã mua bảo hiểm thì ngân hàng cũng cân nhắc mức lãi suất cho vay, tránh để khách hàng vừa phải gánh lãi suất cao vừa phải trả phí bảo hiểm. Giảm rủi ro nhưng ngân hàng cũng cân nhắc để có thể cho vay được”, ông Khánh nói.

Tuy nhiên, một phó tổng giám đốc ngân hàng cổ phần cho biết, việc triển khai bán chéo sản phẩm ngân hàng – bảo hiểm cũng không hẳn suôn sẻ. Nếu khách hàng từ chối không mua bảo hiểm thì vẫn phải xem xét để cho vay.

Hầu hết các ngân hàng lớn có công ty bảo hiểm riêng đều ưu tiên bán các sản phẩm bảo hiểm của những công ty này, hoặc thiết kế các gói tín dụng trong đó có phần phí phải đóng mua bảo hiểm.

Thậm chí, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại nhà nước nói rằng, ngân hàng còn áp chỉ tiêu tháng buộc các chi nhánh phải bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng, do vậy các khoản vay qua ngân hàng này đều phải mua một loại bảo hiểm.

Vì thế, nhiều ngân hàng mới có các khoản yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm khi vay mua xe, nhà, thậm chí là mở thẻ ATM…

Đối với các công ty bảo hiểm không có ngân hàng phía sau đành phải chờ thói quen mua bảo hiểm rủi ro của người dân thay đổi vì việc mua bảo hiểm khi vay không bị bắt buộc theo luật.

Trong bối cảnh nợ xấu của các ngân hàng tăng cao, việc khuyến khích người vay tiền khi mua bảo hiểm kèm theo sẽ là một việc làm có lợi cho cả ngân hàng và người vay tiền.

Theo doanh nhân Sài Gòn

Comments are closed.