Bảo hiểm phi nhân thọ: NĐT nước ngoài chưa mặn mà

Hiện mới chỉ có 3 DN bảo hiểm nhân thọ trong nước “kết duyên” được với đối tác ngoại.(ĐTCK-online) Trong số 19 DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước hiện nay, mới chỉ có 3 DN lớn nhất có cổ đông chiến lược ngoại (Bảo Việt – HSBC, Bảo Minh – AXA, PVI – OIF). Mặc dù rất quyết tâm, nhưng các DN bảo hiểm phi nhân thọ còn lại vẫn loay hoay với bài toán tìm NĐT chiến lược nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng tầm của các DN trong nước vẫn còn cách quá xa so với yêu cầu của các NĐT nước ngoài, như một chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhận định?

Trong phương án phát hành cho cổ đông chiến lược để thực hiện tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng trong năm nay, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đặt ra khá nhiều tiêu chuẩn: cổ đông chiến lược là các công ty trong và ngoài nước có thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường để nâng cao uy tín của VASS, góp phần làm mạnh cơ cấu cổ đông của Công ty; phải cam kết hỗ trợ VASS về hoạt động quảng bá thương hiệu, gia tăng hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư. Không chỉ VASS, nhiều DN khác cũng đặt ra mục tiêu tìm kiếm cổ đông chiến lược với các tiêu chí tương tự, nhưng cho tới thời điểm này vẫn còn đang loay hoay và liên tục lỗi hẹn với mục tiêu này.

Với tổng doanh thu ngành bảo hiểm mới chiếm khoảng 2% GDP (so với 5 – 6% tại Malaysia và Singapore, 8 – 9% tại Nhật Bản, Mỹ), thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng vẫn tiềm ẩn những đợt sóng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi đang là xu hướng phổ biến hiện nay tại các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới. Vậy vấn đề ở đây liệu có phải các DN bảo hiểm Việt Nam kém hấp dẫn?

 

Thiếu hấp dẫn

Có một vài lý do chính có thể khiến khoản đầu tư và các DN bảo hiểm Việt Nam chứa đựng rủi ro và khả năng sinh lời thấp.

Thứ nhất, cạnh tranh phi kỹ thuật khiến thị trường phát triển không lành mạnh. Cạnh tranh giành giật dịch vụ như hạ thấp tỷ lệ phí bảo hiểm kèm theo các điều khoản mở rộng vô tội vạ không đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ khách hàng tốt hơn, cũng như không đảm bảo có chương trình tái bảo hiểm an toàn đủ để đảm bảo khả năng thanh toán của DN trong trường hợp xảy ra tổn thất lớn. Thực tế, đã có không ít DN bảo hiểm chật vật lo “thu dọn” hậu quả của việc giành giật khách hàng bằng mọi giá. Đối với các NĐT nước ngoài, với tình hình đó thì khó có thể đánh giá đối tác trong nước nào thực sự tiềm năng, vì quy mô doanh thu lớn chưa hẳn đã an toàn và mang lại hiệu quả cho đồng vốn đầu tư.

Thứ hai, DN bảo hiểm trong nước thường không có chiến lược rõ ràng. Hầu hết DN không tập trung vào phát triển các sản phẩm thế mạnh, cũng như nhắm tới đối tượng khách hàng mục tiêu. Các DN cạnh tranh dàn trải, bắt chước sản phẩm của nhau mà thiếu đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển. Đây là lý do vì sao số lượng DN tại Việt Nam rất đông, nhưng khách hàng vẫn thiếu sự lựa chọn, có chăng chỉ là DN nào phí bảo hiểm thấp nhất, bồi thường dễ dãi nhất thì mua bảo hiểm của DN đó. Bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn đến như trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng quản trị điều hành… Chừng nào các DN chưa có thế mạnh trong cạnh tranh thì sẽ không có lý do để thuyết phục NĐT nước ngoài.

Thứ ba, quy mô DN quá nhỏ, năng lực tài chính yếu. Theo Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ về việc quy định chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm và DN môi giới bảo hiểm thì sau 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, vốn điều lệ tối thiểu của DN kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng. Tới thời điểm hiện nay, theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong khi các DN bảo hiểm nhân thọ đã hoàn thành việc tăng vốn thì trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn khá nhiều DN chưa thực hiện xong việc này. Phân cấp và khoảng cách về quy mô, thị phần giữa các DN khá rõ ràng giữa 4 DN dẫn đầu thị trường và các DN còn lại. Muốn giải quyết bài toán về vốn, giải pháp tìm NĐT chiến lược được coi là thượng sách, nhưng sự thờ ơ của các NĐT nước ngoài đối với các DN nhỏ lại khiến cho cái vòng này càng luẩn quẩn.

Cuối cùng, điều kiện về vốn góp cũng là một bước cản đối với những DN đang loay hoay kiếm tìm NĐT chiến lược: mỗi cổ đông chỉ được sở hữu tối đa 20% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc trong khi cổ đông chiến lược nước ngoài phải cam kết đưa ra các trợ giúp về chiến lược, quản lý, nhưng lại “được” đối xử về giá ở mức “tốt nhất” là bằng với mức giá đấu bình quân, thì không phải là một quy định hấp dẫn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến NĐT chiến lược nước ngoài kém mặn mà.

 

Tín hiệu tích cực

Dù khó, nhưng các DN bảo hiểm vẫn rất tự tin vào giải pháp thu hút dòng vốn ngoại kèm theo các cam kết hỗ trợ này. Thực tế, với sức ép cạnh tranh và nhu cầu phát triển bền vững và hiệu quả, sẽ có những DN bứt phá và thu hút dòng vốn đầu tư bằng sự năng động và tiềm năng phát triển. Đặc biệt, từ năm 2009, rất nhiều DN đã chuyển hướng hoạt động từ tăng trưởng theo quy mô, chiếm lĩnh thị phần sang tăng trưởng hiệu quả và bền vững. Điều này hứa hẹn bức tranh nhập cuộc của các NĐT ngoại sẽ có những thay đổi tích cực.  

Vũ Toan – Trọng Nghĩa, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV
Đầu tư Chứng khoán điện tử

Comments are closed.